Chuyện ít biết về vị đạo sĩ khắc chế rắn thần cuối cùng trên đỉnh Thất Sơn

Thứ bảy - 30/06/2012 19:35
Thất Sơn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), vùng núi huyền bí nhất khu vực đồng bằng Nam Bộ, nơi có vô số chuyện kỳ bí về những đạo sĩ sống ẩn dật, luyện võ, tu đạo cứu người. Nhưng, đó là chuyện xưa.

Còn bây giờ, Thất Sơn đã bớt huyền bí, và chỉ còn một vị đạo sĩ cuối cùng, đạo sĩ Ba Lưới. Thuở núi rừng còn hoang vu, ông từng 2 lần giết “mãng xà tinh”, trấn động cả Nam kỳ Lục tỉnh.


Núi Cấm huyền bí quanh năm mây cuốn

KHẮC CHẾ MÃNG XÀ

Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, là “Thất sơn nhất đỉnh” của vùng “năm non bảy núi” ở An Giang và được coi là “nóc nhà” miền Tây. Núi cao hơn 700m, mây phủ quanh năm, thâm u, kỳ bí. Theo sử sách thì núi Cấm là nơi năm xưa vua Gia Long Nguyễn Ánh ẩn dật khi chạy trốn sự truy nã của nhà Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc, một số cấm vệ quân đã ở lại lập ra môn phái võ Thất Sơn lưu truyền đến ngày nay. Núi Cấm còn là nơi các nghĩa quân, chí sĩ yêu nước khởi nghĩa chống Pháp thất bại lui về đây ở ẩn, tu hành như  Cao Văn Do (Bảy Do), cháu ruột của anh hùng Thủ Khoa Huân, người lập nên chùa Phật Lớn ngày nay.

Đường lên Thất Sơn có thể nói là con đường “chông gai” nhất miền Tây với những dốc đá treo leo, cây dại bít bùng, lâu lâu mới có một tia nắng lọt qua lớp cây lá dày đặc. Nếu không có anh bạn “thổ địa” tên Năm Sơn dẫn đường, chắc khó lòng tôi leo được đến nơi. Sau mấy tiếng đồng hồ leo trèo, người mướt mồ hôi, cuối cùng Năm Sơn cũng dừng lại và chỉ chiếc am nhỏ phía trên: “Tuyệt tình cốc” của Ba Lưới đấy.


Lối nhỏ lên “Tuyệt tình cốc” trên đỉnh núi Cấm của đạo sĩ Ba Lưới

Tôi ngước lên, một cụ già khuôn mặt quắc thước, râu tóc đã bạc phơ đang ngồi nhắm mắt bất động trước cửa am, chỉ có chòm râu dài bạc phơ đang rung nhẹ. Đó là đạo sĩ Ba Lưới, năm nay 98 tuổi. “Sao lại gọi là “Tuyệt tình cốc”?, tôi ngạc nhiên. "Tại ổng ở trong cái am cao nhất nên mọi người gọi vui vậy thôi chứ ổng không “tuyệt tình” đâu”, Năm Sơn cười đáp.

>Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, quê ở vùng Chợ Mới (An Giang). Năm 18 tuổi ông một mình ngao du khắp nơi, đến vùng Thất Sơn, ông quyết định dừng lại và tu luyện cùng các nghĩa sĩ ẩn dật. Sơn giới thiệu: “Hồi đó ở đây linh thiêng, huyền bí lắm chứ không phải như bây giờ đâu, chưa kể đủ loại mãnh thú như cọp, báo, mãng xà. Cho nên, chỉ có những người bản lĩnh với một lá gan bằng… sắt, có tâm, chuyên làm chuyện chính trực như ông Ba mới sống được ở đây thôi”.


Đạo sĩ Ba Lưới

Nói về lần quyết đấu sinh tử với con “mãng xà tinh”, ông Ba Lưới kể, nếu không có những năm tháng miệt mài luyện võ, luyện sức và một tinh thần thép thì ông đã làm mồi cho con hổ mây đen ngót trăm ký từ lâu.

“Hôm đó tui đang lên dốc núi thì thấy một khúc đen thui nằm chắn ngang đường. Định thần nhìn kỹ, tui lạnh lưng khi biết đấy là con rắn hổ mây đang tắm nắng. Thấy động nó ngóc đầu nhìn tui, đôi mắt đỏ ngầu. Biết không tránh khỏi cuộc ác đấu nên tui lùi lại cầm cây đòn gánh thủ thế. Ngay lúc đó, con rắn hổ rít gió lao tới. Đợi nó đến đúng tầm, tui dồn sức quét ngang cây đòn gánh. Nhưng, dường như biết đối thủ của nó không dễ “nuốt” nên gần tới nơi nó khựng lại, cái đầu liên tục nhịp nhịp, cặp mang phè ra rộng hơn một cánh tay người lớn, lưỡi lè ra dài bằng nửa chiếc đòn gánh. Chúng tui nhìn nhau 1 lúc lâu. Rồi, nó bất thần phóng tới như một tia chớp. Tui bình tĩnh vận nội công, ra đòn và nghe một tiếp “ục” nặng như chì. Con rắn bị cây đòn gánh trên tay tui quật gãy khúc gần giữa thân. Nhưng, con rắn chưa chịu nằm im, cái đuôi của nó quất một cái làm tui hoa mắt, chới với. Không có cân để xem nó nặng bao nhiêu, nhưng ước nó nặng hơn tui. Tức là ít nhất cũng hơn 70 ký”, ông Ba nhớ lại.

Mấy năm sau, ông lại một lần quyết tử với con hổ mây thứ hai gần bằng con trước.

MỘT ĐỜI CỨU NHÂN ĐỘ THẾ

Vùng Bảy Núi xưa kia có vô số rắn độc, trong đó có những loài cực độc như chàm quạp, hổ sơn, hổ chuối, mai gầm... nếu bị cắn mà không biết cách sơ cứu bài bản trước khi tìm đến thầy giỏi thì cầm chắc cái chết. Những loại này độc nhưng chỉ to hơn ngón chân, còn loại rắn độc khổng lồ là hổ mây. Nhắc đến "con quái vật" này, ai đã từng đi rừng lâu năm cũng ít nhất một lần “đụng” nó và khiếp sợ! Chúng có đặc điểm lớn không có điểm dừng, có khi nặng cả trăm ký, dài gần hai chục mét. Khi di chuyển trên cây, nó lướt nhanh như xé gió. Còn ở dưới đất, cái đầu có mồng đỏ bầm của nó ngóc cao cả mét.

Chứng kiến những cái chết thương tâm vì rắn cắn của người dân lành, và sau 2 lần suýt chết vì rắn, ông Ba quyết định đi “tầm sư” học những bài thuốc trị rắn cắn. Sau hàng tháng trời lặn lội chốn rừng thiêng nước độc, Ba Lưới may mắn gặp được đạo sĩ Bùi Văn Thân và được vị đạo sĩ này truyền cho những bài thuốc trị rắn cắn gia truyền. Đến nay, ông Ba không nhớ nổi đã “hồi sinh” cho bao nhiêu người sau khi bị rắn cắn.

Ông Ba nói rồi đứng lên lấy trong chiếc rương gỗ ra một mẩu sừng nhỏ cỡ ngón tay, màu đen tuyền, ông nói: "Đây là sừng con Dinh rắn. Sư phụ truyền lại cho tôi trước lúc lâm chung với lời nhắn rằng: cầm “bảo bối” này trong tay mà không cứu được người gặp nạn là có tội lớn với truyền nhân”.

Theo ông Ba thì chiếc sừng Dinh rắn có thể hút nọc nhưng còn phải kết hợp với 1 bài thuốc và những động tác võ thuật dành riêng cho việc đẩy nọc độc của rắn, truyền nguyên khí cho nạn nhân nữa mới thoát chết. Cũng vì thế, từ mấy chục năm nay, ông Ba vẫn không ngừng luyện tập môn võ Thất Sơn và Thái cực quyền. Theo truyền thuyết thì Dinh rắn là một loài dị thú thuộc nhóm bò sát có sừng chuyên ăn thịt rắn độc (ngoài Dinh rắn còn có Dinh cá, Dinh cỏ). Loài dị thú này sống ở những vùng núi hiểm trở nhất Ấn Độ. Các loại rắn độc gặp Dinh rắn là nằm như bị thôi miên, không còn sức chạy nữa. Và chỉ cần người nào mang sừng Dinh rắn trong người thì không phải lo bị rắn độc cắn.

Nói về sự ngày càng nghèo đi của núi Cấm, giọng ông Ba chùng xuống: "Ngày xưa, núi Cấm là kho dược liệu quí cả ngàn loại. Nhưng hồi đó 10 phần nay chỉ còn 2. Mấy thứ hiếm như kỳ nam, điên điển núi, ngải móng trâu, hồng khấu, sa nhơn, ngải tượng... khó tìm lắm, có khi phải tìm mấy ngày mới thấy. Tìm được rồi phải khấn vái chư thần, thổ địa xem cây nào nhổ được cây nào không, chứ đâu phải thấy là bứng gốc mang về như mấy “thầy” bây giờ! Còn những con “mãng xà tinh”, dữ thì dữ thế nhưng chắc cũng không thoát bàn tay của con người?”.


Tượng Phật cao nhất vùng Đông Nam Á do đạo sĩ Ba Lưới vận động xây dựng

Đạo hạnh và tấm lòng bác ái của ông Ba Lưới khiến nhiều người nể phục, ngay cả những vị sư của các chùa vùng Bảy Núi khi gặp ông hạ sơn phải xếp dù, xếp mũ chào thầy. Còn người dân vùng Thất Sơn mỗi khi đứng dưới bức tượng phật cao 36 mét, nặng 800 tấn trên đỉnh núi Cấm, bức tượng cao nhất vùng Đông Nam Á, lại nhớ vị đạo sĩ Ba Lưới, bởi ông chính là người có công chính trong việc huy động sức người, sức của dựng nên bức tượng này.

Nguồn tin: Phúc Lập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây