Qua bức ảnh phóng viên NTNN thu thập được thì khi chiếc hộp bằng vàng - hiện vật quý hiếm đời Trần được một vị sư tìm thấy, vẫn còn nguyên nắp. Tuy nhiên, khi huyện Đông Triều tiếp nhận tiếp thì chiếc nắp hộp đã biến mất.
Nhà sư Thích Quang Hiển - trụ trì chùa Trung Tiết, Đông Triều - người nhặt được chiếc hộp kể lại:
Ngày 21.6, trên đường vào cụm di tích Ngọa Vân từ hồ Trại đến chớm khu vực vườn vải Lốc (xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh), ông phát hiện một chiếc hộp nhỏ màu xỉn đen nhô lên mặt đất. Sau khi chùi qua thì từ chiếc hộp sáng lên màu vàng. Chiếc hộp càng ánh lên rực rỡ khi sư Hiển mang xuống một con suối cách đó hơn 10m để rửa.
Chiếc hộp còn nguyên nắp được chụp ảnh sau khi tìm thấy.
Nhìn bên ngoài, chiếc hộp chỉ to cỡ cái chén nhỏ uống nước, lớp vàng được dát rất mỏng nên khá nhẹ. Lớp hoa văn trang trí tinh xảo, giống nhau trên mỗi múi của hộp, nổi bật là hoạ tiết hoa chanh đặc trưng đời Trần.
“Khi đó tôi luôn miệng nhẩm hai từ "cơ duyên" bởi tôi hiểu rằng giấc mơ 3 năm trước về vật báu bằng vàng đã được hóa giải” - sư Hiển nói.
Tiếp đó, sư Hiển cùng 1 đại đức và 7 tăng ni, phật tử tiếp tục hành hương lên chùa Ngọa Vân. Trên đường đi, nhiều người mong muốn được chiêm ngưỡng chiếc hộp và ông đều mở cho họ xem. Điều bất ngờ là khi ông cùng đoàn trở xuống núi bàn giao hiện vật cho cán bộ của huyện Đông Triều thì nắp chiếc hộp bỗng biến mất.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng thì nắp hộp có thể bị thất lạc trong quá trình đoàn hành hương lên chùa Ngọa Vân. Cũng có giả thiết nắp hộp bị đánh cắp nên lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra để truy tìm.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Anh - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) - người được UBND huyện Đông Triều đã mời về nghiên cứu, xác định giá trị hiện vật cho biết:
Chiếc hộp làm bằng vàng, có niên đại thời Trần, dù chỉ là hiện vật nhỏ (đường kính miệng 4,9cm, đường kính đế 3,3cm, cao 3,3cm) nhưng vẫn xếp vào loại quý hiếm vì chất liệu quý.
Càng quý hiếm hơn vì đây lại là hiện vật bằng vàng thời Trần, vốn rất ít khi tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ ở các di tích thời Trần khác. Hộp hình quả bí với 11 múi, mô phỏng một đoá hoa, chạm khắc rất tinh xảo với hoạ tiết hoa chanh là loại hoa văn rất đặc trưng đời Trần...
Cũng theo ông Anh, có thể khẳng định, chiếc hộp được phát hiện rất ngẫu nhiên bởi tại vị trí nhặt hộp, đoàn nghiên cứu không tìm thấy dấu vết hiện vật khác.
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự