Bình Dao (Pingyao) là thành cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Trung Quốc, tọa lạc tại tỉnh Sơn Tây của quốc gia này. Đây được cho là khu di tích văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống của người Hán.
Công trình đặc biệt này bắt đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 9 TCN vào thời nhà Tây Chu. Tuy nhiên, hầu hết những kiến trúc và bố cục giống như hiện này của thành cổ Bình Dao lại được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ thứ 14 (cách đây hơn 600 năm).
Nhiều thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng phần lớn các kiến trúc độc đáo như tường thành, cửa hàng, đền chùa,... đều còn khá nguyên vẹn, và thể hiện đậm nét về văn hóa xã hội truyền thống ở Trung Quốc.
Bức tường thành ấn tượng - "Báu vật" vô giá của Trung Quốc
Những bức tường thành cổ kính được bảo tồn nguyên vẹn là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng của thành phố cổ Bình Dao.
Bức tường thành vững chắc bao quanh thành cổ Bình Dao bắt đầu được xây dựng từ năm 1370 thuộc triều đại nhà Minh.
Cho tới khi hoàn hoàn, công trình kiến trúc này có chiều dài khoảng 6 km và ban đầu được xây dựng để nhằm mục đích bảo vệ thành phố và người dân khỏi sự tấn công của kẻ địch.
Với chiều cao trung bình 12 mét, bức tường thành rất vững chắc và kiên cố, đã trở thành một đặc điểm riêng có của thành cổ Bình Dao.
Ngoài ra, tường thành của Bình Dao còn có 72 tháp canh (cách 50 mét thì xây một tháp canh, 4 góc thành mỗi góc xây một gác lầu), 6 cổng vào (4 cái ở 4 phía đông, tây, nam, bắc và 2 cái để vào và ra khỏi thành).
Nhìn bề ngoài, thành cổ Bình Dao có dáng vẻ trông giống như một con rùa, nên có người còn gọi đây là "thành phố Rùa". Trong đó, cửa thành phía tây được cho là đuôi rùa.
Đây cũng là vị trí thấp nhất của thành cổ Bình Dao, hầu hết nước đọng trong thành đều chảy ra từ đây. Kiến trúc độc đáo hình linh quy (rùa thiêng) của Bình Dao mang ý nghĩa vững chãi như bàn thạch, mãi mãi trường tồn.
Bên cạnh đó, những bức tường dày, vững chắc khiến thành phố này trông rất kiên cố và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Trong thành rộng khoảng 2,25 km², kiến trúc của những ngôi nhà cổ cũng rất độc đáo. Lấy hướng Nam Bắc làm trục giữa, bố cục của thành cổ rất ngay ngắn với các chức năng rõ ràng, dù công trình được bố trí khép kín.
Vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế
Không những có vẻ ngoài hùng vĩ, độc đáo, thành cổ Bình Dao còn là một vị trí quan trọng trong quân sự và kinh tế đối với các vương triều cổ xưa ở Trung Quốc. Cụ thể, trong thời nhà Minh và nhà Thanh, Bình Dao là thành cổ có vai trò lớn trong kinh tế lúc bấy giờ.
Không những phát triển mạnh các hoạt động giao thương, buôn bán hàng hóa, khu vực này còn là nơi sản sinh ra nhiều thương nhân nổi tiếng, hoạt động và có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
Ngay cả khi đêm xuống, thành cổ Bình Dao vẫn có sức hút tuyệt vời, đường phố ngập tràn ánh đèn bên những ngôi nhà có niên đại từ thời nhà Minh (1368-1644). Ảnh: Internet
Ngoài ra, cửa hàng thương mại đầu tiên của Trung Quốc được cho là mở tại thành cổ Bình Dao và trong nhiều thế kỷ sau, nơi đây gần như là nơi tập trung phần lớn những cửa hàng lớn.
Thậm chí, nhiều cửa hàng kinh doanh có thể được tìm thấy trên đường Minh Thanh, nơi vẫn còn không ít di tích độc đáo đến ngày nay.
Một trong những ngôi nhà chứng thực vai trò to lớn về kinh tế thương mại của thành cổ Bình Dao là cửa hàng đổi tiền "Nhật Thăng Dương". Đây được cho là ngân hàng sơ khai đầu tiên của Trung Quốc, thành lập vào năm 1823.
Đặc biệt, "Nhật Thăng Dương" cũng là ngân hàng đầu tiên sử dụng ngân phiếu, chi phiếu (hay séc) để thay thế cho vàng bạc, tiền giấy trong các giao dịch kinh doanh.
Điều này giúp các thương nhân thuận tiện khi đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa mà không phải mang theo số lượng vàng bạc lớn.
Ngành ngân hàng ở Bình Dao ngày càng phát triển và trong thời kỳ hưng thịnh nhất thì có nhiều cửa hàng giao dịch chiếm tới một nửa tổng số ngân hàng của Trung Quốc thời kỳ Minh-Thanh, và dần trở thành trung tâm tiền tệ ở quốc gia này.
Những ngôi nhà tứ hợp viện cổ kính
Tứ hợp viện (Siheyuan) là kiểu nhà truyền thống, lâu đời trong lịch sử Trung Quốc. Hiện nay, vẫn còn những gia đình sống trong những ngôi nhà tứ hợp viện (nhiều gian phòng đều bao quanh, nhìn ra khoảng sân ở giữa).
Điều thú vị là hơn 4.000 ngôi nhà trong thành cổ Bình Dao đều được xây dựng theo kiểu tứ hợp viện. Những ngôi nhà cổ kính được xây bằng gạch màu tro, lợp ngói, kết cấu cấu gỗ, có đường trục đối xứng rõ ràng, rất cân đối và đẹp mắt.
Những khuôn viên nhà ở đều khép kín với và được bao bọc bởi những bức tường lớn cao chừng 7-8 mét. Hiện nay, vẫn còn khá nhiều ngôi nhà theo hình thức tứ hợp viện ở thành cổ Bình Dao vẫn còn được bảo tồn tương đối tốt.
Ngoài ra, thành Cổ Bình Dao còn có nhiều ngôi chùa với kiến trúc độc đáo và tuổi đời lên tới 1.000 năm tuổi.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thành cổ Bình Dao thậm chí còn được nhiều người yêu mến gọi là "Phố Wall" dưới triều đại nhà Thanh (1644-1912).
Công trình kiến trúc văn hóa độc đáo này cũng được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa Thế giới" vào năm 1997.
Tham khảo nguồn: Ancientorigins, Baidu, Unesco
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự