Người dân nơi đây gọi ngôi nhà của họ là miền đất của rồng thiêng, nơi có những vị Thần đang ngự trị. Với thế giới bên ngoài, Bhutan được xem như xứ sở Shangrila có thật, một thung lũng huyền thoại, một ‘Thiên Đường hạ giới’, một mảnh đất của sự hạnh phúc vĩnh cửu. Lãnh thổ Bhutan trải dài từ dãy Himalaya tới thung lũng, đồng bằng. Địa hình khác nhau tạo nên sự đa dạng trong thói quen và phương thức sống để thích nghi với điều kiện tự nhiên của người dân.
Tuy nhiên, dù trên núi cao hay ở đô thị, Bhutan luôn đồng nghĩa với sự thanh bình. Đây có lẽ là quốc gia tốt nhất trên thế giới dành cho bạn nếu muốn kết nối và hòa hợp với những điều tuyệt vời như thiên nhiên, núi non và tìm về chính mình. Người dân mộc mạc, tốt bụng, mọi thứ đều giản đơn thực sự sẽ khiến bạn muốn buông bỏ mọi nỗi lo để đặt chân đến Bhutan.
Cuộc sống ở “Xứ sở thiên đường kỳ diệu” trên dãy Himalaya hùng vĩ
Bhutan có nghĩa là vùng đất Rồng Sấm, bắt nguồn từ những cơn bão lớn thường quần thảo đến từ dãy Himalaya. Người ta tin rằng có một vị Thần hộ mệnh cho vương quốc thường xuyên bay lượn trong khoảng không phía trên các đỉnh núi.
Cách nhìn nhận của người Bhutan về mục đích sống trên thế gian này có lẽ được minh họa rõ nhất qua một tích trong Phật giáo về 4 người bạn thân mà từng người dân Bhutan đều thuộc lòng. Ngày xửa ngày xưa, có một con chim lạ bay đến từ một nơi xa xôi. Nó đã bay trong nhiều ngày, mỏ ngậm một hạt cây. Sau nhiều ngày bay xa, nó kiệt sức và đánh rơi hạt cây. Thỏ rừng đã đào một cái hố cho khỉ trồng cái hạt đó. Sau đó, voi đã đứng lên phía trên để tưới nước và che chắn ánh nắng. Dần dần, cái hạt nhỏ bé lớn lên thành một cái cây khổng lồ. Cây ra hoa kết trái với rất nhiều quả mọng. Đó là sự hòa thuận lan tỏa khắp miền đất này, nơi truyền thuyết và thần thoại không thể tách rời khỏi cảnh vật.
Hầu hết người dân Bhutan làm nghề trồng trọt hoặc chăn thả gia súc nên họ có mối quan hệ mật thiết với những yếu tố thời tiết ở đây.
Người ta thường chăn thả đàn dê hơn 200 con trên núi. Ở Bhutan, việc săn bắt được cấm đoán cả bởi luật pháp và tôn giáo.
Trong tất cả các nhân tố thì nước có ảnh hưởng mạnh nhất tới vương quốc. Từ tháng 6 đến tháng 9, Bhutan trải qua hiện tượng thiên nhiên lạ nhất trên trái đất. Sức mạnh không thể ngăn chặn của mùa mưa ào ào trút xuống Himalaya.
Trên 80% lượng mưa mỗi năm được trút xuống trong mùa mưa. Một lượng mưa khoảng 7.500mml trút xuống trong một năm khiến nơi đây trở thành một trong những nơi ẩm ướt nhất trên thế giới.
Vào tháng 9, mùa mưa bắt đầu chấm dứt trong ánh nắng muộn của mùa hè. Ở độ cao 7.300m, các đám mây bắt đầu tích tụ nước, đó là vị Thần bảo trợ cho thế giới tự nhiên của nơi đây.
Với khoảng 5000 loài cây khác nhau, Bhutan giống như một nhà kính của tự nhiên.
Khi mùa mưa đã qua, những con dê núi bước vào thời kỳ đánh chén no nê. Nhưng khi đó, ngày đang ngắn dần và mùa đông đã bắt đầu lấp ló chân trời, lũ dê phải khẩn trương gặm cỏ. Trải qua hàng nghìn năm, chúng đã thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông Himalaya.
Khi mùa hè sắp kết thúc, những người dân du mục sẽ chuẩn bị thu dọn đồ đạc để chuyển xuống thung lũng phía dưới ấm áp hơn. Mùa xuân năm sau, họ sẽ quay lại nơi này và nổi lửa nấu nướng.
Sự thay đổi lướt qua toàn bộ đất nước Bhutan. Do không có khả năng ngủ đông hay sức chịu đựng cao nên con người phải di trú, lần xuống theo con suối chảy ra trên cao về phía thung lũng hoặc đồng bằng.
Nhắc đến Bhutan là nhắc đến sự hài hòa, lắng đọng và bình yên.
Thủ đô Thimphu, bức tranh đầy đủ về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới Bhutan
Cuộc sống ở Bhutan không cầu kỳ hoa lệ, không có nhà cửa hiện đại với hệ thống đèn điện lung linh, không có đường phố đông xe cộ. Chỉ có con người và thiên nhiên hòa hợp nhưng mang đến cảm giác yên bình cho mỗi người dân. Sau hơn 50 năm mở cửa biên giới, Bhutan được xem như xứ sở Shangrila có thật, mảnh đất của sự hạnh phúc vĩnh cửu.
Thimphu, thủ đô và là thành phố lớn nhất Bhutan
Nằm ở độ cao 2.400m so với nước biển, Thimphu là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Bhutan.
Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông, không có bóng dáng của những trụ đèn xanh, đỏ. Những đoàn xe di chuyển theo sự chỉ dẫn của cảnh sát.
Người Bhutan ngày thường vẫn mặc trang phục truyền thống, Gho và Kira, khi đến công sở, khi đi học hay đi làm.
Phố xá, nhà cửa khá giống nhau. Các pháo đài, tu viện được xây dựng theo kiến trúc Goong, được sử dụng như những trung tâm tôn giáo, quân sự, hành chính, xã hội, cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội tôn giáo lớn hàng năm.
Hàng ngày, người dân Bhutan thường đi đến các tu viện. Họ đi quanh các vòng xoay luân xa hay quanh kim luân chuyển chú để cầu nguyện. Người Bhutan quan niệm chỉ cần quay các vòng xoay này, họ có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện lên trời, đem may mắn đến cho mình và cho người thân.
Kính cẩn và nghiêm trang khi hành lễ, người Bhutan có một đức tin sâu sắc vào Phật giáo. Họ tin vào luật nhân quả và hướng tới một cuộc sống từ bi, nhân ái. Cũng chính vì thế, Bhutan thường được miêu tả là nền hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại trên thế giới.
Biểu tượng Kim cang Phật hướng về thung lũng Thimphu. Đây là bức tượng được làm bằng vàng và đồng lớn nhất Bhutan với chiều cao 51m, trong lòng là 125.000 tượng Phật nhỏ.
Bhutan dựa vào bốn trụ cột để phát triển đất nước, không phải để phát triển kinh tế, mà để phát triển bền vững. Những điều đó bao gồm: Phát triển xã hội một cách bền vững, bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường thiên nhiên và hệ thống các công cụ để điều hành đất nước một cách minh bạch và rõ ràng.
“Chúng tôi là một đất nước Phật giáo. Bạn có thể gặp các nhà sư ở mọi lứa tuổi ở bất cứ đâu tại Bhutan. Trẻ em trai trong độ tuổi từ 6 đến 9 đã bắt đầu việc tu hành trong các ngôi chùa nơi các nhà sư được học ngôn ngữ cổ của kinh Phật, ngôn ngữ gốc của Bhutan và tiếng Anh. Các trẻ em này sau này có thể chọn lựa cho mình một trong hai con đường: Học giáo lý nhà Phật và trở thành nhà sư hoặc đa số thấm nhuần về Phật giáo và sống cuộc sống bình thường với đức tin của riêng mình. Đất nước chúng tôi đặt sự từ bi và khiêm tốn làm nền tảng cho hiến pháp,” anh Nonno Tsesam nói.
Gần như 100% người dân Bhutan theo đạo Phật và được trị vì bởi chính phủ Hoàng gia. Tinh thần kính vua thờ Phật thể hiện rất rõ trong các công trình kiến trúc, trong cách người dân thể hiện tấm lòng tôn kính với nhà vua và trong mỗi lời mà họ cầu nguyện.
“Chúng tôi quan niệm rằng cho dù phát triển đến đâu chúng tôi cũng phải dựa trên giá trị của bốn trụ cột chính về Tổng hạnh phúc quốc dân. Đó là phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo tồn các giá trị truyền thống, văn hóa; bảo vệ môi trường thiên nhiên và bộ máy điều hành hiệu quả. Chúng tôi cố gắng để cân bằng giữa toàn cầu hóa và các giá trị dân tộc.
Từ 20 năm hay 50 năm trở lại đây, chúng tôi vẫn giữ được truyền thống, văn hóa. Chúng tôi vẫn luôn mặc trang phục truyền thống. Chúng tôi không sử dụng các công nghệ mang tính toàn cầu như điện thoại di động, dịch vụ Internet. Không có những thứ đó. Chúng tôi không phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có công nghệ hiện đại ở mọi nơi nhưng lại mất đi văn hóa và nét riêng của mình. Quả thực điều này là không thể đánh đổi, không thể lấy lại được.
Khi chúng tôi nói đến tổng hạnh phúc quốc dân thì đó là sự cân bằng giữa hiện đại hóa và giá trị dân tộc mà chúng tôi có ở đây. Và đó cũng là điều mà chúng tôi cố gắng có được. Chúng tôi tin rằng nếu cân bằng được 2 thứ này sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người.”
Trong 3 thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn sự phát triển kinh tế. Giờ đây, khi thế giới lao đao trước khủng hoảng kinh tế, trước thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên thì riêng một mình quốc gia bé nhỏ Bhutan lại ngày càng nổi lên như một quốc gia thịnh vượng.
Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan tăng gấp đôi. 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của không khí đạt tới độ lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa. 60% đất nước được che phủ bởi rừng và Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có chỉ số carbon âm. Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ và mỗi tháng đều có một ngày đi bộ.
Ở Bhutan, hạnh phúc là giá trị cuộc sống và quan trọng hơn tất cả mọi thứ tiền tài, công nghệ hay sự hiện đại. Người dân nơi đây biết cách tìm niềm vui từ những điều cơ bản của cuộc sống. Thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.
Bhutan quả thực giống như xứ sở Shangrila có thật, một thung lũng huyền thoại, một ‘Thiên Đường nơi hạ giới’, một mảnh đất của sự hạnh phúc vĩnh cửu. Khám phá Bhutan từ những đỉnh núi cao cho đến thung lũng xanh mướt, được đắm mình trong sự hài hòa và bình yên, bạn đã sẵn sàng cho một hành trình như vậy chưa?
Thiên Thủy
Nguồn tin: vietdaikynguyen.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự