Lê Thánh Tông (1442 - 1497) là vị vua thứ năm của nhà Lê sơ, trị vì đất nước từ năm 1460 đến 1497. Trong suốt những năm ông tại vị, đất nước đạt độ cực thịnh, rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. Thời kỳ này được gọi là thịnh trị Hồng Đức.
Ông là vị vua sáng suốt, vừa là nhà văn hóa lớn, luôn chú trọng xây dựng nền giáo dục nước nhà. Có thể nói, dưới thời Lê Thánh Tông, nền giáo dục đạt được những thành tựu huy hoàng mà không thời kỳ phong kiến nào của Việt Nam sánh kịp.
Khi làm vua, Lê Thánh Tông rất hay cải trang, mặc quần áo thường dân và vi hành khắp chốn để hiểu thêm về cuộc sống thực sự của dân chúng, về đạo đức và tài năng của quan lại dưới quyền, những điều mà ông không bao giờ được nghe quần thần của mình bẩm báo.
Thuở ấy, tại kinh thành Thăng Long có người múa gậy rất giỏi, lại có tài thoắt ẩn thoắt hiện, đi tới đi lui nhanh như gió nên được người dân gọi là Quận Gió. Quận Gió là đạo chích chuyên nghiệp, xuất quỷ nhập thần, chuyên trèo tường đào gạch vào nhà người khác ăn trộm.
Ở những nơi không ai ngờ, người này ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, anh ta vẫn luồn qua được. Nếu Quận Gió định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát.
Tuy nhiên, Quận Gió lại được nhiều người yêu mến bởi không bao giờ ăn trộm nhà nghèo mà thường lấy của nhà giàu, chia cho người nghèo và những người lương thiện khác.
Nghe tin đồn về Quận Gió, vua Lê Thánh Tông bèn cải trang tìm hiểu sự tình.
Đêm 30 Tết, nhà vua đến gặp Quận Gió, tự xưng là học trò nghèo ở trường Giám (Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của nước ta). Lê Thánh Tông giả vờ kể sự nghèo khổ, không có tiền để về quê cúng giỗ tổ tiên nên muốn nhờ Quận Gió giúp một ít làm lộ phí.
Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói: “Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?”
“Trộm của phú ông ở cửa Tây”, chàng thư sinh trẻ nói.
Nghe đến đó, Quận Gió gạt ngay: “Không được. Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy”.
“Thế trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?”, chàng thư sinh ướm lời.
“Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy", Quận Gió nói.
Người này cũng liên hệ câu chuyện: "Cũng như cậu, nếu sau này đậu đạt làm quan là do sôi kinh nấu sử, không ai nỡ lòng cướp đoạt gia sản của cậụ. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén. Lão ấy hay ăn trộm bạc trong kho đem về nhà. Đó là những thứ không phải của hắn”, Quận Gió đáp.
Nói rồi, ông ta lao vào màn đêm. Một lát sau, Quận Gió mang về hai nén bạc dúi vào tay cậu thư sinh: “Học trò nghèo như cậu thì ta nhất định phải giúp. Số tiền này đủ để cậu về quê, còn thừa thì dùng vào việc dùi mài kinh sử. Hy vọng sau này, cậu sẽ làm rạng danh tổ tiên”.
Nhà vua ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ vì không nghĩ một viên quan thanh liêm mình tin tưởng giao trọng trách đó lại là người ăn cắp. Ông bèn lật nén bạc lên, soi dưới ánh đèn dầu thì thấy bên dưới đáy có khắc 4 chữ “Quốc khố chi bảo". Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là bạc trong kho của Nhà nước.
Sáng mùng một Tết, trong buổi khai triều, vua Lê Thánh Tông đem câu chuyện vi hành kể cho các đại quan nghe. Hai nén bạc được truyền tới tay các quan để được xem tận mắt. Viên quan coi kho tối sầm mặt mũi, không thanh minh được lời nào. Ông ta bị cách chức, tịch thu gia sản và đày đi biên ải. Còn Quận Gió được nhận tấm biển vàng đề 3 chữ vua ban: “Trộm quân sử”.
Câu chuyện vi hành đêm 30 Tết của vua nhanh chóng lan ra khắp các vùng. Dân chúng thì mừng thầm bởi có vị vua anh minh, những tên quan lại sâu mọt thì lo sợ không dám làm thêm điều sai trái.
Trong các buổi thiết triều, vua Lê Thánh Tông thường yêu cầu các quan lại phải giữ mình liêm chính, ngay thẳng, trung thực, không vụ lợi cá nhân. Chỉ có như vậy mới được dân tin, dân quý và dân phục.
Dân gian còn rất nhiều câu chuyện kể về vua Lê Thánh Tông giúp đỡ học trò nghèo. Điều đó cho thấy ông là người rất quý trọng hiền tài, chú trọng phát triển giáo dục cho đất nước.
Một lần, nhà vua vi hành thấy cống sĩ chừng 50 tuổi chăm chú cúi đầu trên trang vở. Nhà vua đứng im phía xa, thấy người này mê mải đọc sách, thỉnh thoảng húp một ngụm cháo loãng. Trước lúc về, nhà vua đến gần hỏi nhỏ: "Cống sĩ húp cháo gì mà ngon thế?”
“Thưa bác, con húp cháo hoa, nhà con hết muối rồi”, người này đáp.
Nhà vua về một lúc, nội thị mang ra cho cống sĩ chĩnh muối để ăn với cháo mới có sức học khuya được. Cống sĩ sung sướng mở nắp chĩnh ra, vô cùng bất ngờ và cảm động bởi đó không phải chĩnh muối mà là đĩnh bạc.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư, năm 1497, Lê Thánh Tông mắc bệnh phù thũng. Quý phi Nguyễn Hằng, con gái của công thần Nguyễn Đức Trung, vốn bị thất sủng xa lánh lâu ngày, lấy cớ vào thăm bệnh rồi ngầm bôi thuốc vào tay, xoa lên những chỗ loét của ông.
Do đó, bệnh ông càng nặng thêm. Lê Thánh Tông băng hà ở điện Bảo Quang, hưởng dương 56 tuổi. Thái tử Lê Tranh, con thứ sáu của Lê Thánh Tông, lên kế nghiệp cha, lấy hiệu là Lê Hiến Tông.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự