“Báu vật không thể mất cắp”
Anh Bùi Văn Nui, Trưởng công an xã Tân Phong dẫn chúng tôi vào thăm chiếc chuông là “tang vật” của những vụ trộm giờ đang nằm lặng im trong một góc trang trọng của trụ sở làm việc. “Báu vật” của địa phương này được đúc bằng đồng, có chiều cao khoảng 1m, rộng khoảng 50 cm, phần quai chuông là một con rồng chạm khắc cầu kỳ, trên thân chuông là những hình chạm khắc tinh xảo khác.
Sau những lần bị “đạo tặc” ăn trộm bất thành, chiếc chuông vì chưa có một nơi chính thức trang trọng để đặt nên công an xã quyết định cho “ngự” tại trụ sở làm việc.
Cụ Bùi Văn Ểu, một trong những cao niên nhất xã Tân Phong biết, ngày xưa chuông được đặt tại một ngôi chùa lớn nhất vùng có tên Khai An. Chùa được xây dựng từ thế kỷ 17, nổi tiếng linh thiêng, là nơi các phật tử thường đổ về vãn cảnh; cứ ngày rằm, mồng một là sân chùa chật ních người. Những năm 1950 của thế kỷ trước, một số quan lang đạo tay sai của thực dân Pháp đã dỡ bỏ ngôi chùa bất chấp sự phản đối của người dân trong vung. Gạch đá của chùa được sử dụng vào việc khác, chỉ có duy nhất chiếc chuông được giao cho người dân, có lẽ vì chúng sợ chiếc chuông linh thiêng nên không dám mang đi.
Chiếc chuông bí ẩn đang được lưu giữ tại công an xã Tân Phong.
Miền Bắc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, chiếc chuồn được giao cho Hợp tác xã quản lý. Ngày xưa, con rồng trên quai chuông còn có ngậm một hòn đá quý lấp lánh bằng viên bi ve. Nhiều người bảo viên đó bằng vàng, có người bảo đó là bằng ngọc quý, cứ càng lau sạch thì viên bi đó càng lấp lánh.
Khi đưa về Hợp tác xã, chiếc chuông được sử dụng thay kẻng báo giờ cho mọi người biết giờ giấc đi làm và thời gian nghỉ làm. Mỗi lần chuông được đánh, âm của nó vang vọng khắp vùng. “Hồi chuông cuối cùng dứt còn vọng vào không gian, hơn 10 phút sau mới ngừng hẳn”, cụ Ểu thuật lại.
Bao thế hệ của người dân trong xã coi tiếng chuông thân quen như một phần cuộc sống của mình, mỗi khi đi xa trở về, người nào cũng nhắc đến việc: “Chuông chùa ngày xưa ra sao?”.
Sáng
một ngày cuối mùa đông năm 1976, trời rét căm căm chẳng ai muốn ra khỏi nhà.
Khi người đánh kẻng thức dậy, định đánh chuông báo giờ làm thì giật mình phát
hiện “báu vật của làng” đã “không cánh mà bay”. Người ta nghĩ ngay đến chuyện
chuông bị những kẻ trộm khuân đi bán đồ cổ. Cả xã phân công nhau đi tìm, rồi
báo công an huyện. Sau hai ngày đi tìm, mọi người vẫn không phát hiện dấu tích
của chiếc chuông. Dân làng buồn rầu nghĩ: “Chiếc chuông bị mất thật rồi”.
Ít ngày sau đó, đám trẻ chăn trâu phát hiện một đống cỏ, lá cây che đậy cẩn thận ở giao thông hào giáp với đất của nông trường Cao Phong, cũng là ranh giới của xã với xã khác. Con hào này vốn được đào sâu hơn 1m để ngăn trâu, bò của xã không vượt sang được vườn cam của nông trường kề bên.
Anh Bùi Văn Lý (ngụ xóm Quyền, ngày đó là cậu bé chăn trâu phát hiện ra chiếc chuông) kể lại: “Lúc lấy chuông thì nhiều người phát hiện xung quanh khu vực có nhiều vết chân in sâu vào trong đất, nhiều vết đổ rạp của cây cỏ xung quanh như dấu tích một cuộc vật lộn giằng co quyết liệt. Vậy nhưng khi dân làng mang chuồng về thì chỉ cần hai người vác mà cứ đi băng băng, có người mang cân thử thì thấy chính xác là nặng 80kg. Vậy mà chẳng hiểu sao nhóm trộm lại không mang đi được?”.
Khi mang chuồng về nơi cũ, mọi người để ý mới biết viên ngọc mà con rồng ngậm đã bị trộm đập lấy đi. Chiếc chuông lại được treo về chỗ cũ làm kẻng báo thức. Dân làng nghĩ rằng chiếc chuông đã mất “trang sức quý” là viên ngọc con rồng ngậm thì chắc không còn nhiều giá trị, chắc kẻ trộm sẽ không còn nhòm ngó.
Trả giá cho tội trộm chuông chùa
Vậy nhưng mọi người đã nhầm. Không hiểu chiếc chuông có giá trị gì mà hai năm sau, sáng một ngày đầu năm 1978 chiếc chuông lại bị những kẻ xấu rắp tâm trộm cắp. Cả xã nháo nhác đi tìm, rồi thăm dò những người chuyên buôn đồ cổ ở trong vùng và cả thị xã Hoà Bình nhưng tuyệt nhiên không ai có tin tức gì. Lần này nhiều người nghĩ chắc chuông mất thật rồi, nhóm trộm đã quyết tâm lấy đi thì khó mà có thể tìm lại được.
3 ngày sau đó, một sự thần kỳ lại lặp lại, vẫn là những trẻ trâu tình cờ tìm thấy chiếc chuông bị đánh cắp. Lần này chiếc chuông cũng được giấu kín trong bụi cây dưới hào, cách khu vực 2 năm về trước khoảng 100 m. Cũng như lần trước, người ta thấy lạ khi chiều sâu của giao thông hào không quá sâu nhưng những kẻ trộm không thể khuân chuồng đưa sang bờ hào bên kia, cũng là phần đất của xã khác.
Và cũng như lần trước, xung quanh chiếc chuông có nhiều nốt chân in sâu vào đất, những vết rạp của cỏ cây, chiếc chuông thì lún hẳn xuống đất tựa như có vật nặng ngàn cân đè lên. Công an nhận định kẻ trộm đã rất vất vả khi định khiêng chuông đi nhưng không thể di chuyển được nên đành giấu lại. Người dân xôn xao: “Đó là bảo vật của chùa, của vùng đất này thì chẳng ai có thể mang nó đi đâu được”.
Một số dấu vết, vật chứng để lại hiện trường khiến công an xác định ra 3 nghi phạm trộm chuông là những người ở xã bên, cách xã Tân Phong khoảng 10km. Tuy nhiên, các cụ trong thôn trước sự việc này thì đã họp bàn và quyết định đề nghị cơ quan chức năng thôi không điều tra tiếp.
“Chuông không mất, kẻ trộm chắc đã sợ “mất mật” nên mọi người cũng không muốn làm lớn chuyện mà dễ gây hằn thù”, cụ Ểu cho hay. Sau nhưng trong 3 năm sau đó, người ta thấy những chuyện lạ xảy ra với họ khi lần lượt từng người đều theo nhau chết “bất đắc kỳ tử”.
Người đầu tiên vào trong rừng chặt củi thì bị một con rắn hổ mang chì cắn chết ngay tại chỗ. Người thứ hai leo lên núi lấy sa nhân thì trượt chân ngã chết. Rồi người thứ 3 đi ăn trộm thì bị chủ nhà đánh đến chết. “Chuyện những người đó có chính là những người trộm chuông hay không thì không có chứng cứ, nhưng câu chuyện chết thảm của họ thì là bài học cho những người cả gan dám xâm phạm đến những điều thiêng liêng của cha ông để lại, của dân làng”, cụ Ểu nói.
Bí ẩn chờ “giải mã”
Vị Trưởng công an xã vừa nâng niu những dòng chữ trên chuông, vừa luôn miệng tiếc nuối: “Tiếc quá các anh ạ!”. Chuyện là vào khoảng những năm 1986, có một trận mưa to ập đến trút nước khiến đập giữ nước của xã bị vỡ. Thấy tình hình nguy cấp, người ta vác… búa tạ ra gõ chuông để mong tiếng kêu to hơn báo động cho người dân ra ứng cứu. Chuông không hề hấn sứt mẻ gì, nhưng nhờ tiếng chuông chùa báo động mà dân làng tránh được thảm họa và sau lần đó, tiếng chuông nghe không còn được vang như trước.
Chuông đã hoàn thành trách nhiệm cất tiếng vui buồn với người dân, nay được gìn giữ như một báu vật của làng. Ông Bùi Văn Yển, Bí thư đảng uỷ xã Tân Phong cho biết: “Trong danh sách xây dựng cơ bản của huyện Cao Phong trong năm 2012 tới đã có danh sách khôi phục lại ngôi chùa và chiếc chuông sẽ được đặt xứng đáng với vị trí của nó”.
Vị thạc sỹ Trung văn đi cùng đoàn công tác chúng tôi sau một hồi quỳ bên chiếc chuông chăm chú đánh vần từng chữ cổ đã đứng dậy lắc đầu: “Chữ cổ nên giờ ít người biết, chỉ nhận ra những dòng như tên chuông là Minh Trung Đình của chùa Nhất Huyền Trang, được đúc vào ngày 26 tháng 3 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (khoảng những năm 1790 - PV), cạnh đó có ghi một số triết lý nhà Phật, bí quyết đúc chuông để tiếng chuông có thể vang xa và còn có dòng chữ đại ý “chuông này là sự hòa hợp giữa thần và lòng người”.
Vậy là những bí ẩn về chiếc chuông đặc biệt này vẫn còn chờ những nhà nghiên cứu văn hóa tới “giải mã” để người nay có thể hiểu thêm về những nét văn hóa dân tộc của cha ông ta ngày xa xưa.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự