Tháng Năm, khi nắng vàng rực sáng, về quê hương Minh Đức, nơi đó có một ngôi chùa uy nghi, sừng sững dưới bóng dừa nằm bên dòng sông uốn lượn mát rượi bóng râm. Đó là chùa Tuyên Linh.
Đường về chùa Tuyên Linh hôm nay trải dài dưới nắng vàng, dọc bên bờ sông Tân Hương nối liền hai con sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, đêm ngày miệt mài trôi chảy. Bên bờ là những hàng dừa sai trái và những hàng dâm bụt trải dài đến cổng chùa vẫn xanh tốt nở hoa đỏ chói. Nơi đây, một thời đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, nơi che giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng và là nơi một thời thân sinh Bác Hồ - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng lưu trú và hoạt động.
Sách sử có ghi rằng: Chùa Tuyên Linh là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa đàm đạo việc dân, việc nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Sau chiến tranh, chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ với diện tích khuôn viên chùa trên 9.000m2.
Ngày 19/5/1890, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người đã mang đến một vầng dương soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Ngày nay, tuy Bác đã đi xa nhưng lịch sử nước nhà vẫn mãi mãi khắc sâu công ơn biển trời của Người.
Hàng năm, mỗi khi trên cành những cánh hoa mùa hạ khoe sắc đỏ, báo hiệu tháng Năm đã về. Ngày 19/5 hàng năm, chùa Tuyên Linh tưng bừng diễn ra ngày hội thiêng liêng. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính, họp mặt truyền thống, thắp hương tưởng niệm tại bàn thờ cụ Phó bảng và cụ Tổ Khánh Hòa và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày hội.
Theo Ban Quản lý Khu Di tích chùa Tuyên Linh, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, có hàng ngàn người dân hội tụ về chùa Tuyên Linh để tưởng nhớ đến vị cha già của dân tộc, nơi đây ngoài bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Tổ Khánh Hòa, chùa còn có bàn thờ ảnh và bức tượng Bác Hồ bằng đá uy nghi, trang trọng, thành kính.
Khu di tích chùa Tuyên Linh là một trong những Di tích lịch sử cấp Quốc gia có triển lãm bộ ảnh Hồ Chí Minh trong cuộc sống đời thường với nhiều tựa sách như: cuộc đời và thân thế Hồ Chủ tịch, toàn văn Di chúc Bác Hồ, hành trình theo dấu chân của Bác, những mẫu chuyện về Bác Hồ. Dưới mái ngói đỏ của ngôi chùa uy nghi, trước sân chùa có cây cổ thụ Tha La và cội Bồ Đề đã hơn 10 năm tuổi. Việc trồng các cây này, góp phần tăng thêm vẻ mỹ quan và bóng mát cho khu di tích.
Tháng Năm về quê hương Minh Đức, về với Di tích chùa Tuyên Linh, chúng tôi cảm nhận được một không khí yên bình, tĩnh lặng, những dư âm xưa lại bồi hồi rung lên như nhịp thở của con tim gợi lên bao cảm xúc về Bác Hồ kính yêu.
Nguồn tin: Hoa Phượng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự