Và cũng trong năm ấy, Thạch Ngọc Hận xuất gia vào chùa thọ giới sa di để đền ơn báo hiếu tổ tông, cha mẹ theo tập tục của người Khmer.
Buổi sinh hoạt của Chi đoàn Chùa Ghositaram.
Ngày đầu, khi Thạch Ngọc Hận bước vào ngôi chùa Ghositaram (chùa Cù Lao - thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) gặp Hòa thượng Hữu Hinh (Trụ trì chùa Ghositaram) trình bày về ước nguyện của mình, vị Hòa thượng nhìn chàng thanh niên da thịt rắn rỏi, có đôi mắt sáng là ông có ngay thiện cảm. Thế là Thạch Ngọc Hận được tiếp nhận vào chùa, cùng các vị sư sãi trông coi, dọn dẹp khuôn viên, chăm sóc cây kiểng… Vài tháng sau, Thạch Ngọc Hận được thọ giới sa di (xuống tóc quy y), được học Phật pháp, đạo lý. Sau một năm khổ luyện tu học, năm 1998, Thạch Ngọc Hận được thọ giới tỳ khưu (bậc cao hơn thọ giới sa di).
Nhận thức được con đường tương lai phía trước của mình chính là sự nỗ lực học tập, lĩnh hội những kiến thức cơ bản về Phật học, văn hóa thì sẽ làm nên nghiệp lớn, Thạch Ngọc Hận đăng ký học cùng lúc hai lớp: lớp Phật học và lớp bổ túc văn hóa tại chùa. Sau nhiều năm miệt mài học tập, Thạch Ngọc Hận đã học xong lớp trung cấp Phật học và trung học bổ túc văn hóa. Nhờ tính cần cù lao động, chăm chỉ học tập, chịu khó rèn luyện, Thạch Ngọc Hận được Ban quản trị chùa Ghositaram và Hòa thượng Hữu Hinh đề bạt làm Phó trụ trì chùa. Năm 2000, Xã đoàn Hưng Hội kết nạp Thạch Ngọc Hận vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Là một vị sư được đứng trong hàng ngũ của Đoàn, dù gặp không ít khó khăn do quy định của nhà chùa là các nhà sư không được phép tham gia các phong trào văn nghệ (đờn ca, múa hát, khiêu vũ…), thể dục - thể thao, trò chơi dân gian, không được thực hiện các mô hình chăn nuôi hoặc tham gia các hoạt động mua bán, sát sinh động vật. Song, với Thạch Ngọc Hận, tất cả những quy định trên không làm ảnh hưởng đến phong trào Đoàn, Hội ở chùa Ghositaram, bởi nhà sư này đã thay vào đó bằng những hoạt động khác không kém phần sinh động. Với diện tích 2,4ha đất nông nghiệp thuộc quyền sở hữu của chùa, Thạch Ngọc Hận cùng các chư tăng, nhà sư khi đến mùa vụ là ra đồng trồng lúa để tạo của cải, vật chất cho nhà chùa.
Đồng thời để bà con người Khmer thấy được việc làm của các nhà sư - dù đi tu nhưng vẫn phải lao động sản xuất và xóa đi những tập tục cũ (ra đồng giẫm đạp côn trùng chính là sát sinh).
Việc làm này được Ban quản trị chùa và Hòa thượng Hữu Hinh ủng hộ, nhờ vậy, mỗi năm, từ sản xuất 2 vụ lúa đã đem về cho nhà chùa hơn 30 tấn lúa (trị giá hàng trăm triệu đồng). Khi có đồng vốn tích lũy từ lao động sản xuất cộng thêm những đóng góp của bà con phật tử, Thạch Ngọc Hận cùng các nhà sư thực hiện việc xây dựng ngôi chánh điện của chùa. Từ sự hiến kế và đóng góp hàng ngàn ngày công lao động của các nhà sư, ngôi chánh điện chùa Ghositaram với dáng vẻ uy nghi, trở thành công trình nghệ thuật, là một trong những ngôi chánh điện đẹp nhất khu vực ĐBSCL.
Bí thư Chi đoàn Thạch Ngọc Hận trao cờ lưu niệm trong lễ kết nghĩa với Chi đoàn Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh.
Năm 2001, Thạch Ngọc Hận được Xã đoàn Hưng Hội đề bạt giữ chức Bí thư Chi đoàn chùa Ghositaram. Ngay sau khi đảm trách vai trò này, thông qua các hoạt động trong nhà chùa, Thạch Ngọc Hận đã kết nạp 14 vị sư sãi vào tổ chức Đoàn và 21 vị khác vào Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN). Qua những hoạt động sôi nổi trong Chi đoàn chùa Ghositaram, dần dần các vị chư tăng, sư sãi đã tình nguyện và phấn đấu vào tổ chức Đoàn, Hội.
Theo đó, Chi đoàn chùa Ghositaram đã có 28 đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 52 hội viên Hội LHTN. Tất cả đều sinh hoạt theo giới luật phù hợp với giáo pháp, vừa phấn đấu học tập, tu dưỡng, giữ gìn kỷ cương, phép tắc của người xuất gia, vừa là người công dân có ích trong cộng đồng xã hội.
Năm 2007, khi tỉnh phát động hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với vai trò là Bí thư Chi đoàn vừa là đại biểu HĐND xã Hưng Hội, Phó trụ trì chùa Ghositaram, Thạch Ngọc Hận nghiên cứu tài liệu hỏi đáp về tư tưởng Hồ Chí Minh rồi dịch ra những mẩu chuyện kể về Bác Hồ từ chữ Việt sang chữ Khmer. Những tài liệu này dùng để giảng dạy ở các lớp học Paly (vừa học Phật pháp, vừa học ngữ văn Khmer), lớp bổ túc văn hóa và lớp song ngữ cho hàng trăm học viên người Khmer ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bình Phước đang theo học tại chùa Ghositaram.
Các nhà sư tăng gia sản xuất. Ảnh: Q.H
Thông qua những dịp lễ, tết, khi có đông bà con phật tử đến cúng viếng chùa, Thạch Ngọc Hận thường xuyên khuyên bảo phật tử thực hành tiết kiệm, siêng năng lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Việc làm này đã tác động rất lớn trong nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều gia đình trước đây nghèo khó do cờ bạc, rượu chè, con cái thất học… thì nay vươn lên thành hộ khá, giàu, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Điều đặc biệt là hoạt động giáo dục cho đoàn viên, thanh niên trong Chi đoàn chùa Ghositaram diễn ra hai đợt trong ngày sau giờ “tam bảo” (giờ tụng kinh, niệm Phật): buổi sáng - trước khi mặt trời mọc, và buổi chiều - trước khi mặt trời lặn. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các phong trào do Đoàn cấp trên phát động đều được lồng ghép và triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Nhiều năm liền, hoạt động kết nghĩa giữa Chi đoàn chùa Ghositaram với Chi đoàn Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh được duy trì rất tốt. Hai đơn vị thường xuyên tổ chức giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, thắt chặt nghĩa tình nhằm đề phòng, cảnh giác âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Bạc Liêu hiện có 66.176 người dân tộc Khmer đang sinh sống, có 22 điểm chùa và 4 Sala Tel (nơi dành cho các nhà sư thuyết pháp, tụng kinh), Chi đoàn chùa Ghositaram là một trong những chi đoàn điểm đã được xây dựng và phát triển đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Là cơ sở Đoàn duy nhất trong tỉnh có 100% đoàn viên là sư sãi. Đến với phong trào Đoàn, Hội, những nhà sư trẻ ở đây không chỉ phấn đấu cho lý tưởng sống “tốt đời, đẹp đạo”, mà còn có điều kiện thể hiện ước mơ cao đẹp của người thanh niên Việt Nam. Từ môi trường sinh hoạt này, Chi đoàn chùa Ghositaram đã có 2 đoàn viên ưu tú vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong đó Thạch Ngọc Hận là một nhân tố điển hình.
Nói về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong môi trường hoạt động Đoàn, Hội ở chùa Ghositaram, Thạch Ngọc Hận cho biết: “Đây là niềm tự hào của bản thân tôi cũng như tất cả các đoàn viên trong chi đoàn. Được học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chúng tôi như được thừa kế những di sản quý báu để vun bồi cho lý tưởng sống đẹp, xây dựng cho mình tính tình nguyện, tiên phong vì cuộc sống cộng đồng”.
Nguồn tin: Bạc Liêu Online
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự