Ông Sơn cũng tỏ ý không đồng tình việc có thông tin sai lệch trong việc ông Trầm Bê cho treo hình, bảng công đức của mình và gia đình bên trong chánh điện ngôi chùa mà đại gia này bỏ tiền ra xây dựng, cũng như phá nát di tích các ngôi chùa cổ cần bảo tồn.
Không có chuyện Trầm Bê phá chùa cổ, bỏ tiền ra xây dựng chùa mới
Nếu nói một chánh điện cổ, nguyên sơ ban đầu, có thời gian tồn tại 600 hay 1000 năm là nói xạo, vì tất cả chùa chiền của đồng bào Khmer ở Việt Nam đều xây dựng theo kiểu chắp vá, có tiền đến đâu, xây đến đó.
Tôi khẳng định 141 chùa Khmer ở Trà Vinh, có khoảng hơn 130 chùa có chánh điện tồn tại hơn 100 năm, còn chánh điện xây dựng ban đầu bằng vách lá, tường vữa, cột gỗ đã mục nát, đổ nát theo thời gian, hư hỏng do chiến tranh tàn phá, không thể nào sửa chữa được.
Bà con thấy chùa xuống cấp quá, chỉ biết vái trời, vái Phật…
Chùa xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào, phải dỡ ra. Dỡ ra thì được rồi, nhưng tiền đâu xây? Đi xin kinh phí ai? 7 ngôi chùa mà Trầm Bê rộng lòng bỏ tiền tỷ ra xây, đều là chùa cổ bằng vữa, cột gỗ, đã mục nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, không thể trùng tu được nữa, phải xây mới hoàn toàn, ngay cả móng nền cũng bị sụt lún, phải làm lại. 7 ngôi chùa này đều được xây trên nền cơ sở văn hóa của ngôi chùa cũ.
"Tui từng thấy thằng bé Trầm Bê đen nhẻm, gầy còm, bơi xuồng chở củi, có lần xuồng bị chìm tưởng chết…" - Ông Sơn Song Sơn. Ảnh: Dương Cầm
Xây mới chùa hoàn toàn là nguyện vọng của sư trụ trì và bà con Phật tử, chứ không phải Trầm Bê có tiền là muốn phá ngôi chùa cổ nào để xây mới như báo chí đưa tin là được. Tôi khẳng định, Trầm Bê không thể làm điều đó nếu không có sự đồng ý của Ban quản trị chùa và bà con Phật tử.
Không phải cứ khư khư cái cổ trong cuộc sống thay đổi hàng ngày, nhất là cái cổ đó không còn cách nào để giữ và sử dụng được.
Kể chuyện Trầm bê cho tiền tỷ xây dựng chánh điện chùa
Năm 2002, trước khi ra Hà Nội nhận công tác, tôi đã bàn với Tỉnh ủy - Ủy Ban tỉnh Trà Vinh, giúp cho bà con Khmer ấp Vồng Tranh (Xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cũng là quê hương tôi, xin giúp kinh phí xây chánh điện chùa. Các đồng chí thông cảm, giúp 100 triệu, thời điểm đó tương đương 20 lượng vàng.
Từ đó cho đến nay, đã 11 năm trôi qua, chánh điện chùa vẫn chưa xây xong. Bà con đợi đến mùa lúa, kẻ ít, người nhiều, đóng góp 1 giạ, 2 giạ lúa. Bà con Khmer có quan niệm: Thà để nhà nghèo, chứ không để chùa nghèo, bị xuống cấp nên cứ có bao nhiêu, đóng góp bấy nhiêu. Nhưng khổ nổi, với kiểu xây dựng lắc nhắc, làm phần trước thì hư phần sau.
Hôm họp bà con lại, tui có than: “Bà con mình nghèo, góp kiểu này, không biết bao giờ mới xây xong chánh điện”. Một phụ nữ khoe: “Tôi cũng vừa đóng góp đó”. Tôi hỏi: “Cô góp bao nhiêu?”. Chị này cười: “Tôi góp hai chục ngàn đô... Việt Nam”. Tôi kể như vậy, để thấy rằng, muốn có tiền tỷ để xây dựng chánh điện không phải là đơn giản, trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn của bà con Khmer, sống bằng nghề nông, chạy cơm từng bữa.
Cổng ngôi chùa Vàm Ray tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh do ông Trầm Bê bỏ tiền xây dựng. Ảnh: Dương Cầm
Tôi nghĩ với tình trạng chật vật của bà con, nhiều năm nữa chùa Vồng Tranh cũng chưa xây xong, nếu không có sự trợ giúp của Trầm Bê.
Tôi gặp Trầm Bê, nói: “Bê ơi Bê, từ khi tao đi Hà Nội nhận công tác đến lúc về hưu, đã 11 năm mà chùa Vồng Tranh chưa xây xong, mày có thể giúp đỡ gì không?”
Trầm Bê nói với tôi: “Anh Ba ơi, thật lòng nghe bà con mình hành lễ trong ngôi chùa xập xệ như vậy, em xót xa lắm. Nhưng em cũng nói thật với anh: Nếu em xây thì em sẽ xây mới toàn bộ từ đầu đến cuối. Xây theo kiểu chắp vá như vậy, em cảm thấy thế nào đó, không đồng nhất kiểu mẫu và cũng chẳng kiên cố nổi, một thời gian là hư hỏng, phí tiền lắm”.
Tôi thuyết phục: “Mày thông cảm cho bà con. Bà con Vồng Tranh toàn là người có công với cách mạng, làm gì làm, em cũng ráng giúp…”.
Trầm Bê suy nghĩ một hồi thì đồng ý, hỏi kinh phí. Tôi và một số anh em kỹ sư ngồi tính toán kinh phí, cho biết cần khoảng hơn 800 triệu. Trầm Bê đã hào phóng đưa trọn 1 tỷ đồng để xây dựng chánh điện cho bà con ấp Vồng Tranh.
Một chánh điện xây trong 11 năm không xong, Trầm Bê giúp tiền, có ngay chánh điện khang trang. Vậy chúng tôi phải làm gì để tri ân? Chỉ có cách đơn giản nhất là làm bảng công đức, thậm chí treo hình Trầm Bê ở bên ngoài vách chánh điện để nhớ ơn người đã giúp mình.
Mặt trước ngôi chánh điện chùa Vàm Ray tại xã Hàm Giang, Trà Cú, Trà Vinh.
Văn hóa người Khmer, nếu anh đóng góp vào một công trình nào đó, tên của anh sẽ được gắn liền với công trình bằng một bảng công đức trang trọng.
Huống chi Trầm Bê đã bỏ tiền ra xây 7 ngôi chùa, ngôi chùa nào cũng có giá trị hàng chục tỷ, thì việc gắn bảng tên, treo hình bên ngoài vách chánh điện thì có gì là quá đáng?
Đến các chùa Khmer, nhìn các vật linh tinh như: cái quạt máy, bộ tách trà, cái bàn, cái ghế, có để tên thí chủ cúng dường, là chuyện hết sức bình thường.
Trầm Bê từng ở đợ, chăn trâu – giàu vẫn không quên tuổi thơ cơ cực
Ba má của Trầm Bê nghèo, đông con. Trầm Bê phải đi ở đợ, chăn trâu cho một hào phú ở Long Phú, Cù Lao từ lúc mới 5 – 6 tuổi. Tui từng thấy thằng bé Trầm Bê đen nhẻm, gầy còm, bơi xuồng chở củi, có lần xuồng bị sóng to, chìm xuồng, tưởng chết…
Sau đó Trầm Bê mới lên Sài Gòn, tiếp tục ở đợ, đi làm thuê, làm mướn với đủ nghề lặt vặt... trầy da, tróc vẩy, rồi có vợ. Trời thương cho "vô mánh" nhiều phi vụ đất đai, cộng thêm bản tính thông minh, chăm chỉ, Trầm Bê đã mau chóng phất lên thành một đại gia giàu nứt đố, đổ vách, nổi tiếng khắp cả nước…
Tuy đã là một đại gia giàu nứt đó, đổ vách nhưng Trầm Bê không bao giờ quên gốc gác nghèo khó của mình, không quên bà con nghèo ở quê hương mình. Trầm Bê là người có tấm lòng nhân hậu, dễ dàng xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của bà con nghèo. Hàng năm, Trầm Bê hai lần tổ chức phát gạo, tặng vải cho hàng ngàn bà con Khmer nghèo ở xã Hàm Giang, Trà Cú, Trà Vinh.
Hình ông Trầm Bê và các thành viên trong gia đình ông bên ngoài vách, lối vào cổng sau ngôi chánh điện chùa Vàm Ray. Một số thông tin sai lệch trên vài tờ báo, cho rằng bức ảnh này được treo... bên trong chánh điện, ngang hàng với tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là "đến chùa lạy Phật, lạy luôn đại gia Trầm Bê", đã gây phẫn nộ trong giới Phật tử.
Trầm Bê cũng đã từng xây 1000 ngôi nhà cho bà con nghèo ở xã Hàm Giang và rất hào phóng trong chuyện xây hạ tầng cơ sở ở quê hương mình. Con đường trải nhựa khang trang chạy từ đầu xã ra song Cái cũng là do Trầm Bê bỏ tiền ra xây dựng… Chợ Hàm Giang hiện nay, cũng là do Trầm Bê bỏ tiền ra xây…
Bà con xã Hàm Giang nhà nào cũng có điện, cũng do chính Trầm bê bỏ tiền cùng nhà nước làm…Trầm Bê cũng bỏ tiền ra xây trường PTTH Hàm Giang, chăm lo chuyện học hành của học sinh nghèo không những ở xã Hàm Giang mà còn rộng ra cả tỉnh Trà Vinh.
Giàu như Trầm Bê quả là hiếm. Người ta giàu, ít khi nghĩ đến người khác, họa hoằn lắm mới giúp chút đỉnh, còn đằng này, Trầm Bê làm hết mình, hết sức vì người nghèo. Có tiền mà không có tâm, khó làm từ thiện lắm. Biết bao nhiêu người giàu trong xã hội, có ai làm được như Trầm Bê hay không? Nếu hỏi 1000 hộ ở Hàm Giang đa số là thương Trầm Bê nhưng cũng có vài chục người ghét.
Như tôi đây, tôi là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi cũng chăm lo cho dân, cho nước, nhưng đâu phải ai cũng có thiện cảm với tôi? Việc vài thông tin chưa chính xác về việc treo hình, bảng công đức của Trầm Bê từ bên ngoài vách, thành giữa chánh điện là việc thường tình của thói đời ganh ghét thôi.
Nhà nước khuyến khích những người thành đạt trong xã hội, góp phần cũng nhà nước xóa đói giảm nghèo, cùng nhà nước nâng cao đời sống của người nghèo.
Hồi tôi còn là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (ông Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban), tôi đã từng phát biểu: “Nếu đại gia nào cũng được như Trầm Bê, nhân dân mình cũng đỡ đi phần nào và nhà nước cũng mình cũng đỡ phần nào”.
Theo Lê Ngọc Dương Cầm - GDVN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự