Chuyện ngôi mộ bà Hai Hiên linh thiêng cho số đề ở Đồng Tháp là nhảm nhí

Chủ nhật - 11/03/2018 18:51
Người dân vùng Châu Thành, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp truyền tai nhau rằng, tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông có ngôi mộ người phụ nữ tên Phạm Thị Hiên linh thiêng lắm. Ai đau yếu, nghèo đói hay gặp khó khăn trong cuộc sống… chỉ cần thành tâm đến đó cầu khấn sẽ được bà thương tình mà ban phép cho được như ý.
Đường vào khu mộ của bà Hai Hiên.
Đường vào khu mộ của bà Hai Hiên.
Cái chết của bà Hai Hiên

Không chỉ dân trong vùng tin tưởng mà từng đoàn người ở các tỉnh miền Trung cũng kéo đến mong được bà Hai Hiên thương lòng giúp đỡ.

Theo những bậc cao niên ở ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông kể lại, chuyện về cô Hai Hiên là có thật. Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 100 năm. Tại chợ Nha Mân xưa, làng Phú Nhuận tỉnh Sa Đéc, có ông Phạm Vương Cần là người có uy tín trong vùng nên được dân chúng trọng vọng, cất cử ông làm Hương Cả. Vợ chồng ông hiếm hoi, chỉ sinh được cô gái duy nhất đặt tên là Phạm Thị Hiên nên rất nâng niu, chiều mến và gọi là Hai Hiên.

Thiếu nữ Phạm Thị Hiên là người thùy mị, nhân từ và được mọi người cảm mến. Năm cô Hai Hiên tròn 18 tuổi đã nổi danh khắp vùng cả về tài và sắc, nhiều nơi sang ngỏ ý cầu duyên nhưng lòng thiếu nữ này vẫn trinh trắng, chưa nhuốm bụi trần. Thủa ấy, tại Nha Mân có con rạch xuyên qua QL8, chưa xây cầu như bây giờ, muốn qua bên kia thì phải đi đò. Hàng ngày, cô ra ngồi chơi dưới mé rạch, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình và trổ tài thi họa. Giữa lúc cô Hai Hiên đang vẽ một bức tranh thì nghe bên kia sông có tiếng gọi đò. Thấy một bà lão dáng vẻ gấp gáp, trong khi người lái đò lại đi vắng, cô chẳng mảy may nghĩ ngợi xuống lấy mái chèo đón khách. Chẳng may ra tới giữa dòng rạch, bị nước chảy siết, thuyền chao đảo, cô Hai Hiên luýnh quýnh mất tay trèo, ngã xuống rạch chết đuối.

Sau 3 ngày quần đảo, tìm kiếm, thi thể cô Hai Hiên được tìm thấy nhưng kỳ lạ thay thân thể của cô còn hơi ấm như người bình thường mà không có biểu hiện phân hủy. Ông Cần khóc 3 ngày, đến khi tìm thấy thi thể con gái ông vẫn tiếp tục khóc, vừa ôm con ông vừa ngước nhìn lên bức tượng Quan Thanh Đế Quân thờ giữa nhà. Như người mất hết thần trí vì quá đau thương, ông lột luôn tấm tượng xuống đậy trên mình con gái rồi an táng theo thi thể cô.

Những câu chuyện đồn thổi khó tin

Sự xúc phạm thần phật của ông Cần cùng với cái chết của cô Hai Hiên khiến người dân trong vùng kinh hãi nhưng không ai dám can ngăn. Tuy thế, trong thâm tâm mỗi người đều băn khoăn lo ngại một điều gì đó sẽ xảy ra. Ba hôm sau ngày cô Hai Hiên mồ yên mả đẹp, chuyện quái dị bắt đầu xảy ra. Người ta kể rằng, cô Hai Hiên ngồi trên chiếc xe ngựa từ hướng Sa Đéc về tới nhà bước xuống bảo người đánh xe vào nhà gặp bố mình yêu cầu trả tiền, còn cô sẽ vào nhà sau. Người đánh xe nghe theo lời cô Hai Hiên vào gặp ông Hương Cả liền bị ông mắng cho một trận tơi bời.

Nghe lời ông Hương Cả mắng, người đánh xe sợ toát mồ hồi, lại lóc cóc đi ra thì vẫn thấy cô Hai Hiên ngồi đó. Chẳng kịp để cho người đánh xe trình bày, cô Hai Hiên bảo người đánh xe trở vào nhà lần nữa, yêu cầu ông Cần thắp lên 3 nén hương, cô sẽ làm cho hương tắt để ông Cần tin tưởng mà trả tiền. Dù tỏ ra nghi ngờ lắm nhưng vì miếng cơm manh áo nên người lái xe đánh liều quay trở lại một lần nữa. Ông Hương Cả nghe người đánh xe trình bày giận dữ lắm nhưng trong lòng vẫn lăn tăn nên đã làm theo. Không ngờ, ba nén hương ông vừa thắp lên cắm trên bàn thờ bỗng dưng vụt tắt. Lúc này, ông mới sợ hãi khấn vái rồi trả tiền cho người đánh xe.

Có lần, khi cô Hai Hiên đi qua ngã ba Vĩnh Long - Cần Thơ bị một tên lính buông lời trêu ghẹo. Về nhà, tên lính nằm mê sảng, đôi mắt đỏ ngầu, miệng lầm bầm xin lỗi người con gái đã qua đời - Hai Hiên. Mọi người thấy vậy bèn bảo cô vợ của tay lính may một bộ đồ mới không sỏ tay đem đến nhà ông Cần nhờ xin tội. Vợ người lính nghe theo, ông Cần chấp nhận lễ vật, đem vào phòng của cô Hai Hiên kêu xin. Bỗng chốc, trong phòng phát ra tiếng cười trong trẻo, lời xin của ông Cần vừa dứt cũng là lúc tiếng cười tắt ngấm và người lính khỏi bệnh.

Người dân ấp Tân Nhuận, xã Tân Nhuận Đông còn truyền tai nhau câu chuyện “linh hồn” của cô Hai Hiên quá giang ghe bầu ra tận Thừa Thiên - Huế. Đó là vào những năm của giữa thế kỷ 20, có đoàn ghe bầu từ ngoài Huế vào đậu tại Nha Mân bán quế và thúng rổ. Khi bán hết, đoàn ghe nhổ neo về xứ. Thời điểm chuẩn bị nhổ neo, đoàn ghe bầu gặp một cô gái xin quá giang ra Huế. Trong đoàn ghe, chỉ có một chiếc bằng lòng cho cô gái ấy quá giang, hẹn ngày nước ròng sẽ trở về. Tới giờ nhổ neo, chờ mãi không thấy cô đến, chiếc ghe ấy buộc lòng tách bến cho thuận con nước. Đi được mấy ngày trời, khi ra biển gặp sóng to gió lớn, các ghe đều chìm, duy chiếc ghe nhận lời chở cô gái Nha Mân chống trả được với sóng gió, cập bến an toàn.

Những câu chuyện liêu trai về cô gái Hai Hiên ấy được người dân truyền tai nhau từ bao đời nay. Chẳng biết đó là chuyện hư hay thực, cũng chưa một ai có thể kiểm chứng nhưng người dân vẫn căn cứ vào đó để nói về sự linh thiêng về ngôi mộ của người con gái Phạm Thị Hiên. Hàng ngày, có cả chục lượt người, thậm chí hàng trăm lượt người tới đây thắp hương khấn vái. Bà Nguyễn Thị Tuyền, 54 tuổi, nhà gần ngôi mộ cho biết: “Không chỉ người dân trong vùng tới thắp hương cầu khấn mà ngay cả những người ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi… biết tin cũng thuê xe tới thắp hương, thuê nhà trọ ở tá túc qua đêm. Người thì đến cầu tài lộc, người thì đến cầu may mắn, người thì đến cầu sức khỏe. Nói chung, người đến đây hầu hết đều là những người khó khăn, nghèo khổ”.

Theo tìm hiểu của PV, ngôi mộ bà cố Hai Hiên linh thiêng còn thu hút cả những người ham mê đỏ đen. Trong hàng chục lượt người tới thắp hương tại ngôi mộ thì có quá nửa là tới xin số đề, cầu mong trúng số. Ông Trịnh Văn Phụng, 61 tuổi, người hơn 30 năm trông nom ngôi mộ cho biết: “Nhiều đêm đã khuya mà vẫn có người gọi mở cổng xin được vào thắp hương cho bà cố để được sự may mắn. Những người dân trong vùng cũng thường xuyên tới đây thắp hương rồi mua vé số để cầu mong mình được đổi đời. Cũng có vài người tới đây cầu khấn rồi hôm sau trúng số, tin đồn cứ thế lan truyền ra khiến người tìm đến càng lúc càng đông. Hàng năm, cứ vào ngày 24 - 25.8 âm lịch, gia đình lại tổ chức lễ giỗ cho bà cố. Tuy chẳng mời ai nhưng không hiểu sao mọi người nghe được tìm về đông lắm, chật kín cả sân nhà, xe đậu thành một dãy dài ngoài đường quốc lộ.


Người dân quỳ trước mộ bà Hai Hiên xin số đề.

Không có chuyện “người âm” cho số đề

Kể về sự linh thiêng của ngôi mộ mà mình đang hàng ngày hương khói thờ phụng, ông Trịnh Minh Phụng chia sẻ: “Tôi vốn là người có quan hệ họ hàng với bà cố nên được giao trông coi, thờ tự. Ngay từ hồi còn bé, người thân trong gia đình cũng hay kể về những huyền tích về bà cố, câu chuyện cứ hư hư thực thực mà tôi chưa một lần tận mắt chứng kiến. Rồi người ngoài biết được hư cấu lên thành những câu chuyện nhuốm màu tâm linh mê tín. Lời đồn cứ thế lan xa, những người ở tận đâu đâu cũng tìm đến thắp hương mong bà cố đáp ứng những nhu cầu cá nhân của họ. Tôi là người trông coi nhưng chả nhẽ họ đến thành ý thắp hương cho người đã khuất lại không chấp nhận”.

Trao đổi về những câu chuyện linh thiêng mà người dân trong vùng đồn đại, ông Phụng chia sẻ: “Đó là những chuyện đã được người dân hư cấu lên. Chỉ biết rằng, những người dân trong vùng nếu có gặp chuyện gì khó khăn hay con cái đi làm ăn, thi cử đều sắm lễ tới mộ bà cố cầu khấn. Như thế, chí ít cũng khiến cho con người vững tâm hơn để cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu mà mình đề ra”.

Nói tiếp về việc ngôi mộ của bà Hai Hiên linh thiêng cho trúng số, ông Phụng cười nói: “Tôi ở đây hàng ngày thắp hương cho bà cố mà đã trúng số lần nào đâu…”.

Ông Nguyễn Thanh Châu - Phó Chủ tịch xã Tân Nhuận Đông - cũng cho rằng: “Không có chuyện người âm cho số đề, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt, nhảm nhí. Rất nhiều người đã cố công tìm địa chỉ và danh tính người đã xin số tại ngôi mộ bà Hai Hiên và trúng số lớn nhưng đều thất bại. Có thể nói, chuyện cầu thần xin số đề và trúng số chỉ là điều bịa đặt, nhảm nhí. Người dân đến mộ bà Hai Hiên thắp hương cầu khấn là niềm tin về tâm linh, giống như con người muốn tìm thấy cho mình một điểm tựa trong tâm trí. Đó là một hành động đẹp nhưng biến nó thành chuyện mê tín là điều không nên”.

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây