Hơn 700 năm, nước giếng vẫn xanh như ngọc
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là một quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Hàng năm, hàng nghìn con dân nước Việt tìm về nơi lắng đọng hồn thiêng này.
Bất kỳ ai đến Khu di tích quốc gia đặc biệt này đều không thể không đặt chân đến giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Hơn 700 năm qua, giếng Ngọc luôn đầy nước, nước trong xanh như mắt Kỳ Lân và ngọt ngào mạch nguồn sông núi.
Giếng Ngọc nằm lưng chừng núi Côn Sơn. Tích xưa về giếng Ngọc linh thiêng được Ban quản lý Khu di tích viết trong bảng chỉ dẫn đặt ngay gần giếng Ngọc: “Theo truyền thuyết phong thủy, giếng Ngọc là huyết mạch có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của khu di tích Côn Sơn. Đây là tụ mạch của nước nguồn từ núi Kỳ Lân. Truyền thuyết kể rằng: Đầu thế kỷ 13, trụ trì chùa Côn Sơn là Huyền Quang tôn giả - vị tổ thứ 3 của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Sau khi xây dựng chùa Côn Sơn với nhiều công trình kiến trúc quy mô hoành tráng và hàng trăm pho tượng Phật nguy nga, lộng lẫy, Sư tổ vẫn trăn trở vì chùa còn thiếu nguồn nước thanh tịnh cho việc cúng lễ và mộc dục tượng pháp.
Một đêm rằm tháng Bảy, sau khi đăng đàn lễ Vu Lan báo hiếu, Tổ Huyền Quang về trai phòng bỗng mơ thấy một Tiên Ông râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc, tự xưng là chủ thần long mạch núi Côn Sơn. Tiên Ông nói với Tổ Huyền Quang: “Ta biết tâm nguyện nhà sư muốn tìm nguồn nước để cúng Phật, tẩy trần... Rồi Tiên Ông dẫn sư Tổ về sau chùa, đến đầu núi Côn Sơn, Tiên Ông chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới lùm cây. Tổ Huyền Quang định với tay nhặt viên ngọc thì chuông chùa vang lên làm ông tỉnh giấc. Trời sáng, nhà sư kể lại giấc mơ lạ cho tăng ni nghe rồi cùng lên núi xem chỗ có viên ngọc. Khi phát quang bụi rậm thấy hiện ra mạch nước trong vắt. Nếm thử thấy nước ngọt, mát, người khoan khoái lạ thường. Tổ Huyền Quang về chùa làm lễ tạ Sơn thần đã ban cho nguồn nước quý, rồi cho khơi sâu mở rộng, dùng đá kè thành giếng và đặt tên là giếng Ngọc.
Huyền tích về giếng Ngọc. Hơn 700 năm qua, nước giếng Ngọc vẫn tràn đầy, xanh trong như mắt con Kỳ Lân. Các nhà khoa học đánh giá, đây là nguồn nước sạch nhất vùng Chí Linh, đạt tiêu chuẩn là nước khoáng thiên nhiên. Nước giếng Ngọc được dùng làm lễ mộc dục, sái tịnh, phục vụ các lễ tiết của chùa và phục vụ khách hành hương về chiêm bái, xin nước giếng Ngọc để được tẩy bụi trần, cầu mong sức khỏe, sự an lành”.
Nói về giếng Ngọc, một cụ cao niên tiết lộ: “Đã có thời điểm giếng Ngọc bị cỏ cây che lấp nhưng nước giếng vẫn luôn trong mát. Năm 1995, giếng Ngọc được đầu tư kè đá, xây sửa, lát sân. Và từ đó đến nay, giếng Ngọc luôn là nơi người dân cả nước tìm về uống nước giếng thiêng để cầu may mắn, bình an”.
Đua nhau uống nước giếng thiêng
Có mặt tại giếng Ngọc - huyệt mạch của núi Côn Sơn và được người xưa ví như mắt con Kỳ Lân trong những ngày đầu xuân mới Đinh Dậu 2017, rất nhiều du khách đã tìm về đây xin dòng nước thiêng trong vắt, mát lành để uống và rửa mặt với hi vọng sự linh thiêng của nước giếng sẽ mang lại nhiều điều may mắn. Ai cũng ngạc nhiên bởi giếng nằm lưng chừng núi Côn Sơn (hay núi Kỳ Lân) nhưng quanh năm nước luôn đầy ắp, trong vắt và ngọt lịm. Để du khách có thể uống dòng nước này, Ban quản lý khu di tích đã đặt một chiếc bàn đá, bên trên có sẵn hũ nước và rất nhiều chiếc cốc. Ngoài ra, ban quản lý còn đặt một chiếc chậu nhỏ có dây cầm để du khách dễ dàng múc nước từ dưới giếng lên.