Đến thăm Đàm Hoa Ni Tự khi chùa đang trong giai đoạn
xây dựng, mọi thứ đang còn ngổn ngang, nhưng lũ trẻ vẫn được các sư cô chăm sóc
chu đáo, tận tình. Năm 1980, sư cô Thích Nữ Nguyên Thủ (quê Phan Rang) sau khi
tu hành ở nhiều chùa khác nhau, đã dừng chân tại thị trấn Liên Hương để khai
phá và sáng lập nên chùa Đàm Hoa.
Những ngày đầu mới thành lập, ngôi chùa chỉ
là vách lá đơn sơ. Vài năm sau chùa dần dần được tu bổ và mở rộng nhờ tấm lòng
hảo tâm của các phật tử gần xa. Không lâu sau, sư cô Nguyên Thủ được nhiều người
biết đến vì tấm lòng từ bi bao la của mình.
Có lẽ chính tiếng lành ấy đã mang đến
cho sư cô bao nhọc nhằn, cơ cực nhưng chan chứa yêu thương - chùa Đàm Hoa trở
thành nơi nương tựa và là tổ ấm của những người già neo đơn và trẻ em nghèo ở
vùng quê này.
Chứng kiến nhiều cảnh đời hẩm hiu, bất hạnh, người tàn
tật không nơi nương tựa… sư cô quyết định nhận tất cả về nuôi dù điều kiện của
chùa lúc ấy còn lắm khó khăn, thiếu thốn. Có lẽ đồng cảm từ sự không may mắn của
bản thân, nên sư cô đã dồn hết tâm sức để bù đắp phần nào cái tình, cái nghĩa
cho những người thiếu may mắn ấy. Mỗi năm số lượng người già được gửi vào chùa
ngày một tăng, đến nay đã có hơn 50 người.
Mỗi người là một cảnh đời khác nhau
nhưng họ đều được quay về sống dưới mái ấm tình thương, bởi trái tim nhân ái của
những con người đôn hậu. “Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, khi chùa đi vận
động nguồn kinh phí để nuôi dưỡng các cụ già.
Do thấy đây là công việc có tính
phúc lợi, nên đến đâu chúng tôi đều được bà con ủng hộ, người cho vài ký
gạo, cá, bánh trái, rau hành…; tuy ít nhưng ấm cúng tình người” - sư cô Nguyên
Thủ thổ lộ.
Thời gian gần đây, chùa đã nhận được nguồn tài trợ định kỳ từ những
nhà hảo tâm, tăng ni phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh để sư cô yên tâm làm từ
thiện. Không chỉ phụng dưỡng, chăm sóc người già neo đơn, mà những trẻ khuyết tật
hay có hoàn cảnh khó khăn cũng được chùa đón nhận về nuôi.
Đàm Hoa Ni Tự
ngày nay đã trở thành một “đại gia đình” với bao thế hệ già, trẻ thiếu
may mắn. Hi vọng với tấm lòng thành của các sư cô trong chùa sẽ giúp cho các
cháu đến ngày lớn khôn. Dẫu còn muôn vàn khó khăn về vật chất, nhưng sư cô rất
hạnh phúc và thường động viên các cháu vượt qua mặc cảm, số phận để phấn đấu vươn
lên trong cuộc sống.
Sư cô nhớ lại khoảng 7 năm về trước, vài người có hoàn
cảnh khó khăn đã mang con đến chùa, năn nỉ chùa nhận nuôi. Nhìn các bé thơ
ngây, ôm yếu miệng la khóc vì đói, chẳng ai nỡ lòng từ chối. Nhân duyên khiến
sư cô đến với trẻ em nghèo, bất hạnh bắt đầu từ đó. Nhiều trường hợp các bé vừa
được sinh ra ở bệnh viện đã bị cha mẹ bỏ rơi được chùa nhận về nuôi dưỡng.
35
em là ba mươi lăm hoàn cảnh khác nhau, xuất phát từ nhiều vùng miền khác nhau
nhưng đã hữu duyên trở thanh anh em dưới tổ ấm Đàm Hoa Ni Tự. Để nuôi dưỡng,
dạy dỗ các cháu là cả một sự hi sinh thầm lặng của nhiều người ở đây. Ngoài việc
quét dọn chùa, chăm lo phật sự, các sư cô phải dành phần lớn thời gian để chăm
sóc, dạy bảo các cháu. Chúng tôi đến thăm chùa Đàm Hoa cũng là lúc đúng giờ ăn
trưa của các cháu.
Cả phòng ăn nhộn nhịp hơn, bởi các cháu vừa ăn vừa tíu tít kể
cho nhau nghe chuyện học hành trên lớp. Hoàn cảnh của Minh (10 tuổi) ở thị trấn
Liên Hương thật đáng thương. Minh mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà ngoại gửi vào chùa
sinh sống từ nhỏ. “ Bây giờ con cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các cô
chăm sóc, nuôi dưỡng. Sống trong chùa, con cảm thấy được bảo bọc như chính gia
đình mình” – Minh tâm sự với chúng tôi. Buổi trưa trời nắng gắt, nhưng mái ấm
chùa Đàm Hoa luôn rộn vang tiếng cười của những mảnh đời không may mắn.
Thêm một thời gian nữa, khi chùa xây dựng xong các
cháu sẽ được sống, sinh hoạt trong những căn phòng khang trang, sạch đẹp hơn.
Những cụ già không nơi nương tựa sẽ cảm thấy bình yên, an nhàn hơn trong những
năm tháng cuối đời. Bởi tiếng chuông chùa, lời kinh kệ, tiếng cười hồn nhiên của
trẻ nhỏ sẽ xoa dịu phần nào sự mất mát tình cảm mà các cụ không may gặp phải.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự