Giang hồ một thủa quy y cửa Phật

Thứ hai - 10/01/2011 15:25
Nguyễn Thành Hưng từng là một tướng cướp có máu mặt, bây giờ là một trưởng thôn gương mẫu, được cán bộ và nhân dân trong xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh nể trọng. Ngay khi trở về đường hoàn lương, ông đã đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ để tu thân, tích đức, làm việc nuôi vợ con, giúp đỡ người dân.

Giang hồ một thuở

Nhìn dáng vẻ hiền lành, nụ cười nhân hậu của ông, tôi không thể tin nổi, ông từng 3 lần vào tù vì tội tổ chức trộm cắp và là đại ca trong giới giang hồ, được cánh đàn em ở Hải Phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang... ngày trước rất kính nể. Nhưng đó là sự thật, và người từng lầm lỡ đó đã tìm được lẽ sống, rũ bùn đứng dậy, để là một người hùng.

Nói về động cơ dẫn đến chuyện đi trộm cắp, ông Hưng thẳng thắn: "Xin nói thẳng, lúc đầu cuộc sống gia đình tôi nó khác người ta. Nó quá khó khăn mà nhận thức của tôi phải làm sao bằng bạn bằng bè. Chúng có cái áo đẹp mình cũng phải cố mà có. Nhưng tiền không có, phải tìm cách. Từ đó dẫn đến việc không làm chủ được, thế là ra tay làm liều: đi ăn cắp. Trước khi đi ăn cắp, tôi từng là một học sinh rất thông minh. Tôi đang đi học lớp Trung cấp Sư phạm, với ý định làm một thầy giáo đấy. Nhưng ai biết đâu được chữ ngờ. Giờ thì tôi tu thân trong bình yên và thanh thản, sống và làm việc, luôn cố gắng để lại cái tiếng thơm cho đời. Những người như chúng tôi hành hạ cuộc đời này quá nhiều rồi".

Sống xa nhà lại bị bạn bè xấu rủ rê, Hưng thường bỏ bê học hành, giao du kết bạn với không ít phần tử bất hảo, lập băng nhóm chuyên trộm cắp. Rồi Hưng bỏ học hẳn, dấn thân vào giới giang hồ, cướp của người giàu để "trang bị" cho bạn bè. Với tư chất thông minh, lanh lẹ, Hưng đã nhanh chóng tụ tập được đám đàn em trong - ngoài tỉnh và tổ chức một số vụ trộm cắp.

Năm 1973, Hưng bị TAND quận Hoàn Kiếm - Hà Nội xử 18 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Ra tù, Nguyễn Thành Hưng về quê làm gạch. Đám đàn em lại đến lôi kéo, bởi họ không thể làm được gì nếu không có người cầm đầu là Hưng. Ông thổ lộ: "Chúng nó cầu tôi ra giúp, cầm đầu. Tôi lại lún sâu vào giới giang hồ. Đi đến đâu, đám trộm cắp cũng nể vì cái cách tổ chức trộm cắp của tôi nó khác bọn chúng, đã làm là thành công nên tôi càng được nể. Tôi được suy tôn là "Hưng sóc" hoặc "sóc bay" vì tôi nhanh như con sóc vậy. Và tôi đã liên tục phải ngồi bóc lịch cho hành động của mình".

Bỏ làm gạch, đi quậy phá được một thời gian, đến năm 1975, Thành Hưng bị bắt và bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm tù về tội trộm cắp. Cánh đàn em của Hưng cũng lần lượt sa lưới pháp luật, hoặc phải chui lủi không dám xuất đầu lộ diện. Năm 1984, Hưng được ra tù và đàn em lại kéo đến.

Hưng liên tiếp tổ chức các vụ trộm để "nuôi" đàn em đang đói khổ và bị truy nã. Năm 1985, Hưng một lần nữa bị bắt và bị TAND tỉnh Thái Nguyên xử 10 năm tù giam với cùng tội danh trên. Sau hơn 20 năm ăn cơm tù mặc áo số, ngoảnh lại thì tuổi đã xế chiều. Đầu năm 1995, "Hưng sóc" được giảm án 6 tháng và trở về quê, trong tâm trạng của một người chênh chao, bế tắc.

Phục thiện, thành trưởng thôn

Người ta bảo: Sa ngã có ba bảy đường, nhưng đường hoàn lương chỉ có một. Thành Hưng cũng vậy, ông đã sống những ngày cám cảnh, đau đớn kiểu "cô đơn thay là cảnh thân tù". Một người đã từng tin, đã từng hận, đã từng chán ghét cuộc sống, tưởng không bao giờ nghĩ được một điều gì sáng sủa hơn.

Nhưng với bản chất của một người từng rất thương người nghèo, ông Hưng đã chấp nhận sống lương thiện, dù có nghèo đói, để gia đình khỏi mang tiếng xấu. Được ra tù, rồi sống những ngày tháng vật vờ trong nghèo túng, ông nghĩ mình phải làm một việc gì đó. Tháng 5/1995, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Hà, một người đảm đang, biết tiếng ông và tin tưởng ông Hưng sẽ sửa chữa được lỗi lầm. Sau đám cưới, anh em trong họ dẫn ông đi buôn gỗ. Thu mua ở quê hương rồi xuất đi Trung Quốc, việc làm ăn không suôn sẻ, chẳng bao lâu hợp đồng bị vỡ.

Thời gian này, bọn đàn em vẫn đến tìm ông để cầu cạnh, mong ông ra giúp. Nhưng bọn họ không thể thuyết phục được ông, vì "máu lửa" của nghiệp cũ trong ông đã tắt. Ông Hưng đã quyết làm lại cuộc đời. Mấy năm sau vốn cạn kiệt, Thành Hưng được một đàn em giang hồ cũ cho vay 100 triệu đồng để đi buôn gỗ. Người này cũng từng là dân giang hồ, được ông giúp đỡ từ ngày xưa, giờ cũng quay về nẻo thiện và là một ông chủ thành đạt.

Thành Hưng buôn bán có chút lãi, tích cóp vào, liền mở cửa hàng tạp hóa cho vợ bán. Lúc này "Hưng sóc" mới thấy hết những giá trị đích thực của cuộc sống. Cuối năm 2004, Nguyễn Thành Hưng được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Phù Khê Thượng. Kết quả bầu trưởng thôn ngày 18/11/2004 được công bố, "Hưng sóc" nhận được trên 70% số phiếu và ông đảm nhận chức vụ trưởng thôn từ đó đến nay.

Khi gặp người dân để nói chuyện về quá khứ lầm lỗi và những việc làm hiện tại của ông Nguyễn Thành Hưng, nhiều người dân cho rằng, quá khứ của ông Hưng có tội trước luật pháp, nhưng quê hương đã mở rộng vòng tay đón Thành Hưng, và cũng chính quê hương đã là điểm tựa, là niềm mến thương để ông làm lại cuộc đời bằng những việc làm đầy ý nghĩa.

Tích đức

Nguyễn Thành Hưng sinh năm 1953 tại thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, cũng được coi là con nhà gia giáo. Dòng họ nhà ông nhiều người đỗ đạt cao. Chỉ riêng ông, với tính nông nổi thời trai trẻ, nên đã nhuốm bùn. Khi trở về với dân làng, với "tiếng tăm" của mình, ông đã làm mọi việc rất dễ dàng và tất cả đều có ích cho dân, góp phần làm bình yên thôn xóm.

Ông là người đứng lên tổ chức, xây dựng lại chùa làng sau nhiều năm có ý định mà không thể nào thực hiện. Tháng 5/2005, chùa Hồng Ân chính thức được khởi công, toàn bộ kinh phí ban đầu hơn 7 tỷ đồng đều do các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng nhân dân trong và ngoài thôn cung tiến, giờ các công trình của chùa có tổng giá trị gần 30 tỷ đồng.

 

Chùa Hồng Ân - công trình có sự đóng góp không nhỏ của ông Hưng.

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng đứng ra thuê các cánh thợ mộc, nề từ nhiều vùng miền về làm, riêng phần thiết kế ông tự đảm nhận. Gần hai năm ăn ngủ tại công trình cùng thợ, tháng 11/2006, chùa Hồng Ân bề thế được khánh thành trong niềm hân hoan phấn khởi của dân thôn.

Các cụ già ở Phù Khê Thượng nói rằng, ông Hưng được bầu làm trưởng ban kiến thiết, người giúp cũng có nhưng tâm huyết và công sức chủ yếu do ông Hưng. Độ đó, ông Hưng vất vả, tưởng như sẽ gục ngã, vì ngày nào cũng gắn bó với công trình, đến nỗi người teo tóp còn hơn 30kg. Ngày khánh thành, ông Hưng được dân làng công kênh để cảm ơn những gì ông đã làm. Bây giờ, hầu hết dân làng đều quý trọng ông Hưng, cứ có cỗ là mời, sự có mặt của ông là một niềm vinh hạnh.

Ông Hưng cũng là người tích cực tham gia việc xây dựng nhà văn hóa, tổ chức giãn dân cho 78 hộ thành công, tổ chức đổ bê tông đường làng ngõ xóm đến 95%. Phù Khê Thượng có hơn 2.100 nhân khẩu, 90% số hộ tham gia sản xuất hoặc làm dịch vụ đồ gỗ mỹ nghệ. Cái khó của người cán bộ cơ sở là làm sao nói để dân tin, làm để dân hiểu.

Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng nghiệm ra, trước hết là phải củng cố sự đoàn kết trong dân; chăm lo đời sống nhân dân. Đặc biệt hơn, ông cũng nhận thấy mình phải là người gương mẫu, làm tất cả mọi việc đều phải công bằng.

Việc giãn dân cho 78 hộ, những hộ này đều mãn nguyện và sung sướng vì được hưởng phần đất đẹp, tiện cho sinh hoạt. Anh em ruột ông Hưng không thuộc diện, nên không ai có phần. Mùa hè 2010, trạm biến áp thôn liên tục bị quá tải, mất điện cục bộ, gây thiệt hại cho sản xuất làng nghề, ông Hưng tự bỏ tiền túi 20 triệu đồng hỗ trợ việc thi công thay biến thế mới.

Một "kỳ tích" khác mà Nguyễn Thành Hưng làm được khi triển khai dự án xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất thuộc cánh đồng Mấc và đồng Tranh cuối tháng 11/2008 theo quy hoạch của thị xã Từ Sơn là chỉ trong 2 ngày, 100% số hộ trong thôn đến nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.

Những ngày cuối năm 2010 vừa rồi, ông Hưng bận túi bụi vì nhiều công trình mở đường, mở rộng đường trong làng, ngõ xóm, xây sân bóng... tất cả đều có bàn tay ông chỉ đạo.

Người dân phấn khởi nói rằng, chỉ có ông Hưng mới thuyết phục được người dân tự nguyện cắt đất, xén nhà của gia đình để hiến cho làng dùng vào việc mở đường. Và khi đi cùng ông xuống công trường, đến cơ sở, tôi nhận thấy một ông trưởng thôn gương mẫu, được dân quý, dân tin. Giờ đây, ông không chỉ gương mẫu trong cách sống, cách làm việc nhiệt tình, mà cả sự xả thân, giúp đỡ những người nghèo, người lầm lỡ.

Ông cũng là người can thiệp những phi vụ đánh nhau, giải quyết tranh chấp, giúp cho xóm làng bình yên. Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho rằng, nếu mỗi xã có một ông trưởng thôn như ông Hưng, thì xóm làng nào cũng bình yên, bởi ông ấy sống và làm việc bằng chữ "Đức".

“Gần 6 năm làm trưởng thôn, "Hưng sóc" đã nhận về 5 giấy khen từ UBND thị xã Từ Sơn cùng nhiều phần thưởng khác của chính quyền địa phương. Nhưng hơn điều gì hết, là sự no ấm và bình yên của nhân dân Phù Khê Thượng, là khuôn mặt mới của cả một ngôi làng có sự tâm huyết của một người được dân muốn "mãi là trưởng thôn" - Nguyễn Thành Hưng”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây