Vị hoà thượng “nhập thế” với nữ hoàng địa lan

Thứ sáu - 28/01/2011 07:50
Hàng năm cứ đến độ hạ tuần tháng chạp, những người Sài Gòn mê chơi hoa lan thường thấy một nhà tu dựng lều giang hồ bên vỉa hè nào đó ở trung tâm TP.HCM để bán hoa địa lan, không khác gì một lái buôn. Hình ảnh một hành giả trong vai lái buôn thực thụ vật lộn giữa “núi” hoa địa lan đẹp ngất trời đưa xuống từ cao nguyên lạnh Đà Lạt kia rõ là con người bí ẩn...

Nếu không có địa lan, lan không tung ra chợ búa, và chính ông không có những cú nhảy theo xe tải chở hàng, không lăn xả xộc ra các cửa hàng phân bón để mua vật tư nông nghiệp về cho trang trại địa lan của ông... thì chắc chả ai biết vị hành giả này...

Luyện công với “nữ hoàng” địa lan

Đời người tu hành không của cải, nhưng muốn đại sự nhân duyên với cây địa lan thì cũng phải có ít đồng bạc để khởi hoạt.

Ý tưởng đưa các giá trị Phật giáo vào đời, phục vụ phát triển kinh tế, cân bằng đời sống, kéo giữ đạo đức xã hội cùng niềm yêu thương con người của hành giả Thích Huệ Đăng được nhiều nơi đón nhận như là “tư duy mới, gần gũi, hiện đại” của Phật pháp.

Đấy cũng là lúc ông bắt đầu được mời đi thuyết pháp khắp nơi, trong và ngoài nước. Gom lấy những chút tiền thù lao từ các buổi thuyết giáo về “Ứng dụng Phật giáo vào kinh tế”, “Cái tâm trong kinh tế”, “Đạo Phật và đạo kinh doanh”, “Đạo đức bán buôn trong nền kinh tế thị trường”... cho các doanh nghiệp... để trang trải cho sứ phận trồng địa lan.

Nhiều năm sau khi gom được ít tiền, ông sắm một mảnh đất nhỏ thiên hạ bỏ hoang ở gần bến xe liên tỉnh Đà Lạt làm mặt bằng để đặt chậu, phân tro, vườn ươm cây địa lan…

Mùa xuân 1995, ông đưa những chậu địa lan rực rỡ đầu tiên ra bán cho thiên hạ với tư cách hàng hoá. Nhưng vốn không rành việc bán buôn, không biết trả giá, nói thách, thuyết phục sao ở chợ đời, ông để lan cả ở nhà.

Không ai mua cũng tiếp tục trồng, nhân ra nhiều chậu hơn, nguồn giống tiếp tục cấy tạo.

Vườn lan mỗi ngày một phình to ra, rộng lớn đến độ mượn tán rừng thông trong Tuyền Lâm để làm mặt bằng, giàn chậu, số lượng lên đến cả vạn chậu.

Có người tốt bụng mách: muốn bán được lan phải nhắm tới thị trường Sài Gòn.

Nhưng đến mùa xuân năm 2000, ông mới bắt chước lái buôn chuyên nghiệp ở Đà Lạt mà gửi những chậu địa lan đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ ở TP.HCM, bán theo kiểu “ký gửi”, được chăng hay chớ.

Năm 2003, ông tiếp tục đánh bạo gửi ra tận Hà Nội bán. Từ năm 2001, ông tự tay đi bán, chở hoa về tận Sài Gòn, dựng lều bán, ở chợ Hồ Thị Kỷ, hoặc các công viên tại TP.HCM.

Ông rằng, khi đứng giữa thế tục bán buôn là ông đang học đạo, học đời, hiểu đạo, tức là “đang tu”.

Không dừng lại ở TP.HCM, thượng toạ Thích Huệ Đăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng định năm nay tiếp tục đưa địa lan đi TP.HCM cỡ ngàn rưỡi chậu trên vài chuyến xe tải, còn thị trường Hà Nội phải đưa đi bằng máy bay cho hoa đỡ hư hỏng, trong số gần ba vạn chậu địa lan đang cho ra bông mùa xuân này, cùng hai vạn chậu khác sẽ lần lượt ra bông vào các năm tới.

Trang trại rộng năm hecta của ông hiện ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm hiện giờ là ông thuê đất nhà nước, với tư cách nhà đầu tư, thời hạn 50 năm, như bao doanh nghiệp khác đến từ trong, ngoài nước.

Nhưng ông mong ước, những năm sau nữa sẽ nhắm tới việc xuất khẩu địa lan ra các nước, nhất là Nhật, Singapore

Trả hết cho cát bụi

Vào năm 2004 ông quyết định nâng vườn địa lan của ông lên thành... doanh nghiệp. Tên công ty là: công ty TNHH hoa lan Thanh Quang. “Thanh Quang” là sáng trong tinh thần Phật.

Chẳng có bộ máy nào cả, ông vừa là giám đốc công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, kỹ thuật viên, nông dân chính, tổ chức nhân sự, vừa là thủ quỹ, kế toán, thủ kho, bán hàng, và... mang tiền đi đóng thuế cho nhà nước...

Ông là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã lên hàng giới phẩm tỳ kheo, thượng toạ, là giảng sư cao cấp trong uỷ ban Hoằng Pháp của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn công ty của ông là thành viên hội Doanh nghiệp Lâm Đồng, trang trại lan của ông là thành viên của hiệp hội Hoa Đà Lạt, trung tâm thực nghiệm nhân nuôi tế bào của ông là thành viên hiệp hội Cấy mô Đà Lạt...

Đi dự các cuộc gặp gỡ doanh nhân do chính quyền tổ chức, gặp ông ai nấy đều: “Chào thầy”.

Quá bước trong trang trại và trụ sở công ty TNHH hoa lan Thanh Quang, thấy trang trại mênh mông, những giàn địa lan phun búp bông đầy sức sống rải khắp các sườn đồi, công nhân chăm chú vun trồng, còn chuông điện thoại của người giám đốc thì reo liên tục.

Đó là những vườn hoa địa lan mà ở đấy từ tưới, phun phân, thuốc sâu đều tự động, bằng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại.

Những trí thức trẻ trong chiếc áo blouse trắng cặm cụi nhân tách phôi ở phòng thí nghiệm. Trên sườn đồi là vườn thực nghiệm trồng khảo cứu các giống cây vừa đưa ra từ ống nghiệm. Rồi bước lên bên trên là những phòng chất đầy sách mới cũ luận giải kinh Phật, do chính hành giả này viết ra.

Nhìn ra thung lũng là dãy nhà bếp chuyên nấu đồ chay trường và ăn tập thể ở không xa dãy nhà nghỉ của công nhân. Nơi kia, chiếc xe hơi hiệu Vios của hãng Toyota người hành giả mới sắm để tiện đi lại thuyết pháp Phật giáo, chạy vật tư, và giao dịch kinh tế đặt bên hông vườn lan...

Vừa rồi cất được trụ sở mới cho công ty, cũng là nông trại, là nơi để ông, công nhân (nếu thích), đệ tử ngồi thiền, đi vào Phật pháp, như một đạo tràng...

Cứ thế, nay ngoài 71 tuổi, hơn 40 năm tu hành, 21 năm trồng địa lan, đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi là ông vẫn tha thiết với “đường tu” của mình.

Mọi thứ từ tay không, tự tay ông làm ra tiền, nuôi dưỡng và rao giảng Phật pháp, giúp đỡ tha nhân, không bao giờ nhận tiền cúng dường của bất cứ ai.

Vì vậy, dường như cả nước này, có lẽ chỉ có công ty của ông mới ghi trong điều lệ rằng: “38% nguồn lợi làm ra là để đầu tư cho từ thiện, và in sách phát không cho mọi người ở mọi nơi”.

Ban ngày là một nông dân, ban đêm hành giả Huệ Đăng là một nhà tu đích thực và chuẩn mực: ngồi tụng niệm, thuyết giảng đạo đức, hoặc cắm cúi viết sách luận giải các kinh Phật, nghiên cứu Phật giáo.

21 đầu sách đã ra đời, với trên 8.000 trang từ những đồng tiền bán hoa lan đó, kể từ ngày bán được lứa lan đầu tiên.

Trong tay chỉ với một hecta đất đặt lan mà mỗi năm trang trại lan của ông thu vào 1 – 2,5 tỉ đồng thì đúng là một thử thách cho nông dân Việt Nam, cho các doanh nghiệp nông nghiệp.

Hành giả Huệ Đăng nói, ông sẽ chia tay trần thế ngay tại trang trại địa lan, tại công ty TNHH hoa lan Thanh Quang này với hai bàn tay trắng, tro cốt đốt bỏ vào đâu đó dưới vườn lan kia, tuỳ người ở lại.

Còn mọi thứ vật chất chẳng cần phải viết di chúc, cũng chẳng để lại cho ai cả, tất cả thuộc về tha nhân, mọi người, lúc đó trời đất, Phật tính, tự khắc có sự sắp xếp.

Đơn giản vì “con đường kinh tế, làm giàu” là con đường để ông tu, để thực hành Phật pháp, hành đạo, để yêu thương con người, hiểu kiếp người, mở ra kiếp sau, chứ không phải mục đích tích tụ vật chất muôn đời.

Có lần ông cười với cái miệng rộng tới đôi tai chảy sệ kia, rồi an nhiên tự tại về mình: “... Một chiếc xuồng con lội ngược dòng”.

Thực ra có cái gì ngược đâu, ngàn vạn lối vào cửa Phật, trường hợp của hành giả Huệ Đăng có thể là gợi ý về một đường tu, khai mở lối tu mới, thích ứng mới, thời nhân loại ta bà toàn cầu hoá, buổi trần gian và tha nhân ngổn ngang những vấn đề thời hiện đại khác nhiều thuở xa xưa.

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây