"Là phụ nữ ai mà chẳng thích xem bói. Năm ngoái tụi
mình tổ chức đi hành hương xem bói tại các vùng non thiêng như núi Chứa Chan (tỉnh
Đồng Nai), núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), núi Cấm, núi Sam (tỉnh An Giang)…
Các thầy
ở những vùng ấy xem hay lắm nhưng theo kinh nghiệm của tiền nhân, phải 3 năm
sau mới được quay trở lại chỗ cũ, như vậy việc khấn cầu van vái, việc xem mạng
vận mới linh ứng. Thế nên năm nay mọi người quyết không đi xa mà ghé các chùa
trong phạm vi thành phố". Tâm tình của chị Huệ Chi, ngụ tại phường Tân
Phong (quận 7) cũng là tâm tình của nhiều chị em mà chúng tôi gặp khi trên đường
bách bộ vào chùa Châu Đốc II.
Chùa nằm cuối đường Huỳnh Tấn Phát, cách đường chính
hơn 200m. Để đến được cửa thiền, chị Chi cùng nhóm bạn phải chen lách, chèn lấn
trong con hẻm nhỏ chỉ vừa vặn 2 chiếc xe máy chạy ngược chiều, chen chúc người
và đông đảo đội quân cái bang, sư dỏm. "Mấy thầy ở đây siêu hạng lắm.
Hôm mồng 6 Tết, chị họ mình đi về khen dữ thần. Qua trò chuyện với các thầy, chỉ mới biết họ phần lớn là đạo sỹ ẩn danh tu hành ở Thiên Cấm Sơn (còn gọi núi Cấm, tỉnh An Giang). Theo lệ, để sớm được đắc đạo, cứ đến dịp đầu xuân các thầy hạ sơn hóa duyên cho bá tánh. Ai may mắn được các thầy gieo quẻ sẽ được mách cho thiên cơ, loại bỏ tà khí để mọi việc trong năm mới được thuận buồm xuôi gió".
Vừa bán vé số, người phụ nữ này còn kiêm
nghề dắt mối khách cho các thầy bà để kiếm... phần trăm.
Khi còn cách chùa Châu Đốc II khoảng 100m, lúc đang hứng
chí nói chuyện thầy bà thì chị Xinh, bạn đi cùng với chị Chi được một người đàn
ông ăn vận lịch sự tự giới thiệu là "thầy Tám" chừng như bắt được
sóng tiếp cận mời xủ quẻ. Sau khi khen chị Chi có chân mệnh quý nhân, là người
sởi lởi, khẩu xà nhưng tâm Phật…, "thầy" Tám giở bài hù: "Ngặt nỗi
cái vong theo nó dữ lắm, không trừ không loại nó sẽ làm hại em liên tục bị số đủi
vận đen". Bị ông thầy "dọa", chị Chi tái mặt khẩn khoản nhờ cứu
giúp. Được thể "thầy" Tám gợi ý chị nên làm lễ cúng giải hạn với số
tiền lên đến 4 triệu đồng….
Càng gần đến cổng chính của chùa, khách đông khôn tả. Ẩn
trong dòng người trẩy hội chùa ấy là không ít thầy bà trá hình. Thấy ai kính cẩn
sắm nhang đèn, bánh trái để vào chùa dâng Thánh Mẫu (còn gọi bà chúa xứ Châu Đốc),
đoán đó là người có thành tâm, nặng tính tâm linh là các thầy tiếp cận gợi ý mời
xem chuyện hậu vận. Khi có khách đồng ý là các "thầy" kéo vào quán
bên đường… mặc sức tác nghiệp.
"Mấy thầy bói dạo coi hổng linh lắm đâu. Đã phí
tiền, phí thời gian thì phải gặp thầy cho đáng mặt thầy, nói như đọc chữ trong
bụng người ta vậy mới gọi là bói" - một chị bán vé số đứng trong khuôn
viên chùa, nơi hiện rõ tấm bảng cấm mua bán, hoạt động mê tín dị đoan, gợi ý:
"Ở đây có cô Tư, là người ái nam ái nữ, được vong là nữ đồng trinh dựa nên
nói đâu trúng đó". Vừa nói, chị bán vé số săng sái đưa khách vào ngôi nhà
bán bánh trái nhang đèn gọi tên "cô" Tư...
"Thầy" Tám đang say sưa...
gieo quẻ.
Không để khách thất vọng, bà chị bán vé số bàn giao
chúng tôi cho một thanh niên dáng người gầy guộc. Anh này thỏ thẻ ra chiều bí mật
rằng so với cô Bảy từng tu đạo ở núi Tà Lơn bên Campuchia có tài bói lá, bói
nhang… thì cô Tư thua xa.
Đi xuyên qua chùa Châu Đốc II, tại lối ra của chùa ở ấp
6, sau mấy vòng quẹo quanh, anh nọ đẩy khách vào ngôi nhà cấp 4 không số. Cô Bảy
tuổi ngoài 60, dáng người mập mạp, mắt xâm, móng chân sơn đỏ loẹt trông có phần
dữ tướng… Chừng như nghi ngờ điều gì nên bà này bảo với anh thanh niên
"vong đi rồi, không xem được nữa".
Sau này qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết màn
"vong đi" là chiêu cổ điển của các thầy bói nơi này. "Họ làm vậy
để thử lòng khách. Nếu thực sự tin tưởng thì khách sẽ đáo lại. Khi khách tin rồi
thì họ hù dọa, vẽ vời cúng giải hạn mà thực chất là moi tiền khách sao cũng được"
- ông H., một hộ dân rất bức xúc chuyện thầy bà nơi cửa thiền, nói thẳng!
Rời chùa Châu Đốc II, chúng tôi nhận được tin của nhiều
bạn đọc phản ánh rằng ở khu vực lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), khu vực
Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), khu vực chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn)… cũng có
"thầy-cô" đang tác nghiệp...
Nghe đâu có thầy bói bằng chiêu bảo
khách cầm bình rượu bên trong ngâm nhau mèo xốc mạnh rồi nhìn thế nhau nói chuyện
bổn mạng nên khách ghé nườm nượp. Khi người ta mù quáng, mất lý trí, lời dặn của
ông bà xưa "tiền buộc giải yếm bo bo/trao cho thầy bói rước lo vào
mình" xem ra chẳng đủ sức cảnh tỉnh những "thiêu thân"… khờ dại!
Theo nhiều khách hành hương, sở dĩ có tên gọi chùa
Châu Đốc II bởi chùa là "chi nhánh" của chùa "Châu Đốc mẹ"
tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Không có điều kiện thời gian, sức khỏe,
kinh tài lặn lội đến Châu Đốc nên người dân thành phố tìm đến nơi này để thỏa
niềm tin tín ngưỡng.
Ông Tạ Hoàng Sơn (Đội dân phòng chuyên trách xã Phú
Xuân, phụ trách an ninh trong khuôn viên chùa Châu Đốc II)
Để chống nạn trộm cắp móc túi và hoạt động mê tín dị
đoan của những kẻ buôn thần bán thánh, từ trước Tết Âm lịch, lãnh đạo xã đã chỉ
đạo lực lượng Công an, dân phòng ra quân, thường xuyên túc trực tại lối vào và
trong khuôn viên chùa để giữ gìn an ninh trật tự. Các thầy bói là người từ các
địa phương khác đến, họ hoạt động lén lút, giả làm khách hành hương nên khó
phát hiện.
Dù vậy hôm mồng 2 Tết, anh em làm mạnh và gom được 5 thầy bói dạo. Để
tránh bị "rước lo vào mình", bà con đi lễ chùa tuyệt đối nói không với
những màn mời xủ quẻ. Khi phát hiện đối tượng hành nghề mê tín dị đoan hãy báo
ngay với lực lực bảo vệ an ninh nơi gần nhất để chúng tôi kịp thời xử lý đối tượng.
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự