Tết Tân Mão: Sách mê tín ép sách giáo lý trên sân chùa

Thứ sáu - 18/02/2011 10:11
Nếu từ đây, đi chùa giao thừa mùng một tết, Phật tử chỉ cầm về sách bói toán, tử vi, tướng pháp… thì điều chắc chắn là trình độ Phật tử đã có một bước thụt lùi, và đó cũng là bước thụt lùi của Phật giáo Việt Nam. Tại TPHCM, tết Tân Mão này, đi từ xa đã thấy sách tử vi, bói toán bày la liệt trên những chiếu sách.

Người bán có vẻ nhiều hơn mọi năm, và có vẻ trẻ hơn. Sách tử vi bói toán nhiều hơn. Nhiều sách dầy in máy, cũng có nhiều tờ gấp photo bán với giá rẻ.

Nhưng điều đáng nói là người mua cũng có vẻ nhiều hơn lên, trong khi sách tử vi bói toán bán sớm hơn mọi năm. Không chờ đến 30, mùng 1, mà từ 24, 25 tết đã có người mua. Người ta chỉ cần tạt xe ngang, là người bán mau mắn giới thiệu đủ loại, từ sách tướng pháp, xem chỉ tay, đến giải vận hạn, phong thủy, kiêng cử…

Đại đa số chùa không cho những chiếu sách như vậy vào bên trong chùa.

Nhưng cá biệt, những loại sách như vậy cũng có mặt trên những quầy sách ở tiền đình, đại sảnh chùa.

Việc sách bói, sách mê tín phát triển không đáng ngại bằng việc sách giáo lý bày bán có phần ít đi, có chùa không còn kinh sách giáo lý mà chỉ còn sách bói toán.

Thông thường, như mọi năm, tết đến, phòng phát hành kinh sách các chùa tại TPHCM đều đóng cửa nghỉ tết.

Thay vào đó, các chiếu sách của các người bán tư được dọn vào sân chùa để bán. Sản phẩm bán thường gồm kinh sách giáo lý, đĩa hình, đĩa tiếng giảng pháp. Ít khi các thầy cho phép bán sách bói toán chung với sách giáo lý.

 

Sách tử vi, bói toán bày bán công khai trong sân chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM


Thị trường là một chiếc hàn thử biểu khá chính xác. Ở đây, việc bán sách bói toán tăng mạnh, lại không còn thấy nhiều quầy kinh sách giáo lý như trước. Mà nếu còn đi nữa, thì kinh sách giáo lý được bày chung với sách bói toán, làm mất hẳn giá trị kinh sách giáo lý.

Trông cái cách người bán chào mời sách tử vi, tướng pháp, thì có thể hiểu ngay rằng loại sách này dù bày bán chung quầy với kinh sách giáo lý, nhưng cũng được nhiều người chuộng mua hơn.

Cách đây chỉ vài năm, một số Phật tử thuần thành thường chọn cho mình một số kinh Phật, sách Phật thỉnh về nhà như một kiểu lộc Phật trong đêm giao thừa.

Tôi cũng là người như thế, nhưng năm nay, đứng xem đi xem lại mãi, mà không chọn được quyển sách nào, vì kinh và sách giáo lý quá ít, lại không có sách mới, đành ra về tay không với sự bùi ngùi.

Có người giải thích rằng, không như những năm trước, hiện giờ kinh sách đều xuất bản đúng thủ tục, có nhà xuất bản cấp giấy phép, nên nhiều nhà sách đã có quầy sách tôn giáo riêng, bày nhiều kinh Phật, sách giáo lý, nên chức năng, hiệu quả phát hành kinh sách Phật giáo của những quầy sách trong chùa cũng giảm dần đi, có thể đã dẫn đến tình trạng trên.

Nghe thì có thể cũng đúng một phần. Nhưng nhà sách không phát hành đĩa hình đĩa tiếng thuyết pháp. Trong khi những năm trước, diện tích bán đĩa thuyết pháp cả hình và tiếng chiếm đến khoảng 50% quầy kinh sách tư nhân xin bán trong chùa. Không lẽ loại sản phẩm truyền thông giáo lý này không còn có người cần nữa?

Hiện tượng như vừa miêu tả là tự nhiên, tự phát, nên nó nói thật một điều: Mê tín có xu hướng phát triển mạnh, trong khi chính tín lại rơi vào tình trạng ngày càng thu hẹp.

Không ít chùa chỉ toàn là sách tử vi, bói toán la liệt trước cổng chùa. Không tìm thấy điểm nào bán kinh, sách giáo lý.

Chúng tôi đến Thiền viện Vạn Hạnh sau giao thừa khoảng 1g30 phút, thì thấy bàn phát hành kinh, sách giáo lý của nhà chùa đã dẹp.

Sách còn nhưng đã thu dọn, đóng gói đi cất (những năm trước cao điểm có đến 3 quầy phát hành kinh sách khác nhau, làm việc hết công suất nhưng Phật tử thỉnh kinh vẫn chen chúc).

Người đi chùa tết vẫn đông, có phần đông hơn mọi năm. Nhưng có đáng mừng không khi ghi nhận hiện tượng như trên?

Với “tầm nhìn sáng suốt và xa rộng”, lời của Hòa thượng Thích Trí Quảng, chúng ta, những người Phật tử không thể bỏ qua hiện tượng này.

Nếu từ đây, đi chùa giao thừa mùng một tết, Phật tử chỉ cầm về sách bói toán, tử vi, tướng pháp… thì điều chắc chắn là trình độ Phật tử đã có một bước thụt lùi, và đó cũng là bước thụt lùi của Phật giáo Việt Nam.

Nguồn tin: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây