Người Việt có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy…” cho nên cái gì cũng muốn phải cầm tận tay để xem mới thỏa. Với thói quen ấy, đi bảo tàng người ta dù đã đọc thấy dòng chữ không sờ vào hiện vật nhưng vẫn phải tìm cách gì đó để thật gần, để chạm vào xem ra sao. Còn khi vào chùa, không hiểu xuất phát từ quan niệm nào, người ta lại cho việc sờ vào tượng Phật là một việc đem lại phúc đức.
Ai cũng phải chạm tay vào tượng phật mới thỏa.
Và rủi thay cho những pho tượng la hán ở chùa Bái Đính, vì được đặt ở dãy hành lang, nên vị nào cũng bị người đời đi qua vuốt ve, sờ, chạm đến đen cả đầu gối, bàn tay. Và có một vài pho tượng la hán đã bị gãy những ngón tay mà không rõ có phải là do đá kém chất lượng hay là do bàn tay tò mò của các phật tử hiếu kỳ.
Hãy tưởng tượng hàng trăm pho tượng bằng đá trắng bị mồ hôi tay người làm đen bóng ở những chỗ ngang tầm tay với của con người. Pho thì đầu gối, pho thì cánh tay, pho thì tà áo. Một hình ảnh thật là đáng buồn. Người dân ta đi chùa lễ phật mà chính trong tâm lại không biết kính Phật thì làm sao có công đức.
Chiếc trống đồng ở bên dưới quả chuông nặng nhất Việt Nam này đã bị
che lấp mất mặt vì tiền lẻ của Phật tử tứ phương.
Cùng với sự mất giá của đồng tiền, những tờ tiền 500 - 1.000 đồng chỉ còn chỗ đắc dụng khi vào chùa. Loại tiền này la liệt trên các ban thờ, trên chân tay tượng Phật và thậm chí dưới đất. Trong động thờ mẫu có một chỗ trũng xuống có nước, người ta gọi đó là ao tiên động mẫu. Mặc dù ngay bên cạnh tấm biển đó có một tấm biển khác ghi dòng chữ cấm thả tiền và lội xuống ao nhưng mặt ao vẫn đầy những “rác tiền”. Còn bên bờ ao là chỗ chụp ảnh lý tưởng cho những thanh niên nam nữ…
Ao tiên động mẫu với rác tiền nổi lềnh bềnh trông rất mất mĩ quan.
Thiết nghĩ, đồng tiền là vật ghi giá trị sức lao động.
Quý trọng đồng tiền cũng là quý trọng những giọt mồ hôi ta đã bỏ ra. Chùa nào
cũng có những hòm công đức. Có câu dân gian vẫn nói: tiền mất Phật biết. Đâu cần
phải cúng tiền xuống dưới ao nước như thế, vừa làm hỏng tiền gây lãng phí lại vừa
tạo thành một thứ rác trong những chốn linh thiêng, sạch sẽ.
Sờ đầu, nhét tiền miệng ngựa thánh cầu may
Vài năm trở lại đây, cứ sau rằm tháng giêng, người dân khắp các vùng phía Bắc Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lại nô nức kéo nhau đi sờ đầu, nhét tiền giấy vào mũi vào miệng Thiên lý Mã ở chùa Ông (đường Nguyễn Huệ, thành phố Hội An) để mong cầu tài, cầu lộc.
Theo lời đồn đại, đền Ông là một trong những chốn tâm linh rất thiêng. Đến đây, nếu có thể sờ vào con ngựa Xích Thố (gắn với nhân vật Quan Công, Trung Quốc) được thờ trong chùa sẽ được mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn, qua được tai ương, tật bệnh… Vì thể, không quản sương gió, chen chúc, hàng ngàn tiểu thương, nam phụ, lão ấu có bệnh tật hoặc đang buôn bán, làm ăn ngày đầu năm đều đổ về đây xin lộc, cầu tài.
Rồng rắn xếp hàng.
Theo chị Nguyễn Thị Dọng, thôn Hà My Trung, xã Điện Dương, mới 6h tại cổng chùa đã chật cứng bởi hai dòng người dài dằng dặc. 6 người một lượt vào thắp nhang, lễ lạy cầu may mắn và xin lộc đầu năm. Không khí nơi đây náo nhiệt chẳng khác gì bến tàu, bến xe.
Sờ đầu ngựa cầu may.
Nhiều người may mắn đến lượt vào lễ, vội vàng sờ đầu, nhét tiền vào miệng ngựa thánh rồi xoa lên đầu mình lấy may. Chị Dọng cũng làm theo, thắp hương xong bỏ tiền vào thùng công đức và được phát cho gói lộc (gồm một túi vải nhỏ đựng muối và một lá trầu). Cũng theo chị Dọng, ai thích chữ thì có thể lấy một tấm giấy nhỏ có 4 chữ nho viết sẵn ở đó về treo trong nhà và coi đó như một lá bùa hộ thân…
... sờ đầu mình để mong thụ lộc.
Chứng kiến cảnh này, ông Lê Huyễn, 75 tuổi là thủ từ ngôi đền này, cho biết, dân gian thường gọi nơi đây là chùa ông mà không hiểu rõ đây vốn là ngôi đền được xây dựng vào năm 1653 có tên là Trừng Hán Công( Quan Công Miếu). Đền thờ đức Quan Công và hai vị Quan Bình con nuôi Quan Công và Châu Xương cận vệ trung thành của Quan Công.
Cũng theo ông Huyễn, vài năm lại đây, quan niệm của nhiều người đi lễ tại đền hiện không đúng thậm chí còn mang màu sắc mê tín, dị đoan. Ông Huyễn cũng khẳng định, việc sờ đầu, nhét tiền vào miệng ngựa thánh vốn không có tiền lệ mà chỉ do người dân tự phát rồi theo nhau làm. Hay như nơi bàn công đức có để những câu đối để thiện nam, tín nữ có thể đem về treo trong nhà như một lời chúc phúc đầu năm thì nhiều người lại coi như là một lá bùa, ngãi… Quan niệm sai lầm trên, theo ông Huyễn đã phần nào làm mất đi sự trong sáng và thanh tịnh nơi này.
Nguồn tin: Đất Việt
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự