Sáng lòng ở chốn thiền môn

Thứ hai - 28/02/2011 23:42
Cuộc đời là vô thường, sinh ra làm người không dễ. Ai rồi cũng trở về với cát bụi…" - Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề (Hà Nội) bộc bạch. Hơn 25 năm qua, sư thầy đã giang tay nuôi dưỡng, cứu vớt hàng nghìn sinh linh bạc mệnh, nương náu tại cửa thiền...

Nằm nép mình bên dòng Sông Hồng đỏ ngầu phù sa, bên lở bên bồi, chùa Bồ Đề khuất hẳn dòng người xuôi ngược ra vào thành phố, thâm nghiêm, u tịch, rợp bóng cây xanh với dãy nhà cấp 4 sạch sẽ tinh tươm. Các cụ già đang ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi mỗi khi có người đến vãn cảnh chùa. Sư thầy Thích Đàm Lan kể về quãng thời gian làm từ thiện của mình.

Câu chuyện thi thoảng bị ngắt quãng bởi những đoàn khách vào cung tiến quần áo, mì tôm... Đã ngót 60 tuổi, nhưng khuôn mặt nhà tu hành còn vương vất vẻ đẹp một thời xuân sắc. Thầy lí giải những việc làm trong thời gian qua là công sức của các sư trong chùa, tấm lòng của Phật tử trong và ngoài nước.

 25 năm trước, trong một lần đang đi trên đường Hà Nội, sư thầy tình cờ thấy một cụ già đang ngồi gặm mảnh sành, mà không ai ngó ngàng tới. Sư thầy dừng bước hỏi thăm, bà cụ tên Phúc nhà ở phố Lãn Ông, không người thân thích, bị điên suốt ngày lê la khắp đầu đường xó chợ.

Động lòng trắc ẩn, thầy đón bà cụ về chùa. Năm 1990, thầy tiếp nhận 7 đứa trẻ bị bỏ rơi vào chùa nuôi. Nhiều người điên, trẻ lang thang cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, cũng tìm đến chùa nương thân.

Anh Thắng ở Lâm Đồng, từng là chiến sĩ Sư đoàn 304, tham gia giúp bạn giải phóng Căm-pu-chia, bị chấn thương sọ não. Chiến tranh qua đi, vết thương của anh vẫn còn đó. Mỗi khi trái gió, trở trời, bệnh tái phát, anh lang thang khắp trong Nam ngoài Bắc. Từ ngày được thầy đưa về nuôi, bệnh của anh đã khỏi, được thầy bố trí việc làm. Chị Nhung (Mỹ Đức, Hà Nội) hằng tháng vẫn đến chùa xin thầy tiền, đóng học cho 2 đứa con...

Sư thầy Thích Đàm Lan tiếp nhận tấm lòng hảo tâm của Phật tử.  Ảnh: Trần Gia Bảo

Sư thầy Thích Đàm Lan tuổi Bính Thân, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Nhà có 7 người, 6 người xuất gia đi tu. Kí ức tuổi thơ của thầy là những lần lẽo đẽo theo bà vào chùa, khấn Phật, làm phước cho người nghèo khó.

Hằng đêm, thầy được bà kể cho nghe những câu chuyện từ bi, cứu khổ, cứu nạn. Tự lúc nào, những câu kinh kệ, giáo huấn của Phật về đạo làm người, đối nhân xử thế, từ bi, hỉ xả đã gieo vào tâm hồn non nớt của thầy. 10 tuổi, thầy đi tu, học các lớp giáo lí nhà Phật. Như duyên tiền định, 30 năm trước thầy đến chùa Bồ Đề.

Ngày ấy, xung quanh chùa Bồ Đề còn vắng người. Chiều chiều, có một tì kheo đương tuổi xuân thì xinh xắn, căng tràn nhựa sống ngân ngấn lệ, đau đáu hướng về quê nhà. Nhiều lúc tì kheo cũng rạo rực như bao người con gái khác. Tì kheo đấu tranh tư tưởng ghê gớm giữa việc hoàn tục, hay sống trọn đời với đạo. Và, những giáo lí nhà Phật đã níu chân tì kheo Đàm Lan ở lại với chốn thiền môn.

Thầy lí giải việc làm từ thiện, xuất phát từ những điều giáo lí nhà Phật, khuyên giải con người hướng tới người nghèo, cứu vớt những mảnh đời lầm lạc... Bằng việc làm cụ thể, thiết thực, thầy không quản ngại khó khăn với suy nghĩ: "Cứu một con người còn hơn xây một toà tháp". Thầy luôn trăn trở, làm sao chở che, cưu mang được nhiều mảnh đời bất hạnh.

Những việc làm của thầy được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít kẻ dèm pha. Vượt lên dư luận, thầy tự nhủ: "Mình làm việc thiện với cái tâm trong sáng, không vụ lợi". Để có kinh phí hoạt động, thầy lập ra Ban Từ thiện, vận động tăng ni, Phật tử đóng góp, khách thập phương công đức. Phật tử trong Nam, ngoài Bắc, nước ngoài hay tin tìm đến ủng hộ.

Không chỉ nuôi dưỡng người nghèo, trẻ em không nơi nương tựa, mỗi khi biết tin ở đâu gặp nạn, thầy đều tận tình chia sẻ. Những trẻ được nuôi ở chùa, đến tuổi đi học đều được thầy gửi đến trường, sát sao việc học tập của các em, nhiều em nay đã thành đạt. Hằng tháng, dù bận việc, thầy đều dành thời gian đến các trung tâm, bệnh viện tặng quà, an ủi, động viên.

Nhiều trẻ vị thanh niên "trót lỡ" cũng tìm đến thầy, mong được khuyên giải, để không huỷ hoại bản thân mình. Hết lòng vì mọi người, nhưng cuộc sống của thầy đạm bạc, chay tịnh.

Tiếng chuông chùa dần xa, dòng người lễ chùa kẹt cứng cầu Chương Dương. Những chiếc ô-tô đắt tiền, bóng lộn đang cố nhoài lên trước. Văng vẳng bên tai tôi lời thầy Đàm Lan: "Cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Tất cả chỉ là hư vô. Khi sống, mình làm gì có ích cho xã hội, khi ra đi cũng cảm thấy an lòng".

Nguồn tin: Tuấn Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây