Ăn xin chốn cửa Phật

Thứ sáu - 11/03/2011 00:49
Lâu nay, tại khu vực cửa đền, chùa hay trong khu vực lễ hội, nơi công cộng xuất hiện nhiều người ăn xin. Đội quân này đã làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có nơi cửa Phật.

Nạn ăn mày giả

Tại một số bến xe ở Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, Lương Yên... và một số bến xe buýt quanh khu vực nội thành, nhan nhản các đối tượng ăn xin. Có mặt tại bến xe Mỹ Đình chiều 1-3, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng một người phụ nữ trung niên đang chìa nón giọng thiểu não: “Xin các cô chú, anh chị thương tình làm ơn, làm phúc cho ít tiền về quê. Tôi có con trai bị ung thư nằm ở bệnh viện K, hôm nay về quê chạy tiền viện phí cho cháu thì bị móc trộm mất hết tiền đi đường, không biết về bằng cách nào, cháu thì bệnh ngày càng nặng…”.

Vừa nói người phụ nữ này vừa lấy khăn chấm mắt. Nhiều hành khách tỏ vẻ thương xót, móc túi 5.000-10.000 đồng cho làm phúc, song có người lại từ chối với lý do “không có tiền lẻ”. Ngay tức thì, người phụ nữ này đổi giọng: “Không có tiền lẻ thì đưa tiền chẵn em trả lại”…

Thấy mọi người xung quanh tỏ ý nghi ngờ, chị ta cụp nón rồi bước nhanh đến cuối bến. Anh Nguyễn Văn Xuân - một lái “xe ôm” lắc đầu thở dài: "Những người này thuê nhà ở gần đây. Họ lừa gạt những người có lòng trắc ẩn. Bằng cách này, có người kiếm được hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày. Thậm chí có đối tượng còn lợi dụng sự sơ hở của hành khách để móc túi, trộm cắp".

Không chỉ xuất hiện tại các bến tàu, xe, những nơi đông người, nạn ăn xin giả còn diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các lễ hội như Yên Tử, đền Trần, hội Lim, đền Bà Chúa Kho... Người thì giả tàn tật, bó chân bó tay lê lết trên nền đất, kẻ thì bôi thuốc đỏ vào mặt, vào người, tạo vết thương giả để kêu gọi lòng thương cảm của khách du lịch.

Chúng luôn đeo bám dai dẳng để đạt được mục đích của mình. Sáng 2-3, tại khu di tích đền Bà Chúa Kho (Cổ Mễ, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), mặc dù thời gian lễ hội đã qua đợt cao điểm nhưng tại ngay khu vực lối vào cửa đền, ăn xin vẫn ngồi la liệt.

Chị Vũ Thanh Hương ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội than phiền: “Đến đền Bà Chúa Kho, du khách không chỉ mệt vì cảnh chen chúc do quá đông người mà còn bị các đối tượng ăn xin quấy nhiễu khắp nơi. Bản thân tôi đã tận mắt chứng kiến những người khỏe mạnh nhưng vẫn cố tình lăn lộn ra đường gào khóc thảm thiết để kêu gọi sự thương hại của khách qua đường. Họ đeo bám dai dẳng quá nên tôi đành rút tiền cho họ để khỏi mất thời gian. Những hình ảnh này đã khiến lễ hội ngày càng trở nên đáng sợ, khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”…

Khó xử lý

Không ít người khi cho tiền nhưng trong lòng vẫn nghi ngờ “liệu lòng tốt của mình có bị lợi dụng?” do đã chứng kiến cảnh những người ăn mày, ăn xin thản nhiên đếm số tiền họ xin được ngay tại cửa chùa, rồi bước ngay vào quán để… ăn nhậu ?!

Ông Nguyễn Văn Tuyến - đại diện Ban quản lý (BQL) Di tích lịch sử Bà Chúa Kho cho biết: “Những đối tượng ăn xin xuất hiện tại lễ hội Bà Chúa Kho không phải là người dân địa phương mà là những người ở địa phương khác đến.

Để họ không làm ảnh hưởng đến du khách, BQL di tích đã thành lập bộ phận an ninh kết hợp với lực lượng công an đuổi họ khỏi khu vực mỗi khi họ xin tiền du khách. Nhưng, cứ đuổi xong lát sau họ lại quay lại. Do những người này không phải là tội phạm nên cơ quan chức năng không thể bắt, nhốt họ được.

Đa phần những người ăn xin, ăn mày ở đây đều tự phát, cứ ở đâu có lễ hội, tập trung đông người là họ đến. Điều này, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống mà nguyên nhân một phần từ những người đi lễ muốn làm phúc, bố thí, làm việc thiện khi đến nơi đền, chùa. Từ đó, người ăn xin mới có “đất” để hành nghề. Không ít người đã coi ăn xin như một nghề chuyên nghiệp. Tôi cũng biết, có người khoẻ mạnh bình thường nhưng giả tàn tật để tìm cách xin tiền của du khách. Để tránh tình trạng làm phúc không đúng đối tượng, BQL di tích đã tuyên truyền và cảnh báo tới du khách về hiện tượng này”…

Cũng theo ông Tuyến: “Để giải quyết nạn ăn xin tập trung ở những nơi đông người, đặc biệt là các lễ hội, bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng và Ban quản lý tại các lễ hội thì mỗi du khách khi đi đến những nơi này cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện từ thiện, công đức vào đúng nơi đúng chỗ…

Điều đó sẽ giúp họ có niềm vui trọn vẹn hơn khi tham gia các lễ hội, để các lễ hội thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với đông đảo du khách thập phương”…

Nguồn tin: ANTĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây