Nhưng khi được đào phần đất lên thì có một điều quá ngạc nhiên là: di hài của ngài vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm chôn cất. Đây như là một tấm gương sáng ngời về sự tu tập của ngài, có giá trị về thân giáo. Một minh chứng có thật về sự nghiêm trì giới luật, niệm Phật vãng sanh, giáo hóa chúng sanh, là bậc mô phạm đạo hạnh trong tòng lâm.
Cố Hoà Thượng Thượng Minh Hạ Đức (1901 – 1985).
Hoà thượng Thích Minh Đức thế danh: Nguyễn Khắc Dần sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ, xã Đức Hạnh, huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nho phong gia giáo.
Thân sinh của Hoà Thượng là cụ Nguyễn Quang Huy, tọa chủ chùa Khánh Long thuộc thôn Hiệp Phổ, huyện Nghĩa Hành - Tỉnh Quảng Ngãi. Cụ bà là Phan Thị Lễ.
Từ thuở thiếu thời Hoà Thượng đã tỏ ra đức tính từ hoà, tư chất thông minh. Ngài được thân sinh cho theo học nho văn, chẳng bao lâu Ngài đã tinh thông những bộ sách căn bản của Nho học. Nhưng có lẽ do túc duyên nhiều đời chí xuất trần đã thôi thúc. Năm lên 17 tuổi Ngài quyết chí xin song thân xuất gia tu học tại chùa Sắc Tứ Phước Quang, thuộc xã Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài thọ giáo với đại lão Hoà thượng Hoàng Tịnh và được ban pháp tự thượng Đạo hạ Thứ.
Suốt thời gian tu học ngài rất tinh cần trau dồi kinh luật, sớm nhận diện nỗi đau khổ của kiếp người và trọng trách lý tưởng hàng Như Lai sứ giả. Phương tiện giáo hóa chúng sinh của bậc đại thừa Bồ Tát. Ngài đã học thêm về ngành đông y không ngoài mục đích cứu đời khai đạo. Ngài rành mạch về các môn trị liệu y phương minh, phương tiện giáo hóa. Ngài đã áp dụng thành công một cách rực rở.
Năm 1933 vào lúc 33 tuổi. Ngài mới thọ tam đàn cụ túc tại tổ đình Phước Quang, đàn giới này do ngài Tăng Cang ở chùa Chúc Thánh - Quảng Nam làm giáo thọ. Ngài được ban pháp hiệu là Thích Minh Đức.
Năm 1940 chư Tăng và Phật tử thuộc huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài trở về trụ trì tổ đình Long Bửu thuộc thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi) cũng trong năm này Ngài được công cử làm hội trưởng hội Phật giáo Nghĩa Hành.
Năm 1945 cùng với cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngài tham gia phong trào chống Pháp, gia nhập Đảng Lao Động Vịêt Nam.
Năm 1946 Ngài nhận chức hội trưởng Phật giáo cứu quốc huyện Nghĩa Hành - tỉnh Nghĩa Bình .
Năm 1954 hiệp định Giơnevơ ký kết hoà thượng lui về tu niệm, trụ trì chùa Long Bửu. Thời gian này Ngài phát triển ngành đông y và thâu nhận môn đồ hàng đệ tử xuất gia hiện nay đều là các vị trụ trì các chùa ở các tỉnh. Ngài có các vị đệ tử hiện giờ như: Hòa thượng Viên Lâm (Chùa Quan Âm - Quảng Ngãi), HT Như Nghĩa (Chùa Liên Hoa - Q4 - Tp.HCM), TT. Thích Tâm Vị ( Chùa Linh Phước - Đà Lạt), TT. Thích Giải Hiền (Du học tại Đài Loan), TT. Thích Tâm Thiện (Đạo tràng Cát trắng - Hoa Kỳ), TT. Giải Điền (Quảng Ngãi) v.v...
Năm 1957 Tổng hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm Ngài trụ trì chùa Linh Phước - Đà Lạt thuộc chi hội Phật giáo Trại Mát, không quản ngại khó khăn Hoà thượng cũng cố các khuôn giáo hội trực thuộc. Chủ trương và xây dựng các khuôn giáo hội Sào Nam chùa Pháp Hoa, chùa Tịnh Quang khóm Tự Phước. Chùa Linh Thứu - khóm Chi Lăng, chùa Quan Âm - Khe Sanh - Đà Lạt.
Năm 1973 Giáo hội tỉnh Quảng Đức (tỉnh Đắc Nông ngày nay) khai giới đàn truyền giới cung thỉnh Ngài đương vi đường đầu Hoà thượng.
Đến năm 1982 Đại hội Phật Giáo Việt Nam thành lập tỉnh hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đã suy cử Ngài vào hàng giáo phẩm chứng minh tỉnh hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
Trong suốt thời gian gần thế kỷ của đời Ngài. Ngài luôn luôn tỏ ra là một cao Tăng thạc đức, dùng y học để cứu đời, hành đạo, thuyết pháp độ sanh, uy danh xuất chúng…đức độ của Ngài lan truyền rộng khắp không những chỉ dừng lại ở tỉnh nhà Lâm Đồng, Quảng Ngãi mà còn toả khắp vùng đất Nam Bộ, ai ai cũng kính, hàng đệ tử được Ngài quy y rất đông tín đồ tại gia và rất nhiều vị xuất gia cầu đạo đã noi theo gương ngài sống đời giản dị, thanh bần của nếp sống đạo hạnh.
Mặc dù công việc đa đoan của giáo hội. Ngài không bao giờ xao lãng vịêc nhiếp hoá độ chúng, trong những mùa an cư kiết hạ ngài dành nhiều thời gian để giảng dạy cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Ngài chú trọng nuôi dưỡng pháp môn tịnh độ, pháp trì danh niệm Phật. Và ngài thường nhắc nhở hàng xuất gia cũng như tại gia. Nghiêm trì giới luật, thể hiện đạo phong những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng già tiền bối.
Hình ảnh của Ngài như một hiện thân Quan Âm cứu khổ. Khi còn sinh thời ngài thường hay trì tụng kinh Phổ Môn. Ngài đã phát nguyện trì tụng kinh Phổ Môn 500 biến, cho đến trước lúc từ giã cõi trần ngài vẫn tinh tấn trì tụng cho đến hết. Hình ảnh ban vui cứu khổ được thể hiện qua cử chỉ hành động của ngài. Nhất là những đêm khuya khoắt khi mọi người đã yên giấc ngủ, có người đến cầu thỉnh Ngài đi cứu bệnh. Ngài hoan hỷ đến ngay không một chút từ nan quản ngại.
Cuối năm 1984 linh cảm của Ngài dường như biết trước sự ra đi cho nên Ngài rời chùa Linh Phước về lại tổ đình Long Bửu Quảng Ngãi để cùng Tăng ni Phật tử chốn tổ đón một mùa xuân miên viễn nơi quê hương chốn tổ. Sau tết năm Ất Sửu 1985 vào đêm 18 tháng giêng Ngài kêu gọi các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của tổ đình Long Bửu qui tụ về để dặn dò lần cuối, di chúc lại cho chùa Linh Phước TP Đà Lạt. Hòa thượng nhắn nhủ 13 điều khuyên người niệm Phật, có ghi lại bằng băng cassette. Sau đó Tăng Ni Phật tử tụng kinh A Di Đà niệm Phật để tiễn biệt ngài ra đi.
Vào lúc 03 giờ 00 ngày 19 tháng giêng năm Ất Sửu, nhằm ngày 08/02/1985. Chư Tăng ni Phật tử đứng xung quanh bên giường Ngài để niệm Phật, ánh mắt không rời hình Phật A Di Đà treo trên tường trước mặt Ngài, miệng vẫn niệm Phật theo đại chúng. Trong lúc đại chúng niệm Phật, Ngài bảo vị trưởng tử đem bức ảnh Phật A Di Đà đến cho Ngài, hai tay nâng hình Phật và nhẹ nhàng úp ảnh Phật A Di Đà lên mặt rồi buông hơi thở cuối cùng, xả bỏ báo thân thâu thần tịch diệt. Ngài trụ thế 84 năm và 51 hạ lạp. Nhục thân ngài được tôn trí trong bảo tháp phụng lập tại khuôn viên già lam tổ đình Long Bửu – tỉnh Quảng Ngãi.
Đến tháng 02 - 2010 chư Tăng và Phật tử tại hai chùa: chùa Linh Phước - tỉnh Lâm Đồng và Tổ đình Long Bửu - tỉnh Quảng Ngãi xây dựng lại bảo tháp mới 7 tầng cao 20m bằng đá được chở từ Thanh Hóa vào.
Vào ngày 11 tháng 01 năm 2011 (nhằm ngày 08 tháng chạp năm Canh Dần) lễ di dời hài cốt nhập tháp mới. Nhưng khi khai quật phần mộ thì nhục thân của Hoà Thượng vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm nằm trong lòng đất. Chiếc kim quan lúc an táng ngài bây giờ đã biến thành đất, không còn thấy dấu vết. Mà hình hài của người vẫn còn nguyên nằm im bất động như tự thuở nào. Kết quả bao nhiêu năm tu tập chuyên trì Niệm Phật và hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Giờ đây hình ảnh nhục thân của Ngài lưu lại đã làm cho hàng Tăng Ni Phật tử thật xúc động, làm cho tín tâm càng thêm kiên cố trên con đường tu tập giác ngộ giải thoát.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ:
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự