Một ngày ở nhà "cô đồng"

Thứ sáu - 18/03/2011 04:48
Số nhà 43 cách nhà tôi khoảng chục mét. Rất nhiều người hỏi thăm đến số nhà này. Mỗi độ xuân về, số người hỏi thăm đến số nhà này càng đông hơn, dày hơn. Hôm nay, cô bạn cùng học đại học với tôi ngày nào, đã mười năm trời biệt tăm bỗng dưng mò tới nhà tôi. Bạn bảo: "Đến thăm mày, nhưng đồng thời đi một công chuyện quan trọng. Người ta mách tao ở phố nhà mày có cô đồng còn trẻ mà xem bói, gọi hồn rất hay.

Tao đã đi nhiều nơi, nhưng ở đâu cũng thấy nói vừa đúng vừa sai, chán lắm! Mày đưa tao đến nhà bà này nhé. Bà ta ở số nhà 43".

Tính hiếu kỳ là động cơ tôi đưa Hương bạn tôi đến đó. Nhà của Th (viết tắt tên "cô đồng") rất ngóc ngách. Ngay ngoài cổng đã có treo cờ phướn. Trước cổng có dòng chữ nhỏ: "Ai hỏi, xin bấm chuông". 

Chúng tôi đang phân vân thì chợt có một phụ nữ chạc tuổi tứ tuần ra mở cổng, hỏi: "Xem bói hả, vào nhà trong". 

Nhà dễ chừng đến vài trăm mét vuông. Ở sân có một quán nhỏ bày bán hương hoa, nước giải khát, bánh kẹo… Có hàng chục chiếc xe máy đậu, và một đống hàng mã đang chuẩn bị được đốt.

Chúng tôi được chỉ lên một cái thang gỗ vắt vẻo - đó là tầng hai, nơi có điện thờ. Gọi là cung điện (chừng 30 mét vuông) nhưng chật người ngồi trong một không khí thành kính linh thiêng. Cô đồng khoảng 35 tuổi, đeo kính cận, mặc bộ nâu sồng, đội mũ nâu, túi áo có điện thoại di động đời mới rất "xịn".

Tôi thấy gian cúng bày một con voi 9 ngà và 9 con ngựa đủ các màu, 9 đôi ủng, 9 cái mũ, cái roi ngựa và một bộ bàn đèn thuốc phiện, một hộp đựng phấn son, gương lược, nhẫn khuyên tai, tất cả đều bằng giấy màu. Điều "hấp dẫn" nhất với tôi, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tòa nhà cao tầng đẹp lộng lẫy bằng giấy bìa cứng. Mỗi "tầng" có nhiều phòng, mỗi phòng đều có đầy đủ tiện nghi, giường, tủ, công trình phụ, rèm cửa sổ, cửa chính và cả chiếc xe máy nhãn hiệu SH, ôtô loại 4 chỗ ngồi dựng dưới tầng trệt. 

Trong khi bạn tôi làm thủ tục chờ đến lượt, cô đồng thì đang say sưa bói, lễ, gọi hồn, tôi đã hỏi ra được chủ nhân của những thứ được dâng lên lễ kia. Đó là mẹ con bà M. Bà hiện đang công tác ở ngành tòa án, nhưng "bất hạnh" thay cho bà, răn dạy người đời thì được trong khi chồng con bà lại sa vào hút sách, nghiện ngập.

Cực chẳng đã, theo sự mách bảo của một người quen cùng trong khu tập thể, bà tìm đến số nhà 43 này với mong ước xem bói, và gọi hồn. Hy vọng tổ tiên sẽ phù hộ bà mà ngăn cấm được chồng con khỏi sa vào con đường ma túy. Và quả thật khi gọi "hồn", các cụ tổ của bà về tranh nhau kể công đức và trách giận.

Cụ tổ nói: "Khi còn sống, cụ tổ hút thuốc phiện, khi xuống cõi âm, con cháu không biết đường sắm cho cụ mang theo một… ít thuốc. Mấy chục năm nay các cụ phải sống trong thèm khát nên hậu họa là bắt con, cháu cùng nghiện… Nếu không sớm lo cho các cụ có đủ "đồ nghề" thì thằng cháu còn nghiện nặng, thậm chí chết sớm vì nghiện…". Bà M. nghe "hồn" nói thế thì sợ quá. Chỉ có mỗi thằng con trai mà như thế  thì… tiệt giống! Và thế là bà M. đã chiều các cụ, các cụ "đòi" gì sắm cho cái đó. 

Cũng rất may là không phải ra phố sắm. Cô đồng đã có đường dây làm ăn. Chỉ cần cô điện thoại, ít ngày sau có người chở đến tận nhà cô đồng trước giờ bà M. đến. Vị chi số hàng mã này (tòa nhà, đồ lễ tiền vàng) hết…5 triệu đồng, chưa kể tiền biếu lễ, xôi gà, hoa quả… 

Nghe người trong cuộc kể lại mà thấy lạ. Tưởng đi xem tham khảo thôi, chứ việc "đại sự" như thế chẳng lẽ lại ỉ vào linh hồn người đã mất. Thật chẳng "biện chứng" một tí nào. Tôi nhẩm tính, chỉ riêng qua bà M., cô đồng đã kiếm được đến vài triệu rồi, chưa kể tiền "hoa hồng" của nơi bán hàng mã nữa chứ. Thật đúng là "nói ra bạc, khạc ra tiền", làm giả ăn thật. 

Thấy tôi cứ giương mắt trân trân quan sát các cử chỉ, hành động của cô đồng, cô bạn tôi thì thào: "Mày có bói không? Thử một quẻ xem sao?". Tôi vờ từ chối với lý do không mang tiền, nó bảo: "Đến cửa điện thành tâm là chính, không bắt buộc phải nhiều tiền…". Tôi đồng ý, với mục đích tìm hiểu kỹ hơn "tấn trò" này như thế nào.

Thao tác theo những người trước, chúng tôi lấy 3 cái đĩa, mỗi đĩa mỗi đứa đặt vào đó một tờ 50 nghìn rồi kính cẩn đặt đĩa tiền vào 3 nơi: Bàn thờ Trần Hưng Đạo, và bàn thờ cô, cậu (theo lời giới thiệu của cô đồng). 

Cô đồng Th nhìn chúng tôi rồi hỏi: "Nào, hai cô này xem gì nào, bài tây hay lá trầu?". Nhưng nhìn vào mỗi đĩa thấy 2 tờ 50 nghìn mỏng dính, cô đồng chép miệng: "Gớm, có 5 cái hào bạc mà cũng đòi đến kêu cô kêu cậu".

Rồi Th. thỉnh chuông, miệng khấn rất dẻo, thỉnh thoảng, giữa chừng hồi khấn, cô lại quay lại hỏi bạn tôi: "Tên gì hả?" rồi khấn tiếp. Tôi buồn cười quá, không nhịn được trước sự dẻo mồm khấn nhiều thành quen của Th.

Tôi phì cười rồi giả đò đau bụng, tụt cầu thang xuống nhà dưới. Cô đồng bực quá, có cớ quát: "Đấy, thấy chưa, coi thường cô, cậu quá! 5 cái hào bạc mà cũng đến kêu cậu. Cô cậu phạt cho đấy, bị hành đau bụng đấy, thấy chưa! Cậu giận không xem nữa đâu!". Mọi người vốn "sùng bái" cô đồng, qua việc "đau bụng" của tôi lại càng bái phục cái "phán đoán" của cô đồng. Chỉ riêng tôi là biết rõ "căn nguyên" cái việc "đau bụng" ấy của tôi mà thôi. 

Thế là gần hết một buổi chiều. Tôi ngồi dưới nhà dưới cố nán chờ bạn. Phải lâu lắm, dễ đến gần nửa tiếng bạn tôi mới thập thò chui ra. Vừa nhác trông thấy tôi, cô ta phảy tay: "Tao cạch không bao giờ đến xem "mụ" này nữa".

Thì ra, không chỉ xem bói mà còn mất thêm mấy trăm nghìn nữa để làm lễ gọi hồn. "Mày biết không, tao gọi hồn bà cô của bố tao. Bà khi sống không chồng nên chết thiêng lắm. Tao vẫn mơ gặp bà ấy luôn. Bà tên là Thẻo… Mụ đồng trùm cái khăn đỏ lên đầu, lắc lư độ một phút rồi nói: Hồn là Tèo đây, hồn là em gái của bố mày đây…

Thật là nói "dựa" chả đúng tí nào. Hồn là Thẻo thì bảo là Tèo, là bà cô bố tao thì lại nói là em gái… Rõ thật là ấm ớ… Ấy thế mà trong khi làm lễ, "mụ" lại còn luôn mồm giục: "Mày mua cho hồn lon côca uống, hồn khát lắm…". Khi tao thẳng cánh bảo hồn nói sai, thì mụ đồng nói xấc xược: Tại mày ki bo, để phải nhắc mới mua nước ngọt cho hồn uống, nên hồn đùa trêu mày đấy. Nghe thật ghét". 

Nghe bạn kêu ca, tôi chỉ mỉm cười, lại còn mừng cho mình may mà mới chỉ "thăm dò" mất có 150 nghìn. Trong đầu tôi thoáng chốc hiện lên một phép tính: Mới chỉ sơ sơ mấy trường hợp tôi được chứng kiến, số tiền đã là bao nhiêu rồi, vậy mà tất cả số người chen chúc ngồi chầu chực với vẻ mặt nhẫn nại kia thì không biết thu nhập của "cô đồng" một ngày lên tới bao nhiêu triệu nhỉ?

Và, nơi mà con người lũ lượt kéo nhau tới kia, sao thật khác xa với nơi đền thờ miếu mạo, vốn dĩ gắn với những dấu tích lịch sử và chứa đựng biết bao hồn thiêng sông núi, nơi mà mỗi lần ta đặt chân tới, lại như thấy lòng mình thanh thản

Nguồn tin: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây