Thắp hương, đốt vàng mã bạn của bà hỏa

Chủ nhật - 30/01/2011 18:21
Trung tá Lê Phi Hùng, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, từ ngày Tết ông Táo (23 Tết) trở đi, các vụ cháy nhà dân liên tiếp xảy ra do sơ suất trong thắp hương, đốt vàng mã...

Ngày 23 Tết, nhiều gia đình sau khi thắp hương cúng tổ tiên, mải đi thả cá chép, khi quay về nhà, cả ban thờ đã cháy rụi do sự cố đổ nến, tàn hương rơi bén cháy vào các đồ dễ cháy trên bàn thờ và xung quanh. Theo tập tục của người Việt Nam, ngày Tết, bàn thờ nhà nào hầu như cũng dày đặc các đồ dễ cháy như vàng mã, hương nến...

Trong điều kiện nhà cửa còn chật chội, mật độ chất dễ cháy cao thì nguy cơ cháy từ các khu vực thờ tự này luôn tiềm ẩn và rình rập. Đặc biệt ở khu vực phố cổ, người dân thường đốt vàng mã ngay trên vỉa hè, dưới đường dây điện, xung quanh là hàng hóa, xe cộ. Một số gia đình chọn cách hóa vàng mã trên tầng thượng, tưởng như an toàn nhưng lại hết sức nguy hiểm khi tàn lửa theo gió bay ra xung quanh, gặp vật dễ cháy sẽ gây ra tai họa khó lường...

Đặc biệt trong thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ cháy chùa cũng do thắp hương, nến, chập điện gây ra. Dịp Tết Canh Dần 2010, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy tại chùa Hoa Quan Tứ (thôn Cầu Thôn, xã Hoàng Mô, huyện Quốc Oai) và chùa Liên Đàn (xã Yên Thường, Gia Lâm), nguyên nhân do thắp hương nến và chập điện tại khu vực thờ cúng.

Trung tá Lê Phi Hùng phân tích, ngày Tết, các chùa thường thắp hương, nến, đèn điện suốt cả đêm, trong khi đồ thờ cúng dễ cháy bày biện nhiều hơn ngày thường. Hơn nữa, các sự cố cháy thường xảy ra vào ban đêm,  cách xa nơi ở của nhà sư nên khi phát hiện ra thường là cháy lớn.

Để tránh xảy ra những sự cố cháy như trên, người dân và các chùa chiền cần đặc biệt lưu ý việc thắp hương, hóa vàng trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phải cử người trông nom trong thời gian diễn ra các hoạt động cúng lễ.

Cảnh báo sự cố cháy các thiết bị sưởi ấm

Trung tá Ngô Thanh Lâm, Đội Cảnh sát PCCC Ba Đình cho biết, trong đợt rét đậm kéo dài vừa qua, cũng đã xảy ra nhiều sự cố cháy do bất cẩn của người dân khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Gần nhất, chiều 13/1/2011, tại số nhà 1081 Đê La Thành đã xảy ra cháy lớn từ sơ suất trong sử dụng lò sưởi điện.

Khi tắm cho cháu nhỏ, người giúp việc đã sơ suất vắt quần ướt lên lò sưởi gây chập điện, bén cháy xuống sàn gỗ. Hậu quả 2 tầng nhà đã bị lửa thiêu rụi. Lực lượng chữa cháy đã rất vất vả để khống chế ngọn lửa, không để cháy lan sang các hộ kinh doanh đồ gỗ liền kề. Chiều 18/1, tại phòng 416 nhà E tập thể Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cũng xảy cháy do chập điện đệm sưởi điện.

Từ những vụ cháy thiết bị điện trong mùa đông này, Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất thiết bị sưởi điện, thường xuyên kiểm tra ổ cắm, giắc nối vì nếu phần tiếp giáp bị xê dịch hoặc lỏng lẻo dễ gây ra hiện tượng phóng điện làm ổ cắm bị nung nóng cục bộ gây hiện tượng chập cháy.

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây