Ngày 17.1.2011, hàng trăm hộ dân ở thôn Yến Vĩ, xã
Hương Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội) đã bốc thăm xác định vị trí mặt bằng để dựng lều
quán trong khu vực từ bến Thiên Trù lên chùa Thiên Trù và đường lên động Hương
Tích. Cuộc bốc thăm diễn ra nảy lửa, căng thẳng vì ai cũng muốn được vị trí “đẹp”
để thu hút đông khách, thu lợi nhuận cao trong mùa lễ hội chùa Hương xuân Tân
Mão.
Gay cấn đấu giá thuê mặt bằng
Chị Nguyễn Thị Oanh - một người dân ở thôn Yến Vĩ cho
biết, cuộc chạy đua giành mặt bằng kinh doanh trong khu vực chùa Hương giữa những
người dân Hương Sơn đã diễn ra suốt 2 tháng nay, qua nhiều vòng đấu giá thuê mặt
bằng.
Chị Oanh đăng ký vào nhóm kinh doanh giường nghỉ. Mỗi suất mặt bằng để
kinh doanh chỗ nghỉ ngơi cho du khách có mặt tiền 5m, chạy sâu vào 25m, ban đầu
Ban quản lý (BQL) đưa ra giá sàn 80 triệu đồng/suất/mùa hội.
Thế nhưng trải qua
đấu giá, giá thuê chính thức của mỗi suất mặt bằng đã lên 200 triệu đồng. Vì số
lượng người đăng ký cao gấp nhiều lần số suất mặt bằng kinh doanh, nên chỉ những
hộ nào bỏ giá cao thì mới được thuê.
Điều đáng nói là rất nhiều người không có nhu cầu kinh
doanh dịch vụ nhưng vẫn đăng ký đấu thầu mặt bằng. Họ bỏ thầu với giá cao để rồi
sau khi trúng thầu sẽ nhượng lại với giá cao hơn nữa cho những người thực sự cần
kinh doanh nhưng lại thua thầu, để hưởng chênh lệnh.
Chỉ cần “sang tay” như vậy
nhiều người cũng thu lãi từ 40 triệu đến cả trăm triệu đồng. Những suất mặt bằng
để kinh doanh hàng phở năm nay giá thuê bị đội lên đến 300 triệu đồng/suất.
Án ngữ giữa dãy kinh doanh chỗ nghỉ với mặt đường lên
chùa là dãy ki-ốt để bán đồ lưu niệm, mỗi ki-ốt chỉ vỏn vẹn có 6m2 cũng bị chia
ra làm 2 suất, giá thuê lên tới 50 triệu đồng/suất/mùa lễ hội.
“Thương du khách thì cầm chắc thua lỗ”
Chúng tôi tìm vào chùa Hương từ chiều hôm trước của
ngày bốc thăm, đến bến Trò, không gian im ắng như một vùng núi hoang sơ ít người
đặt chân tới. Thung Mang rộng lớn từ bến Trò lên chùa Thiên Trù rộng rãi và trống
trải lạ thường, chỉ thấy trên là cây rừng, dưới là cỏ mọc lút bàn chân, tịnh
không thấy hàng quán sầm uất như khi mùa lễ hội tấp nập
Nhưng đến chiều 17.1 thì đã thấy rất nhiều gia đình vận
chuyển, bốc dỡ những cây tre luồng, tập kết nguyên liệu và hối hả dựng lều
quán. Chỉ vào một vị trí khá đắc địa bên đường cách cổng chùa Thiên Trù khoảng 100m,
chị Oanh cho biết, mùa hội năm trước, suất mặt bằng như thế này giá sàn ban đầu
BTC đưa ra là 60 triệu đồng, sau đó giá thuê chính thức được đôn lên 180 triệu
đồng.
Với 125m2, chị dùng các tấm phản kê thành 20 giường ngủ cho khách nghỉ trọ
với giá 70 ngàn - 100 ngàn đồng/chiếu/đêm. Cả mùa lễ hội năm Canh Dần, sau khi
trừ tiền thuê mặt bằng, chỉ còn lại hơn 40 triệu đồng. Cả gia đình chị có 4 người
phục vụ tại đây, tính ra mỗi lao động chỉ đạt thu nhập 10 triệu đồng trong suốt
cả mùa lễ hội.
Chị Oanh bày tỏ: “Chúng tôi không muốn bị mang cái tiếng chặt
chém, nhưng nếu không bán đắt thì lấy tiền đâu ra nộp đủ cho BTC? Kinh doanh ở
đây, nếu “thương” du khách thì cầm chắc thua lỗ”.
Anh Thanh đang tất bật đóng cọc dựng quán để kinh
doanh ăn uống ở Thung Mang cho biết, nếu như mỗi lán kinh doanh chỗ nghỉ chỉ cần
4 lao động, hàng củ mài cần 6-7 lao động thì bán đồ ăn uống cần đến 10-20 nhân lực.
Không chỉ chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhân công mà mọi chi phí khác đều cao.
Giá điện ở đây phải trả 2.500 đồng/kWh. Cửa hàng của anh phải sử dụng nhiều quạt
để phục vụ khách, điện để đun bếp nấu ăn, điện chạy tủ lạnh bảo quản thức ăn…
vì vậy mỗi tháng hết 3-4 triệu đồng tiền điện. Giá nước ở đây cũng rất đắt,
kinh doanh ở khu vực Thung Mang phải trả 50 ngàn đồng/m3.
Anh Vân cũng người thôn Yến Vĩ nói: “Tôi bán hàng phở ở
gần cửa động Hương Tích, phải trả 400 ngàn đồng/m3 nước. Giá nước ở trên đó đắt
gấp 8 lần dưới này, BTC giải thích rằng họ phải bơm nước lên chỗ cao như vậy tốn
rất nhiều điện”.
Chúng tôi hỏi: giá nước đắt như vậy, liệu những người
bán phở như anh có vì tiết kiệm nước mà rửa bát đĩa, đồ dùng đựng đồ ăn chỉ qua
loa, dễ dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm? Anh Vân chỉ cười trừ.
Du khách hành hương lại "nhẹ ví"
Trên đò trở ra Bến Yến, chị Lợi lái đò chia sẻ: mỗi vé đò cả 2 lượt vào ra giá 25 ngàn đồng, nhưng BTC “chiết” lại 10 ngàn, chúng tôi chỉ được 15 ngàn đồng, mà phải đến hết lễ hội họ mới thanh toán cho. Thuyền của tôi nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được 4 người, chèo đò suốt 2 tiếng cả vào và ra, đấy là chưa kể thời gian chờ đợi, công xá cứ theo đúng giá vé chỉ có 60 ngàn. Bởi vậy, việc chúng tôi xin thêm tiền du khách là đương nhiên. Nếu khách nào không có vé đò, trả chúng tôi số tiền bằng tiền mua vé là tôi chở ngay, vì vừa được cầm “tiền tươi thóc thật”, mà lại cao gần gấp đôi số tiền nếu cầm vé đến nộp cho BTC.
Nhẩm tính, mỗi mùa lễ hội chùa Hương bán được 1,4 triệu vé thắng cảnh, riêng tiền
thu vé thắng cảnh đã lên tới 35 tỉ đồng. Với hơn một nghìn lều quán dịch vụ thì
tiền thu phí cho thuê mặt bằng lên tới hàng trăm tỉ đồng, đấy là chưa kể nhiều
khoản thu khác. Đây quả là nguồn thu lớn cho BTC, chính quyền địa phương và Nhà
nước. Nhưng điều đó cũng có nghĩa du khách hành hương lại "nhẹ ví"
vào mỗi kỳ lễ hội.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự