Cưới không lọt do thầy bói

Thứ tư - 12/01/2011 10:33
Gọi điện thoại cho chủ nhà thì máy ò í e, gõ cửa hàng xóm, hỏi ra mới biết, chẳng có đám cưới nào diễn ra cả, vì không có sự tham gia của nhà chú rể, do thầy bói phán "không hợp tuổi".

Bạn bè, người thân, họ hàng tất tả son phấn, quần quần áo áo hí hửng tìm đến nhà cô dâu mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Nhưng tới đúng địa chỉ được ghi trong thiếp mời, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt ngơ ngác nhìn nhau, bởi đám cưới gì mà chẳng có tiếng nhạc sập xình, không người đón tiếp, cửa nhà đóng im ỉm.

Gọi điện thoại cho chủ nhà thì máy ò í e, gõ cửa hàng xóm, hỏi ra mới biết, chẳng có đám cưới nào diễn ra cả, vì không có sự tham gia của nhà chú rể, do thầy bói phán "không hợp tuổi".

Đầu xuôi… 

20 tuổi, Phúc lúc bước vào đời với những mộng mơ của tuổi thiếu nữ. Không thuộc dạng sắc nước hương trời, chân dài, tóc mây… nhưng với nước da trắng ngần, cái cổ ba ngấn kiêu sa, cô là đích ngắm của không ít chàng trai trong ngõ phố.

Mặc cho các chàng ra sức ve vãn, tán tỉnh, có chàng còn đặt thẳng vấn đề tỏ ý lâu dài với cô gái - mà theo suy nghĩ của họ, bây giờ tìm được người con gái Hà Nội như Phúc thật "hiếm". Nhưng nghe lời bố mẹ, Phúc kiên định sẽ không vướng bận chuyện yêu đương cho đến khi cầm chắc tấm bằng đại học trong tay. Điều này ít nhiều làm bố mẹ thầm tự hào về cô con gái. 

Đến năm thứ hai đại học, Phúc kín đáo dành trọn tình cảm của mình cho Duy - một chàng trai quê ở Ninh Bình, người mà trong mắt đám bạn đại học cùng trường, chỉ là đứa quê mùa không hơn không kém, được mỗi cái ham học, hiền lành và khuôn mặt điển trai.

Gần một năm đi lại, khi Phúc đưa Duy về ra mắt, cả nhà Phúc ai cũng khinh khỉnh. Nhưng khi cả hai ra trường đi làm, sau gần 5 năm gắn bó, gia đình Phúc chấp thuận Duy vì bản tính chân thật, cầu tiến.  

Tình yêu của họ cứ thế trôi qua êm đẹp, nhưng ngặt nỗi, gia đình Duy không chấp nhận Phúc vì cô mang tuổi Dần. Đi xem bói, thầy phán, nếu Duy nhất quyết đến với Phúc, sau này chỉ còn nước… phải chết!

Một trở ngại lớn nhất và cũng ngược đời nhất, là gia đình Duy cho rằng, hai bên không môn đăng hậu đối, có lấy nhau về cũng khó sống. Bởi, gia đình Duy ở quê thì quá nghèo, thậm chí nhiều năm còn được xếp vào danh sách được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn tết. 

Phía gia đình Phúc lại một mực ủng hộ cho hai người đến với nhau. Dù gia đình Phúc cũng chỉ xếp vào hạng kinh tế khá giả ở Hà Nội, nhưng ông bà quan niệm, cái chính là yếu tố con người, còn mọi thứ chỉ là hình thức. Được sự hậu thuẫn của gia đình Phúc, Duy và Phúc càng ngày càng yêu nhau sâu đậm.    … 

… nhưng đuôi không lọt do thầy bói 

Khi cả hai đều có công ăn việc làm ổn định, đầu năm 2010, gia đình Phúc đánh tiếng Phúc và Duy nên bàn tính chuyện ăn ở trăm năm. Biết gia đình một mực phản đối, Duy đành tính kế về "ăn vạ" bố mẹ, cuối cùng bố mẹ Duy cũng phải chiều theo ý con. Như đã định, đến ngày dạm ngõ, gia đình Phúc sửa soạn cơm nước; những ông già bà cả trong gia đình cũng được mời đến chờ họ nhà trai từ quê lên để "nói chuyện người lớn".

Nhưng dù giờ lành đã đến, đợi mãi vẫn không thấy họ nhà trai lên. Không dám cả gọi điện thoại giục vì nghĩ đường xá xa xôi, chậm giờ là khó tránh khỏi, gia đình Phúc kiên nhẫn chờ đợi. Một tiếng, hai tiếng, rồi 6 tiếng cũng trôi qua, Phúc đành bấm máy gọi điện thoại cho "chồng".

Cuộc gọi thứ nhất Duy không bắt máy, cuộc gọi thứ hai, Phúc và cả gia đình bần thần khi nhận được tin báo từ gia đình Duy, chủ rể bị đau bụng phải đi cấp cứu. Thế là toàn bộ cỗ bàn gia đình nhà gái phải "tự vui" với nhau, còn Phúc tức tốc bắt xe về quê thăm "chồng". 

Về tới quê "chồng", Phúc mới tá hỏa, nhà Duy chẳng có bất cứ chuẩn bị nào cho đám dạm ngõ cả. Dù biết trước, gia đình Duy một mực phản đối Duy cưới Phúc, nhưng Phúc không ngờ rằng, gia đình Duy lại đối xử tàn nhẫn với mình và gia đình mình như vậy. Đau đớn, ê chề, Phúc vội ra bắt xe trở lại Hà Nội.

Trở về nhà, Phúc đành nói sự thật với bố mẹ. Vì sự việc này, bố mẹ Phúc không dám nhìn mặt ai. Họ hàng, ngõ phố người nói ra, kẻ nói vào. Người thì bảo "con gái mình có phải đui què mẻ sứt gì đâu mà phải như thế", người thông cảm thì an ủi "chuyện vợ chồng nó là cái duyên cái số, ai nói mạnh được", kẻ ghen ghét thì ác mồm "ngữ con gái tuổi Dần, kiếm thằng náo nó cưới cho là tốt lắm rồi"… Hàng trăm lời bàn ra, tán vào càng khiến bố mẹ Phúc tiều tụy. 

Sau hồi trấn tĩnh, Phúc gọi điện thoại hỏi thẳng người yêu, được Duy cho hay "nhà đi xem, bảo nếu anh cưới em, vài năm nữa anh sẽ bị đột tử". Nghe xong, Phúc chủ động nói lời chia tay với Duy. Gần một năm trôi qua, tưởng như mọi việc đã an bài khi Duy và Phúc đường ai nấy đi, thi thoảng chỉ là những tin nhắn hỏi thăm tình hình công việc, sức khỏe.

Nhưng rồi, chuyện tình gần 6 năm trời, không dễ quên, "tình cũ không rủ cũng đến". Sau những tin nhắn, cuộc điện thoại ấy, ngọn lửa tình yêu suốt 5 năm trời lại có dịp bùng lên. Phúc và Duy lại giấu diếm gia đình, lén lút quay lại với nhau. Đến khi gia đình Phúc biết chuyện, vốn dĩ ngầm quý mến Duy nên khi Duy và Phúc thưa chuyện, lần này nhất định sẽ đến với nhau, bố mẹ Phúc đành gật đầu ưng thuận. 

Nhưng trở ngại lớn nhất chính là gia đình Duy. Thấy con trai cứ một mực "đi vào chỗ chết" (vì thầy bói phán, Phúc tuổi Dần, nếu lấy nhau, Duy sẽ đoản thọ), gia đình Duy nhất quyết không đồng ý. Quyết tâm cưới bằng được Phúc, được sự hậu thuẫn của gia đình Phúc, đầu tháng 1-2011, một đám cưới vẫn được diễn ra. 

Đám cưới trở thành câu chuyện bị hài và là tâm điểm bàn tán của người dân ngõ phố, khi mà dù đã tới đúng địa chỉ được ghi trong thiếp mời, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt, ngơ ngác nhìn nhau, bởi đám cưới gì mà chẳng có tiếng nhạc sập xình, không người đón tiếp, cửa nhà cô dâu thì đóng im ỉm.

Gọi điện thoại cho chủ nhà thì máy đã ò í e, gõ cửa hàng xóm hỏi ra mới biết, chẳng có đám cưới nào diễn ra cả, vì cưới chui, không có sự đồng ý của nhà chú rể nên nhà cô dâu và chú rể tự cưới lấy, mà không có bất cứ sự tham gia nào từ các thành viên trong gia đình chú rể. 

Ai nấy bấm bụng mà cười, nhưng rồi cũng vui vẻ ra về. Thôi thì thông cảm cho gia đình cô dâu, phận gái nó khó thế! Đến giờ, gia đình Duy vẫn chưa hay biết việc con mình đã… cưới vợ! 

Ai sẽ bị xử tội? 

Theo Luật gia Hồ Đức Thỏa, nguyên Chánh án TAND Đống Đa, mê tín, dị đoan là niền tin mù quáng vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học, tin vào ma quỷ, thần thánh, định mệnh. Hành nghề mê tín dị đoan là một hiện tượng tiêu cực mà Nhà nước ta đã và đang thực hiện công tác bài trừ khỏi đời sống xã hội bằng nhiều biện pháp khác nhau góp phần giữ gìn trật tự, trị an xã hội và nếp sống văn minh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.

Việc lợi dụng tín ngưỡng của người dân để hành nghề mê tín dị đoan không chỉ xâm hại đến trật tự xã hội, nếp sống văn minh xã hội mà trong nhiều trường hợp còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của công dân. 

Do đó, dựa trên những quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, Chính phủ đã đưa ra biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan với mức phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (điểm a khoản 2 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin). Và một số hành vi khác như lợi dụng tín ngưỡng để quyên góp tiền của, vật chất khác cũng có mức phạt như trên. 

Đối với những hành vi trên, cá nhân tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính.

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị xử lý về mặt hình sự với hình phạt phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 247 Bộ Luật hình sự. 

Theo ông Thỏa, trong tình huống trên, xét về tình thì rõ ràng gia đình Duy là những người có lỗi. Xét trên khía cạnh pháp lý, thầy bói là người có hành vi hành nghề mê tín dị đoan, do đó, căn cứ trên mức độ lỗi và hậu quả hành vi đã gây ra, pháp luật sẽ có những biện pháp trừng trị.

Nếu hậu quả gây ra chưa đủ để cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ số tiền thu bất chính. Nếu hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý về mặt hình sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây