Đà Nẵng: Sắp khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam

Thứ sáu - 18/12/2015 10:25
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, ngày 24/12, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khánh thành tại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc nằm trong quần thể danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, di sản văn hoá Phật giáo chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong đợt đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân "bảo vật quốc gia" vào tháng 10/2012, trong số 30 bảo vật quốc gia được công nhận đã có 6 bảo vật thuộc di sản văn hoá Phật giáo.

Hiện các chùa trên địa bàn Đà Nẵng đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập đồ sộ các cổ vật trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua các đợt điền dã khảo sát cùng với Bảo tàng Đà Nẵng, các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hoá ở TƯ đánh giá sưu tập di sản văn hoá Phật giáo ở Đà Nẵng thừa khả năng xây dựng được cả một Bảo tàng Phật giáo độc đáo và hấp dẫn để khách thập phương chiêm ngưỡng.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc cũng là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 9189 /QĐ-UBND (tháng 12/2014) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Không gian trưng bày của bảo tàng liền kề với chánh điện của chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc, ngôi chùa có quy mô xây dựng hơn 7.000m2, nằm trong quần thể danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn.

200 hiện vật trưng bày tại bảo tàng được liên tục sưu tầm, bổ sung qua 3 đời trụ trì; bao gồm nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á; nhiều sưu tập, hiện vật phản ánh di sản văn hóa Phật giáo phong phú, đa dạng về phong cách thể hiện và chất liệu; nhiều sưu tập, hiện vật có niên đại tập trung trong vài thế kỷ gần đây nhưng cũng có nhiều hiện vật có niên đại khá sớm.

“Trong đó có nhiều bộ tranh tượng, pháp khí cổ rất lạ, với đủ các chất liệu, kích cỡ và có niên đại tại 100 năm đến 7 thế kỷ. Đặc biệt, có vài bộ tượng cần dày công nghiên cứu, dùng kỹ thuật công nghệ cao mới giám định được. Đó là lời của các giáo sư, tiến sĩ uy tín đầu ngành khi đến xem cũng như lúc làm hộ chiếu cho các tượng Phật cổ này. Quý giáo sư đã khuyến khích là có thể đăng ký làm Bảo vật quốc gia!” – Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc cho biết thêm.

Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trên nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc có nhiều nét hoa văn điêu khắc đặc thù khác lạ mà các tượng thờ cổ thông thường không thấy. Các dữ liệu ghi trên các bộ tranh tượng mang tính triết học huyền bí và những giai thoại kỳ diệu của họ, là những đề tài hấp dẫn cho những ai muốn nghiên cứu về cổ vật.


Tượng Phật (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)...

Đáng chú ý trong số này, theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, có bức tượng chưa từng thấy xuất hiện ở bất cứ đâu, do người dân tình cờ đào được, đem đến hiến tặng nhà chùa cách đây vài năm. Đó là tượng Bồ tát Quan Âm cưỡi long ngư (đầu rồng mình cá). Tượng cao gần 50cm, nặng khoảng 7 kg bằng chất liệu đồng đúc, niên đại khoảng cuối thế kỷ 19, thể hiện Bồ tát Quan Âm cầm ngọc Định Hải Châu (viên ngọc làm cho sóng yên biển lặng) chế ngự con rồng một sừng, mình cá đang phun sóng dữ.

Từng đưa 13 hiện vật dự triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo" tại Bảo tàng Đà Nẵng (tháng 8/2013), trong đó có nhiều cổ vật độc đáo nhưng Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết dù đã gặp tượng Bồ tát Quan Âm ngự trên rồng nhiều lần song đây là lần đầu tiên thấy tượng Bồ Tát Quan Âm ngự trên đầu rồng mình cá. 

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, không chỉ các sư thầy mà cả chuyên gia đầu ngành khi được mời giám định hiện vật để thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo cũng đều tỏ ra rất ngạc nhiên khi lần đầu bắt gặp một bức tượng lạ mắt như vậy. Nó khác hẳn với bộ tứ linh long, ly, quy phụng của nhiều nước phương Đông, và tượng trưng cho sự che chở trước sóng to gió lớn nơi biển cả.

Đặc biệt, trong năm 2015, bức tượng đã được chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc cho một thượng nghị sĩ Nhật Bản mượn đem về nước trong một tháng để đúc tượng theo nguyên mẫu đặt tại các chùa ven biển cho người dân đến cầu nguyện hóa giải, ngăn ngừa sóng thần sau thảm họa sóng thần ở xứ sở hoa anh đào năm 2011. Bởi theo thượng nghị sĩ này cho biết thì ở Nhật Bản cũng đã sưu tầm khắp nơi song không tìm được pho tượng nào ý nghĩa như Bồ tát Quan Âm cưỡi long ngư!



và tượng Bồ tát Quan Âm cưỡi long ngư sẽ được "trình làng" tại lễ khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo

Đến dịp kỷ niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử ở Nagasaki (Nhật Bản), ngài thượng nghị sĩ cùng lãnh đạo tỉnh này đã trở lại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc cùng với 3 cây long não (loài cây sống sót sau thảm họa bom nguyên tử). 3 cây này đã được trồng tại Trung tâm văn hóa Việt - Nhật hiện đang được xây dựng tại núi Kim Sơn (thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn).

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, các sưu tập, hiện vật được chọn lựa trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ngoài giá trị là các tác phẩm nghệ thuật cổ còn kết tinh những nét tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo. Mang theo trong đó là những huyền thoại, truyền thuyết đặc trưng của tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện phong phú qua các chủ đề, đề tài đã đem lại cho không gian trưng bày ánh sáng của văn hóa Phật giáo với tư tưởng khuyến thiện, hướng đến một đời sống tinh thần – tâm linh cao quý, mang đến cho khách tham quan cảm giác an bình, thịnh vượng.

“Có được bộ sưu tập hiện vật và không gian trưng bày hôm nay đối với chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc như là một phép màu khi sự phát nguyện cầu xin được tôn trí nhiều vị Phật và Bồ tát trong mười phương, ba đời để trấn bảo Sơn Môn và giữ gìn di sản văn hóa Phật giáo, cũng là di sản quý giá của dân tộc cho muôn đời sau thì nhiều cơ duyên lành hội đủ. Đã có nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, Bộ Phật Bồ Tát Mật Tông, Chàm, Quán Âm… và nhiều bộ pháp khí đặc biệt khác đã hiện hữu ở nơi này!” – Thượng tọa Thích Huệ Vinh bày tỏ.

Thượng tọa cũng cho biết, được công nhận Bảo tàng Văn hóa Phật giáo là vinh dự rất lớn đối với chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc. Nhưng để thực sự xứng đáng với danh xưng này thì cần có thêm những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử phát triển Phật giáo về nhiều mặt. Vì vậy, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo mong nhận thêm được nhiều sự quan tâm, ủng hộ cho bảo tàng ngày càng đầy đủ ý nghĩa và phong phú.

Tác giả bài viết: Hải Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây