Phật nhập Niết Bàn-Tượng của chùa Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn
Những cổ vật này vốn là báu vật dân gian và tôn giáo được nhà chùa gìn giữ và từ một số vị cao tăng ưa thích sưu tầm những cổ vật có giá trị thẩm mỹ và chứng minh được lịch sử phát triển tôn giáo trên đất miền Trung.
Những cổ vật này giúp chúng ta thấu hiểu Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hơn hai nghìn năm qua, từ một tôn giáo ngoại nhập trở thành đời sống tinh thần văn hóa khá phổ biến trong dân chúng.
Tùy thời tùy nơi, sắc thái văn hóa ấy biến đổi khác nhau và luôn luôn có xu hướng bản địa hóa cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của dân tộc. Khoan dung và bác ái là cái đức lớn nhất mà Phật giáo để lại trên mỗi chặng hành trình, chính vì thế, tôn giáo này cũng sẵn sàng chấp nhận sự pha trộn với tín ngưỡng bản địa.
Tượng Phật Bà mang phong cách văn hóa Chăm
Chúng ta sẽ thấy sự pha trộn ấy thể hiện khá rõ ở những hiện vật quý giá ở các chùa xứ Quảng. Đây là dịp rất hiếm để được xem những sắc thái phong phú trong tạo hình tượng Phật của các nghệ nhân cách đây vài thế kỷ.
Mặc dù trung thành với quan niệm mô tả 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp siêu phàm của đức Phật, các nghệ nhân đã để cho văn hóa bản địa giao thoa với những bản gốc trong quá trình tạo tác nhiều bức tượng, tạo nên sự hứng thú cho người xem và đó cũng chính là cái gốc thúc đẩy sự nghiên cứu và đam mê nơi người sưu tập cổ vật Phật giáo.
Tại triển lãm, có nhiều cổ vật rất đặc biệt. Chẳng hạn như những mộc bản kinh Phật có từ thế kỷ XV-XVI cho thấy lịch sử của nghề in khắc gỗ của cha ông đã để lại những bản mẫu sử dụng để in kinh Phật trên giấy nay còn giữ nguyên vẹn ở tổ đình Phước Lâm Hội An.
Trái tim lửa bắng đồng rập ngự bút của Minh Mạng ghi nhận lòng thành kính của người nước Nam trước Đức Phật Tổ
Mộc bản kinh Phật được làm từ thế kỷ XVI lưu giữ tại tổ đình Phước Lâm Hội An
Pho tượng Phật đồng đen thế kỷ thứ X mang đặc điểm văn hóa Chăm. Đây là bức tượng làm người xem suy nghĩ và liên tưởng rất nhiều đến tượng Phật Bà (đã được xác nhận là bảo vật quốc gia) đang lưu giữ tại Bảo tàng Chăm.
Cả hai pho tượng Phật Bà đều cùng phong cách để trần nửa phía trên, cùng loại chất liệu đồng đen. Và bức tượng đang triển lãm còn có niên đại trước pho tượng đang là bảo vật quốc gia 200 năm.
Hy vọng lần ra mắt này của pho tượng quý sẽ gợi sự chú ý của các chuyên gia nghiên cứu thêm về giá trị văn hóa, phong cách điêu khắc để làm rõ thêm sự giao thoa của Phật giáo với văn hóa Phật giáo Chăm tại miền Trung gần nghìn năm về trước.
Tượng Phật Quan Âm (gỗ hóa thạch)
Một tấm kim bài hình trái tim lửa của vua Minh Mạng ban có dập thủ bút của nhà vua, bày tỏ sự kính ngưỡng công lực vô biên của Phật pháp hóa độ chúng sanh.
Quả tim lửa này được để tại chùa Tam Thai xây dựng từ năm 1630, được vua Minh Mạng ban sắc tứ, cổ tự là quốc tự của triều đình và ban cho chiếc kim bài quý.
200 năm qua, quả tim lửa này là một báu vật trong đời sống tâm linh của người dân sống trong vùng Ngũ Hành Sơn. Các chuyên gia Bảo tàng Đà Nẵng đã có kế hoạch nghiên cứu và làm hồ sơ đề xuất công nhận chiếc kim bài này là bảo vật quốc gia.
Qua cuộc triển lãm này, công chúng còn được biết một địa chỉ đang lưu giữ nhiều cổ vật Phật giáo có tính hệ thống là chùa Phổ Đà tại đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng.
Đây là nơi tu hành của thượng tọa Thích Từ Nghiêm, ông đồng thời là một nhà sưu tầm các cổ vật Phật giáo có tiếng ở miền Trung với khoảng 200 pho tượng Phật và các đồ thờ cúng có niên đại nhiều trăm năm. Và một phần lớn số hiện vật trưng bày tại triển lãm lần này là từ bộ sưu tập của Thượng tọa Thích Từ Nghiêm.
Nguồn tin: baomoi.com
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự