Cách
chữa bệnh của “thánh cậu” là cho đệ tử giữ chặt con bệnh rồi cầm một bó hương
xông vào người. Hằng ngày có hàng trăm người đổ về đây chờ “thánh cậu” xướng
tên, xông hương.
THI RỚT TỐT NGHIỆP TRỞ THÀNH “THÁNH”
Nhờ sự chỉ dẫn của người dân, chúng
tôi không mấy khó khăn để tìm đến nhà “thánh cậu” ở xóm 3, xã Xuân Thành, huyện
Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hai bên con đường nhỏ dẫn vào “thánh địa” là những gia đình
làm dịch vụ giữ xe, bán đồ ăn thức uống, hương hoa và vàng mã... Những gia đình
này đều là họ hàng của nhà “cậu”.
Mới sáng sớm nhưng trước sân nhà “cậu” đã có cả trăm người ngồi chen chúc nhau
chờ đến lượt được “cậu” xướng tên lên chữa bệnh. Phía trước đám đông là chiếc
két sắt sơn màu đỏ đặt cạnh đỉnh hương to lớn. Trên chiếc két sắt này có một
tấm bảng xanh ghi hàng chữ “hòm công đức”.
Cạnh đó là một thanh niên gần 30
tuổi, người cao dong dỏng, mặc áo nâu dài, tay cầm gậy gỗ bước qua bước lại bên
một phụ nữ đang bị ba người đàn ông giữ chặt để xông hương vào mặt. Chốc chốc,
người thanh niên mặc áo nâu dài này dừng lại, miệng khấn lầm rầm, tay cầm gậy
gỗ vẽ ngoằn ngoèo xuống đất như vẽ bùa.
Người thanh niên này được mọi người
xưng tụng là “thánh cậu”, đang “đuổi bệnh” cho một phụ nữ bị bệnh tâm thần.
Không biết bệnh có lành hay không, nhưng sau một hồi la hét vật vã với hơi nóng
của bó hương, tóc tai chị ta rũ rượi, mồ hôi đầm đìa, đôi mắt hoảng loạn và
khuôn mặt dại hẳn đi.
“Thánh cậu” Trịnh Văn Phong đang chữa bệnh
Dường
như thấy con bệnh không còn sức chịu đựng nữa, “cậu” dừng lại, cười bảo: “Để ta
bốc thêm cho vài thang thuốc nữa về sắc uống là khỏi hẳn”. Nói xong, “cậu” tiến
lại một chiếc tủ lấy mấy thang thuốc giao cho người nhà con bệnh rồi hướng dẫn
ra chiếc két sắt để nộp “công đức” 100 ngàn đồng.
Đến lượt người đàn ông trạc 60 tuổi da vàng nhợt ngồi phía trên.
Xong “cậu” ra hiệu cho ba “đệ tử” đốt một bó hương lớn để chuẩn
bị “xua” bệnh. Cũng như con bệnh trước, sau một hồi quằn quại, la hét dưới sức
nóng của khói hương, người đàn ông được “cậu” ra hiệu thả ra. Người nhà của ông
ta đến nhận từ tay “thánh cậu” những gói thuốc rồi bước lại chiếc két sắt để
làm “công đức”...
Con bệnh sau khi được chữa và bốc thuốc xong phải bỏ tiền vào chiếc két
sắt có hàng chữ “hòm công đức” này
Đến trưa, vài chục người được “thánh cậu” chữa bệnh xong lần lượt ra về. Những người khác chưa đến lượt phải chen chúc nhau tiếp tục chờ đến buổi chiều. Để phục vụ nhu cầu ăn uống, người nhà của “thánh cậu” bán cơm cho những người chưa đến lượt.
Trong vườn nhà “thánh cậu”, một ngôi nhà ba tầng đang gấp rút được xây dựng để
chuẩn bị thay thế cho ngôi nhà cấp bốn mà “cậu” đang ở. Nhìn sang ngôi nhà
chúng tôi trầm trồ khen, bà bán phiếu cơm tự hào khoe: “Đó là điện Nhân Thiên
tự, nơi sau này “thánh cậu” tu luyện và chữa bệnh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “thánh cậu” tên thật là Trịnh Văn Phong, 26 tuổi. Học xong THPT, Phong thi tốt nghiệp không đậu nên ở nhà. Một buổi trưa, Phong ngủ dậy nói lảm nhảm những ngôn ngữ kỳ lạ rồi tự xưng là “thánh giáng trần” có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư. Được người nhà “quảng bá”, nhiều người từ các huyện trong tỉnh Hà Tĩnh đến Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội tìm về đây nhờ cậy “thánh cậu” chữa bệnh.
Những người thân, họ hàng của “thánh cậu” sống gần nhà cũng bắt đầu khá giả hơn
nhờ dịch vụ giữ xe, bán hương hoa, vàng mã và quán ăn...
Tuy nhiều lần chính quyền huyện Nghi Xuân đã xử lý và yêu cầu ngưng việc chữa
bệnh đồng bóng này nhưng “thánh cậu” vẫn không chấp hành. “Năm 2008, chúng tôi
đã đình chỉ hoạt động bốc thuốc chữa bệnh của Trịnh Văn Phong vì không có giấy
phép hành nghề. Nhưng anh ta không chấp hành”, bác sĩ Trần Văn Ất - Trưởng
phòng y tế huyện Nghi Xuân - cho biết.
GHI TÊN, ĐÓNG TIỀN LÀ LÀNH BỆNH
Rời nhà “thánh cậu”, chúng tôi sang nhà “thầy” Hải (ở thôn Hồng Lam, xã Xuân
Tiên, huyện Nghi Xuân). “Thầy” Hải được người dân đồn là có tài chữa bệnh đau
răng.
Khi chúng tôi đến, thấy một phụ nữ khoảng 50 tuổi, da ngăm đen, mặc bộ đồ hoa
màu đỏ đang hí hoáy ghi họ tên, quê quán cho ba cô gái ngồi trước mặt. Chúng
tôi hỏi thăm “thầy” Hải, người phụ nữ chất phác trả lời: “Thầy đang đi chăn bò
ngoài đồng”. Bà ta tự giới thiệu tên Khanh, vợ “thầy” Hải.
Nghe chúng tôi bảo đến chữa đau răng, bà Khanh nhanh nhảu bảo: “Không cần gặp
“thầy”. Cứ để tôi ghi họ tên, quê quán vào sổ, sau đó nạp tiền lễ 30 ngàn đồng
rồi về nhà là lành”. Bà Khanh không hỏi chúng tôi đau như thế nào, răng số mấy,
chỉ hỏi họ tên, quê quán rồi ghi nối tiếp vào những dãy tên trên cuốn sổ.
Ghi xong, bà xé một mẩu giấy ghi số điện thoại bàn đưa cho chúng tôi rồi khẳng định: “Đóng tiền lễ nữa là xong. Mai nếu không lành thì điện thoại theo số này”. Tôi hỏi: “Vậy khi gọi điện xin gặp ai?”. “Ai cũng được” - người phụ nữ trả lời.
Tôi trình bày rằng có đứa cháu ở nhà cũng bị đau răng, nếu muốn chữa thì gọi
qua điện thoại có được không? Bà Khanh lắc đầu: “Nếu muốn chữa thì bây giờ đọc
tên nó và đóng tiền lễ tại đây luôn là sẽ lành. Chứ gọi qua điện thoại như thế
thì không lành”.
Trong lúc trò chuyện với bà Khanh, chúng tôi tò mò cầm cuốn sổ mà bà vừa dùng
ghi tên con bệnh vào đó. Lật từng trang chúng tôi thấy cuốn sổ này không có đặc
điểm gì khác với những cuốn sổ ghi chép khác. Trong sổ hơn 40 trang giấy được
ghi chi chít họ tên, giới tính, quê quán của hàng trăm con bệnh. Quan sát kỹ,
có những người tận Hà Nội cũng về đây để ghi tên chữa đau răng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người đã dở khóc dở cười sau khi đến đây
chữa bệnh. Anh Lưu (trú xã Xuân An, huyện Nghi Xuân) bị sâu răng, chữa nhiều
nơi vẫn không lành. Anh Lưu nghe mọi người mách bảo nên tìm đến nhà “thầy” Hải.
Vừa đến nơi, anh thấy “thầy” Hải đang ngồi vắt vẻo trên nóc nhà lợp ngói.
Nghe
anh Lưu trình bày, thầy bảo anh vô lấy cuốn sổ trên bàn ghi họ tên, quê quán
rồi bỏ 30 ngàn đồng tiền lễ trên bàn thờ. Làm xong, anh Lưu bước ra thì nghe
“thầy” Hải phán chắc nịch: “Cứ về đi, ngày mai sẽ lành”. Nhưng một tuần mà
chiếc răng vẫn cứ đau, anh Lưu nghĩ bụng chắc do mình tự ghi “lý lịch” vào sổ
chứ không phải do “thầy” ghi nên không thiêng. Nghĩ vậy anh tiếp tục quay lại
để “thầy” Hải trực tiếp “chữa” thêm một lần nữa. Sau hai lần chữa răng tại đây,
đến nay anh Lưu vẫn đang chống chọi với chiếc răng sâu.
Khi nghe chúng tôi tìm hiểu về khả năng chữa đau răng của “thầy” Hải, chị
Nguyễn Thị An (trú thị trấn Nghi Xuân) cũng từng là một “con bệnh” của “thầy”
tức tối: “Thầy gì ông đó, lang băm thì có!”.
Trước đây, chị An được giới thiệu xuống “thầy” Hải chữa sâu răng. Chữa xong
nhiều ngày mà vẫn không lành như “thầy” hứa, chị xuống hỏi thì được "thầy"
bảo cứ đợi thời gian nữa sẽ lành. Đến lúc đau quá chịu không nổi, chị phải ra
Hà Nội hút tủy răng mới đỡ.
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan rồi tung tin rằng “thánh” nhập để chữa bệnh đồng bóng, lấy tiền. Thủ đoạn của chúng càng ngày càng tinh vi. Để tránh bị pháp luật sờ gáy, chúng dùng những động tác giống như “làm phép” rồi bốc những thang thuốc vô hại để không ảnh hưởng tới sức khoẻ “con bệnh”.
Tuy nhiên, đây là những hoạt động lừa đảo, gây mất an ninh trật tự
trên địa bàn. Đề nghị chính quyền địa phương huyện Nghi Xuân sớm dẹp bỏ hai tụ
điểm chữa bệnh trái phép nói trên để tránh gây hậu quả nghiêm trọng về sau.
Nguồn tin: CAND TPHCM
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự