Các "ông đồng, bà cốt" lên tiếng!

Thứ ba - 06/07/2010 15:42
Các "ông đồng, bà cốt" cũng "bất bình" chuyện nhiều người trong số họ lợi dụng lên đồng để trục lợi. Họ khẳng định "cần tâm mới có linh", "không có tâm đức thì kêu cho mình còn không được thì kêu cho ai?

Cuộc tọa đàm lấy ý kiến xung quanh thông tư về quản lý lễ hội diễn ra vào chiều 4/7 (do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Việt Nam tổ chức) có phần "sôi động" hơn lệ thường. Ngoài các nhà văn hóa, các nhà quản lý còn có sự xuất hiện của một "đối tượng" rất đặc biệt: Những "ông đồng, bà cốt" (hoặc "bà đồng") đến từ 3 miền đất nước.

Trước đó, dự thảo thông tư đã gây băn khoăn cho những nhà văn hóa tâm huyết vì rất nhiều điều khoản cấm không phù hợp với thực tế như cấm "lên đồng", cấm đốt vàng mã...

Ý tưởng tổ chức cuộc tọa đàm để chính cộng đồng lên tiếng về những điều khoản của dự thảo sẽ nảy sinh từ đó. Nói như GS Ngô Đức Thịnh và PGS Nguyễn Văn Huy thì chính cộng đồng sẽ quyết định thông tư có thể đi vào cuộc sống hay không, nghĩa là khi họ "tâm phục khẩu phục" thì tự khắc những vấn đề "nhức nhối" xung quanh hoạt động tổ chức lễ hội sẽ dần giảm bớt.

Mỗi đền, chùa chỉ một hòm công đức

Công nhận giá trị đạo Mẫu, nhưng những "ông đồng, bà cốt" có mặt tại buổi tọa đàm này cũng thừa nhận những điều dư luận đã phản ánh từ trước tới giờ là không sai. Từ chuyện hòm công đức tràn lan, chuyện đốt vàng mã quá nhiều, đến chuyện có những "ông đồng, bà cốt" lợi dùng niềm tin mù quáng để thu lợi cho bản thân. Chính những "ông đồng, bà cốt" cũng khẳng định, nếu những người thủ nhang, thủ đền... nhận thức và thay đổi thì sẽ nói được con nhang đệ tử, và sẽ chấn chỉnh được tình trạng lộn xộn ở các đền, phủ...

Phát biểu đầu tiên, "ông đồng" Nguyễn Văn Tiến (Hà Nội) thừa nhận: Có quá nhiều hòm công đức trong các đền, chùa, miếu, phủ... mà những người đi lễ bái lại muốn được Phật, được Thánh "chứng" nên thấy bao nhiêu hòm công đức cũng sẵn sàng bỏ vào.

"Quan trọng là niềm tin, chứ đâu phải bỏ nhiều tiền mới được chứng, có Phật hay Thánh nào bắt phải bỏ tiền đủ 10 hòm công đức mới chứng đâu?".

Theo ông Tiến, mỗi đền chùa chỉ nên có một hòm công đức ở cửa chính, cửa tam bảo, trông sẽ phong quang ngay.

 

Có quá nhiều hòm công đức trong các đền, chùa, miếu, phủ...

"Bà đồng" Thanh (Nam Định) thẳng thắn khẳng định: "Phật, Thánh không cần tiền thật", nên đề nghị thủ nhang, thủ đền nên thu dọn bớt ban thờ, có cúng tiến gì thì người đi lễ phát tâm cúng tiến cho đền phủ, chứ Phật, Thánh không cần xin 500 đồng hay 1000 đồng của bất cứ ai.

"Tôi bước chân vào đó còn thấy bị xúc phạm", bà Thanh bức xúc.

Thủ nhang, thủ đền là bố, mẹ Chủ tịch xã?

Chuyện đốt vàng mã trở thành chủ đề nóng của cuộc tọa đàm, bởi mỗi "ông đồng, bà cốt" lại đưa ra những đề xuất khác nhau để hạn chế chuyện đốt vàng mã tràn lan như hiện nay. Điểm đồng thuận nhất giữa họ là không thể cấm hoàn toàn vàng mã vì đó là nhu cầu có thật, "kể cả những nhà ngoại cảm thật sự có khả năng tiếp xúc với người âm cũng cho rằng vẫn cần dùng vàng mã".

Nhưng không "ông đồng, bà cốt" nào cho chuyện đốt xe máy, đốt nhà 3, 5 tầng... là cần thiết. "Ông đồng" Phạm Văn Giao (Hải Phòng) cho rằng gần đây nhiều người mới "ra đồng", muốn oai vệ nên đã "dọa" rằng muốn cầu đảo thì phải đốt nhiều vàng mã, và rằng "những người như thế khiến thiên hạ đàm tiếu".

"Ông đồng" Nguyễn Văn Hà (Hải Phòng) cho rằng những người quản lý phải quan tâm đến nguyện vọng của người đi lễ, để có quy chế cụ thể, khác nhau cho từng nơi. Chuyện đốt vàng mã tràn lan ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) là bởi người đi lễ ở đó với tâm niệm tìm vật chất, họ nghĩ đốt nhiều vàng mã thì thu được quyền lợi vật chất nhiều, chứ không phải ở đâu cũng thế?

Ông Hà đề nghị: "Nhà quản lý hãy dành thời gian hỏi sâu những người làm công việc tâm linh ở đền, phủ để hiểu quy định truyền thống cho từng lễ, rồi hướng dẫn, thuyết phục người ta, mới dần giải quyết được".

Ông Hà cũng thừa nhận phải có quy định từ trung ương để tránh chuyện "thủ nhang, đồng đền là bố mẹ Chủ tịch xã", như vậy thì người đi lễ sẽ nghiêng tâm sang lễ người sống, vụ lợi chứ không phải đi lễ vì nhu cầu tâm linh.

Giải pháp cho những nơi có nhiều sự bắt chẹt như ở đền Bà Chúa Kho được ông Hà đưa ra là cấm luôn việc bán vàng mã vì "không bán thì sẽ không có chuyện bắt bí hay chèn ép người đi lễ".

Cấm có nghĩa là "không quản được"!

Những giá trị thật sự của đạo Mẫu nói chung và "lên đồng" - một nghi lễ của đạo Mẫu nói riêng - có dịp được những nhà văn hóa am hiểu đạo Mẫu và những "ông đồng, bà cốt" chia sẻ. Nhiều "ông đồng, bà cốt" không ngại ngần kể chuyện họ bắt đầu "ra đồng" từ khi nào, vì sao họ đã làm những việc gì suốt mấy chục năm qua (công đức, chữa bệnh, giúp công an tìm tội phạm, tìm mộ liệt sĩ, tìm thân nhân mất tích...).


Không "ông đồng, bà cốt" nào cho chuyện đốt xe máy, đốt nhà 3, 5 tầng... là cần thiết

Cô Trần Ngọc Ánh (Ninh Bình) "thật thà" kể nhà ngoại cảm hay người có khả năng đặc biệt thật ra là người ăn lộc thánh. Thánh mượn xác nhập về, thanh đồng cũng chỉ có căn với một vị thánh.

Cô Ánh cũng tiết lộ: "Những lúc Thánh không nhập vào tôi thì tôi cũng chỉ là người thường" và thiết tha đề nghị cần có hành lang pháp lý để hạn chế những "con sâu làm rầu nồi canh", để những người hoạt động tâm linh có thể giúp ích cho xã hội.

Điểm khác biệt là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất, thiết tha nhất lại không phải những "ông đồng, bà cốt", mà là những người nghiên cứu, như bà Thu Hà - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người: "Bộ VH - TT - DL không bao giờ nên đặt vấn đề cấm "lên đồng". Cấm là hỏng đấy, bởi như vậy, có phải giấu diếm người ta vẫn làm".

Bà Hà còn "bật mí" việc nhiều bác sĩ, kỹ sư có trình độ đại học, thậm chí nhiều quan chức nhà nước hẳn hoi cũng có vợ "ra đồng": "Cấm tức là không quản lý được, không phát huy được", bà Hà nhận xét.

Lộc giời thì lấy phúc chứ không được lấy phần!

Các "ông đồng, bà cốt" cũng "bất bình" chuyện nhiều người lợi dụng "lên đồng" để trục lợi, nhưng họ khẳng định "cần tâm mới có linh", "không có tâm đức thì kêu cho mình còn không được thì kêu cho ai?"

Theo ông Lê Quang Ngộ (đại diện Hội Thánh mẫu Huế), có đến 70% những người hành nghề đang lợi dụng nghề của mình để kiếm lợi cho bản thân chứ không "phụng sự đạo pháp".

"Bà đồng" Phạm Thị Oanh thì phân tích chuyện mỗi "thanh đồng" chỉ được Thánh phân công một nhiệm vụ, "người gọi hồn không tìm được mộ, gọi hồn không phải nhà tiên tri, nhà tiên tri không giỏi về phong thủy", và những giây phút "lên đồng" thật ra là "giây khắc chúng ta trở về với người mẹ thiên nhiên, trở về với tổ tiên, hòa bản thể của chúng ta vào người mẹ thiên nhiên, tìm hiểu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên để sống đúng quy luật thiên nhiên".

Bà Oanh cũng đề nghị nên kêu gọi các "ông đồng, bà cốt" đừng "lạm dụng", đừng thiên về cầu cúng, bởi "nhân đâu mà đòi hái quả". Theo bà Oanh, lộc trời thì lấy phải lấy phúc, chứ không được lấy phần.

"Ông đồng" Phạm Văn Giao (Hải Phòng) còn cảnh báo, đến với Mẫu có thể cầu sức khỏe, tiền tài, bổng lộc, nhưng "Mẫu là mẫu nghi thiên hạ, là người nhân hậu, có đức, mang quyền lợi cho chúng ta, nên chúng ta phải tu để trả cái ơn cho Mẫu. Bản thân phải tu trước, đừng ăn gian nói dối, đừng làm điều thất đức". Theo ông, nếu các "ông đồng, bà cốt" không sống đúng với "ơn của Mẫu" thì sẽ chịu "quả báo".

Mỗi người một chia sẻ, một băn khoăn, nhưng tất cả đều khẳng định chính những thủ nhang, thủ đền, những "ông đồng, bà cốt" phải nhận thức cho đúng, phải gắn kết với nhau để xã hội hiểu và tôn trọng đạo Mẫu hơn.

Nguồn tin: tuanvietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây