Nhắc đến ngôi miếu thiêng bị bỏ hoang lạnh ở làng, người dân xóm Khuôn 2 (xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) đều khiếp đảm. Từ bao đời nay, họ truyền nhau một lời nguyền bất thành văn rằng, ai phạm đến ngôi miếu này đều gặp những tai ương bất thình lình. Không người dân nào ở nơi đây biết đến ngôi “miếu thần” và cây Sộp có hình dáng giống con rắn hổ mang bạnh đầu.
Đồn thổi rợn người
Tìm hiểu về lịch sử ngôi miếu này, các cụ cao niên trong làng không nhớ nổi ngôi miếu có từ đời nào. Họ chỉ biết rằng, trước đây, có một số người thờ “thần miếu” này theo tâm linh thờ cúng thần hoàng, bản thổ.
Sau khi người thờ ngôi miếu đó khuất đi đến nay không có ai đứng ra nhận trông nom hương khói, với lí do không biết đến gốc tích. Sự bí ẩn về nguồn gốc ngôi miếu là nguyên nhân dẫn đến những lời đồn thổi được truyền từ đời này qua đời khác.
Bà Tống Thị Hồng, một người dân ở xóm Khuôn 2 cho biết: “Ngôi miếu này thiêng lắm, nằm ở gần một ngôi đình làng nữa. Trong vụ sạt lở bãi thải Làng Cẩm khi sườn đất đá đổ sập xuống các nhà dân nhưng riêng ngôi miếu này và ngôi đình ở gần thì không hề bị ảnh hưởng gì. Bà còn nhớ như in hình ảnh vụ sạt lở đó, nhìn vào thì ai cũng sẽ thấy chắc chắn chỗ đất đá đó sẽ xô thẳng vào ngôi miếu và sẽ vùi lấp ngôi miếu, nhưng khi đất đá xô đến cáchkhoảng 20 m thì lại đổi hướng vào thẳng những ngôi nhà của người dân. Sau vụ việc đó những lời đồn đại kinh hoàng và nỗi sợ hãi về sự trừng phạt của “thần miếu” bị bỏ hoang càng khiếp đảm hơn”.
Cây mọc bên cạnh miếu chưa xác định được loại cây gì, lá giống cây Sộp nhưng gốc lại giống cây si nên người dân quen gọi là cây Sộp
“Một điều bí ẩn hơn nữa là cây rủ bóng che phiến đá cạnh miếu là cây gì. Lá của cây này giống lá Sộp nhưng gốc và thân cây lại giống hình dáng của cây si hoặc cây đa. Nhưng người dân quen gọi là cây Sộp và tin rằng, cây đó là hiện thân của 2 vị thần nhưng luôn gắn bó khăng khít với nhau”, bà Hồng suy tư nói.
Người dân râm ran rằng, vì không biết gốc tích của ngôi miếu là thờ ai nên không ai dám thờ cúng cả mới bị bỏ hoang như vậy. Nhiều người còn tự nghĩ nếu ai đó tự thờ cúng thì sẽ bị cho là phạm vào tổ tiên của nhà mình. Bởi lẽ ngôi miếu đó có thể là thờ ông tổ hoặc một vị tổ của dòng họ nào đó nếu bây giờ mình thờ cúng mà không phải là tổ tiên nhà mình thì sẽ bị các vị tổ tiên oán trách vì con cháu không biết đến nguồn gốc sinh thành.
Những cái chết bí ẩn
Chuyện đồn thổi về sự linh thiêng của ngôi miếu có lẽ sẽ chỉ nằm ở những lời truyền miệng, nếu thời gian gần đây không xảy ra những vụ chết trẻ bí ẩn. Người dân kinh hãi cho rằng đó là sự báo oán của ngôi miếu khi có người đã phạm phải lời nguyền.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Trưởng xóm Khuôn 2 (Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết: “Ở xóm Khuôn 2 có rất nhiều người chết bất đắc kì tử khi tuổi đời còn trẻ, khoảng từ 28 đến 35 tuổi với nhiều lí do khác nhau. Trong đó, có những cái chết vô cùng kì bí, lí do thì không ai có thể hiểu được. Những người đàn ông trụ cột của gia đình sau khi chết đi để lại những người phụ nữ bất hạnh lăn lội thân cò nuôi con cái. Tính đến nay, chỉ xóm Khuôn hai đã có 13 người phụ nữ góa chồng. Chưa tính đến những trường hợp chị em phụ nữ góa chồng nhưng ở giáp danh với xóm Khuôn 2”.
Ông Trương Văn Vinh kể lại những cái chết bí ẩn
Nhắc đến một cái chết bí ẩn của anh T. (xóm Khuôn 2), ông Trương Văn Vinh nhớ lại: “Hôm đó, anh T. đi xe máy chở vợ và một con nhỏ đi trên đoạn đường làng. Đến cổng nhà anh Chiến, mặc dù đã tránh hết đường nhưng anh T. đã bị xe máy của người tên Thanh tông vào khiến anh T. tử vong. May mắn vợ anh T. và con nhỏ bắn vào lề đường, thoát chết. Sau này, khi có đi xem thầy thì có những tin đồn anh T. chết do bị trừng phạt. Còn có rất nhiều trường khác chết khó hiểu lắm, đây là vụ việc mới xảy ra nhất trên địa bàn xóm tôi”.
“Cách đây 3 năm, thằng con trai cả tôi có đi nhặt than trên bãi thải Làng Cẩm. Đúng 12h thì nó đi qua cửa miếu vì đến chỗ đó hơi dốc, nó rú ga mạnh thì ngay sau đó bị ngã vật ra. Về đến nhà thì như thằng ngớ ngẩn, tinh thần hoảng loạn. Sau đó, bà nhà tôi có đi xem thầy và làm lễ giải hạn thì nó mới bình thường trở lại...
... Trước lần thằng con nhà tôi bị ngã như vậy, có một số đứa nhỏ ở trong xóm Trại đi qua đó, thấy có những bông hoa đẹp nên hái về nhưng nửa đêm ngủ thì gặp ác mộng như có người bóp cổ đến nghẹt thở. Ngày gôm sau, gia đình họ phải mang lễ đến khu miếu để tạ thì mới khỏi. Trường hợp của ông Nga người cùng xóm tôi đi và đó thấy cành si đẹp định chặt về để trồng nhưng sau đó cũng bị chết”, ông Vinh cho biết thêm.
Kể về nỗi đau xót của gia đình khi mất đi 2 người con trai và một người con rể khi tuổi đời con trẻ, bà Tống Thị Hồng sụt sùi: “Người con thứ hai của tôi tên Đoàn Ngọc Hiền (SN 1977) lấy vợ năm 2000 đến năm 2004 do bị tai nạn giao thông, bị đập đầu vào đá chết để lại đứa con nhỏ 3 tuổi cho vợ nuôi dạy. Còn cái chết của Đoàn Ngọc Hà (SN 1972) thì không ai hiểu nổi, khi cháu nó đang đứng ở cửa sổ thì bỗng nhiên nói “Mẹ ơi! Có ai gọi con đấy, con phải đi ngay” sau đấy nó chạy xuống cầu thang bị trượt chân ngã và chết. Lúc đó Hà có vợ và 2 con”.
Những cái chết trẻ khó lý giải ấy đã khiến nhiều người liên tưởng đến lời nguyền miếu thiêng. Người dân ở nơi đây khiếp sợ bởi sự linh thiêng của ngôi miếu hoang đến mức, tất cả những câu chuyện gì liên quan đến ngôi miếu người dân đều không dám nói vì sợ liên lụy đến mình. Những người nào được cho là “cứng vía” dám nói đến hay kể lại sự việc thì cũng chỉ dám đứng ở ngoài đường để nói chuyện hay kể lại. Không ai dám ngồi trong nhà mà nói chuyện chết tróc vì sợ “thần miếu” trừng phạt. Họ cho rằng, khi trong nhà có người già hay trẻ nhỏ nói chuyện đó thì sẽ linh nghiệm và lập tức thời gian sau đó là bị trừng phạt. Trong suốt cuộc trò chuyện với những người dân nơi đây, cho dù nhiệt tình kể lại những câu chuyện về ngôi miếu cũng chỉ được đứng ở ngoài cổng, đã vào nhà ngồi thì không được nhắc đến những chuyện liên quan đến ngôi miếu.
Sự thật?
Để tìm hiểu sự thật xung quanh những chuyện tưởng như hoang đường về miếu thiêng báo oán, Kiến Thức đã mục sở thị ngôi miếu này bất chấp sự can ngăn từ người dân địa phương. Ngôi miếu, nơi chứa đựng những nỗi sợ hãi cho dân làng đến nay chỉ còn lại một phiến đá bằng phẳng có chiều dài khoảng 80 cm và bề rộng khoảng 60 cm. Phía trên phiến đá là cây Sộp có hình dáng giống một con rắn hổ mang bành đang bạnh đầu to hết cỡ, mà phần đầu bạnh ra rộng nhất để che phiến đá phía bên dưới. Xung quanh là cây cối um tùm, phía trước của ngôi miếu là cánh đồng Ba Giăng.
Lý giải về những cái chết đầy bất thường trên địa bàn, ông Đoàn Ngọc Hải, Trưởng xóm Khuôn 2 cho biết: “Quả thật trong những năm gần đây trên địa bàn xóm có rất nhiều cái chết bất thường với nhiều lí do. Những người chết ở tuổi đời còn rất trẻ, họ ra đi để lại cảnh vợ con nheo nhóc, những người phự nữ mang “thân cò lặn lội” để kiếm miếng cơm manh áo nuôi các con khôn lớn. Sau những cái chết, nhiều người dân nơi đây có những lời đồn đại tạo ra những thông tin xôn xao dư luận. Mong muốn của người dân là được khôi phục ngôi miếu nhưng không ai biết được nguồn gốc để dám đứng ra nhận việc xây dựng và trông nom. Mặc dù vậy, Công ty Mỏ than Làng Cẩm có nói sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng và nếu có di dời đi địa điểm khác”.
Trưởng xóm Khuôn 2, ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng nên xây dựng lại ngôi miếu.
Ông Trần Văn Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phục Linh (Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết: “Trước những cái chết bất thường của người dân nơi đây, chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân, trong đó có những cái chết do tai nạn giao thông, cũng có trường hợp do nghiện ngập ma túy. Một số khác chết do bệnh tật nhưng việc những người chết trên địa bàn ở tuổi đời còn trẻ là đúng sự thật”.
“Trước những lời đồn thổi của người dân về những câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi miếu, chính quyền xã đã đề xuất ý kiến để tôn tạo lại ngôi miếu. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức họp bàn với chính quyền xóm để tìm ra phương án hợp lý nhất. Tôn tạo những di tích lịch sử là góp phần bảo vệ những nét văn hóa có từ xa xưa. Nhưng cái khó ở đây là hiện nay không có một người dân nào đứng lên để đảm nhận việc làm chủ nhang để trông nom khu đền khi được tôn tạo vì họ vẫn còn lo sợ trước những tin đồn”, ông Linh cho biết thêm.