Tên cúng cơm của ông là Ngô Minh Đức nhưng giới giang hồ lục lâm chỉ biết ông qua tên gọi Tư Đức Bàn Long Cước.
Đời ông có nhiều chuyện lạ.
Huyền thoại Bàn Long Cước
Vào thập niên 80 thế kỷ trước, bỗng dưng một số sư phụ của các võ đường phía Nam nổi hứng triệu tập quần hùng tổ chức nhiều chuyến du đấu khắp đất nước để tinh tuyển nhân tài. Những chuyến du đấu này đã tạo thành một làn sóng kích thích tinh thần thượng võ khắp nơi nơi. Những trận so găng giữa các võ sĩ du đấu với các võ sĩ địa phương đã thu hút hàng ngàn lượt khán giả đến xem.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, một số đoàn du đấu đã lạm dụng hình thức này để bán vé thu tiền và bắt độ cá cược thắng thua. Họ ngầm tổ chức những trận đấu "cuội" để bán độ. Giới võ thuật miền Tây Nam Bộ gọi đó là những đoàn "võ cuội".
Do đấu cuội bán độ nên những đoàn này thường bị các võ sĩ "tức khí anh hùng" thượng đài xin thách đấu. Để "trấn yểm" những trường hợp thách đấu của võ sĩ địa phương, những đoàn du đấu võ cuội thường "nuôi" một vài "gà chiến" (võ sĩ giỏi nhất, có kinh nghiệm trong thi đấu). Các võ sĩ địa phương dù giỏi đến đâu cũng chỉ là võ sĩ nghiệp dư khó lòng thắng nổi "gà chiến" chuyên nghiệp.
Năm 1987, một đoàn "võ cuội" về Bình Thủy, Cần Thơ kiếm ăn. Đoàn "võ cuội" này có võ sĩ Thiếu lâm Bắc phái Nguyễn H. H. làm "gà chiến". Thấy các võ sĩ của đoàn thượng đài đánh theo bài bản sắp đặt trước như múa biểu diễn, bôi nhọ tinh thần thượng võ, các võ sĩ địa phương rất tức giận lên tiếng thách đấu. Ban tổ chức đoàn hứa, sau mỗi đêm "biểu diễn" sẽ cho võ sĩ của đoàn đấu với võ sĩ địa phương nào dám thượng đài. Thế là "vô thế trận" của ban tổ chức. Dù biết đoàn tổ chức đấu võ cuội nhưng dân địa phương vẫn mua vé vào xem ùn ùn để chứng kiến võ sĩ địa phương hạ gục võ sĩ của đoàn. Thế nhưng, với kinh nghiệm nhà nghề, đêm nào võ sĩ Nguyễn H. H. cũng nhanh chóng hạ gục võ sĩ địa phương.
Theo sự sắp xếp của đoàn, sau mỗi lần chiến thắng, võ sĩ Nguyễn H. H. đều cầm mirco nói khích dân địa phương: "Kính thưa các khán giả hâm mộ võ thuật. Các vị cho rằng chúng tôi đánh cuội nhưng võ sĩ giỏi nhất của quí vị đã bị chúng tôi hạ bại. Các vị khiêm tốn hay các vị không có nhân tài? Chúng tôi sẽ neo đoàn ở đây cho đến khi nào các vị cử ra được võ sĩ giỏi nhất. Đừng khiêm tốn nữa, hãy hạ gục chúng tôi!". Các võ sư địa phương tức giận dựng ngược râu nhưng đành thở dài cõng võ sĩ bị thương về võ đường.
Và đêm nào dân chúng cũng nườm nượp mua vé kéo nhau vào khán đài xem đấu võ cuội để chờ đợi Nguyễn H. H. bị võ sĩ địa phương hạ gục. Thế nhưng sau 2 tuần, người ta chỉ chứng kiến lần lượt 15 võ sĩ địa phương tung khăn trắng đầu hàng. Không ai chú ý đến một gã thanh niên dáng gầy, da xanh vì thiếu ăn đứng lặng lẽ một góc sân suốt 2 tuần lễ, thờ ơ quan sát những trận đấu trên võ đài.
Đêm thứ 16, sau khi hạ gục thêm một võ sĩ địa phương, võ sĩ H. nói vào micro: "Người ta nói địa linh sinh nhân kiệt. Đất Bình Thủy này hết linh nên thời nay không còn nhân kiệt nữa. Ở đây, ai thắng tôi, tiền thưởng sẽ là 100.000 đồng. Ngày mai, đoàn chúng tôi rời đi và sẵn sàng trở lại nếu quý vị tìm ra được nhân tài võ học".
Đến lúc đó người ta mới thấy gã thanh niên gầy còm, xanh xao nọ trèo lên võ đài bò chui dưới dây đài, xin mượn micro, nói: "Tôi cư ngụ tại Bình Thủy, xin được thách đấu võ sĩ Nguyễn H. H. vào đêm mai".
Người ta nhận ra cái gã dám thách đấu võ sĩ H. là thằng bốc xếp bến tàu xe. Những võ sĩ khác thường lên võ đài bằng cách thi triển kỹ thuật nhảy qua dây đài cho đẹp mắt. Nhìn cái bộ dạng trèo lên võ đài của gã bốc xếp, ai cũng cười cho rằng, anh ta nghe tiền thưởng quá lớn nên muốn chịu đấm ăn xôi chứ chẳng có tí võ nghệ nào.
Có người thách đấu, đoàn có cớ ở lại. Đêm hôm sau, dân địa phương ùn ùn đến xem gã thanh niên bị hạ gục như thế nào. Kẻng vào trận vang lên, võ sĩ H. xem thường gã bốc xếp, không chú tâm phòng thủ mà chỉ ra bộ mã cho đẹp. Tận dụng thời cơ, gã thanh niên phóng một cú đá bàn long cước trúng hàm đối thủ. Nguyễn H. H. đổ gục xuống sàn đấu rồi… ngủ luôn. Khán giả còn đang bàng hoàng, người võ sĩ địa phương lẳng lặng rời võ đài.
Một số võ sĩ trong đoàn chạy theo hỏi danh tính, gã thanh niên bình thản trả lời: "Tôi là Tư Đức, đệ tử Triệu Tử Long Gò Công". Đến lúc đó, đám thầy trò đoàn du đấu mới nhận ra đó chính là người làm dậy sóng võ đài Chợ Lớn năm 1972: Tư Đức - Bàn Long Cước.
Một góc vườn ngải tại Bình Thủy của Tư Đức.
Năm 1972, trong một đại hội võ thuật tại Chợ Lớn, võ sư Phạm Văn Chí - Triệu Tử Long Gò Công đã đưa một võ sĩ trẻ tên Tư Đức tham dự. Trong trận chung kết hạng ruồi, Tư Đức đã hạ nốc ao một võ sĩ đương kim vô địch miền Nam thuộc một phái võ cổ truyền miền Trung bằng cú đá bàn long cước. Các ký giả thể thao đã đặt danh hiệu cho Tư Đức là Bàn Long Cước. Tuy nhiên, sau trận đấu ấy, không ai còn thấy tăm hơi Tư Đức đâu nữa. Kể cả sư phụ Phạm Văn Chí.
Kết thúc trận đấu thành danh Bàn Long Cước, chàng thanh niên 24 tuổi ấy dạo chơi Sài Gòn. Tình cờ, anh ta gặp một nhóm người tổ chức đá gà ăn tiền tại một con hẻm. Kết thúc trận, con gà bại trận bị làm thịt. Con gà thắng bị thương cũng bị nấu cháo. Tư Đức ngộ ra rằng, mình theo nghiệp đấu võ cũng giống như kiếp gà chọi. Thế là anh lẳng lặng rời bỏ sư phụ, đồng môn đi làm thuê kiếm sống.
Có sức khỏe tốt, Tư Đức về Bến Bình Đông làm phu khuân vác. Đến năm 1975, Tư Đức rời Sài Gòn về quê nhà thuộc phường Long Hòa, Bình Thủy, Cần Thơ cất chòi lá, đắp tượng Phật tu tại gia và bốc thuốc Nam đổi gạo.
Giang hồ quy ẩn và vườn ngải bí mật
Cha của Tư Đức là một tài xế của hãng xe đò Hồng Thuận chạy tuyến Mỹ Tho - Sài Gòn. Trước năm 1975, Hồng Thuận là một hãng xe đò nổi tiếng. Với 18 chiếc xe đò, Hồng Thuận trở thành sở hụi của rất nhiều quan chức chính quyền, cảnh sát và lưu manh côn đồ. Với chính quyền và cảnh sát thì Hồng Thuận đóng hụi chết cố định. Nhưng đám lưu manh côn đồ thì nhiều không xuể. Để đối phó với đám lưu manh, côn đồ, chủ hãng chỉ tuyển những tài xế có máu mặt.
Một lần nọ cha cho Tư Đức theo xe chơi. Chuyến đó, cha của Tư Đức được chủ hãng ra lệnh phải chạy đua giành khách với một chiếc xe của hãng khác. Giành khánh không lại, đám lơ xe kia nổi nóng chặn đầu xe cha của Tư Đức gây sự. Hai bên giáp chiến bằng tuýp sắt. Cha của Tư Đức bị đánh gãy hàng răng cửa nhưng chủ hãng không hề cho tiền thuốc.
Trong trí óc non nớt của mình, Tư Đức chỉ nghĩ giản đơn rằng, muốn tồn tại trong cái xã hội "đa kim ngân phá luật lệ" này, phải tự trang bị cho mình khả năng… đánh lộn.
Nghe đồn võ đường Triệu Tử Long Gò Công rất nổi tiếng trong giới giang hồ lục lâm, Tư Đức mò về tận Gò Công xin học.
Thời điểm này, võ đường đã bế môn không dạy cho người ngoài mà chỉ dạy cho người nhà. Tư Đức xin được làm việc vặt không lương vẫn bị sư phụ từ chối, Tư Đức ở lỳ. Anh con cả của võ sư Triệu Tử Long thấy tội nghiệp nên xin cha cho Tư Đức vào nhà.
Tuy nhiên, chỉ học được 2 năm, sau trận đấu nảy lửa ở Đại hội Võ thuật quốc gia tại Chợ Lớn năm 1972, Tư Đức rời võ đường bán sức người sống kiếp phiêu bạt.
Trong những ngày bốc thuốc Nam đổi gạo, nhớ lại một lần bốc xếp hàng hóa năm 1989 ông bị trẹo sống lưng được một đồng nghiệp theo phái võ bùa Trà Kha đưa đến gặp sư phụ là một vị sư cả chùa Kh'mer nhờ chữa trị. Vị sư người Kh'mer dùng củ ngải đã ếm bùa đắp lên chỗ đau. Như có phép thần, sáng hôm sau, Tư Đức không còn thấy đau nữa. Có vốn kiến thức thuốc Nam, Tư Đức tin rằng, mình hết đau là do tính dược của ngải. Tư Đức xin theo vị sư cả học bùa chú nhưng kỳ thật là truy tìm các bài thuốc ngải.
Dù được truyền thụ hết những bí quyết từ vị sư cả nhưng tỳ kheo Tư Đức chưa hài lòng, tiếp tục lần mò sang núi Tà Lơn tiếp tục tầm sư học "pháp".
Và khi đã đạt được sự tinh thông, Tư Đức nhận ra đỉnh cao của huyền thuật chỉ là hư không. Cái duy nhất còn lại trong mớ kiến thức huyền thuật khả dĩ còn tồn tại là những củ ngải có tính dược cao.
Đối với giới huyền thuật, ngải không chỉ là một loại củ mà là một vị linh thần. Để nuôi một củ ngải, pháp sư phải đốt nhang, đọc chú khấn nguyện mỗi ngày gọi là "luyện ngải". Sau một thời gian luyện, ngải sẽ có linh hồn, biết suy nghĩ, biết yêu, ghét như người và có khả năng điều khiển vong hồn người. Nếu loại bỏ những điều tâm linh đó thì ngải chỉ là một loại củ tính dược mạnh có khả năng cứu cấp thời một số trường hợp mà y học chưa có dịp nghiên cứu như giải độc nọc rắn, giải độc gan cấp tính, chữa đau bụng, gãy xương, trật khớp…
Trong những ngày tầm sư học pháp thuật, tỳ kheo Tư Đức đã sưu tầm được 12 loại ngải gần như tuyệt chủng nhưng có dược tính cao sống hoang dã trên núi Tà Lơn. E ngại ngải kị thổ nhưỡng khi thay đổi môi trường sống, ông chọn một vùng đất rừng hoang vu ít người lui tới để ươm giống. Để tránh sự tận diệt của những người săn ngải, ông đã giữ bí mật khu vườn này hơn 10 năm nay. Hiện giờ, ông đã "di lý" dần được một số ngải về vườn nhà. Ông không cho mình là thầy thuốc đông y cũng không phải pháp sư. Ông chỉ muốn bảo tồn giống thuốc quý cho việc cứu chữa người cấp thời.
Ông cho biết, việc cứu thương trật đả bằng củ ngải không có chuyện mê tín dị đoan. Nếu có, đó chỉ là thủ thuật để người bị nạn an lòng. Đó cũng là một liệu pháp tâm lý giúp người bị nạn mau chóng lành thương.
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự