Tuy nhiên, có người nói rằng, chiếc dương cầm đặt tại ngôi trường được xây dựng bằng số tiền hồi môn; tiền bạn bè, thân hữu đi phúng điếu đám tang cô gái xấu số, đêm khuya thanh vắng thỉnh thoảng lại ngân lên những tiếng đàn như oán, như than. Sự thật, có phải hồn ma của cô gái hiện về đánh đàn như lời đồn đại hay không?...
Giải mã giấc chiêm bao kỳ dị
Kể lại câu chuyện về giấc chiêm bao kỳ lạ của mình, nét mặt anh Nguyễn Tấn Tùng hiện rõ sự hoài nghi. "Ngay sau đó, tôi đổi chỗ ngủ. Không ngủ tại phòng có bàn thờ của cô ấy thì không thấy gì nữa. Tôi không còn cái cảm giác bức bối khó chịu nên ngủ rất ngon" - Anh Tùng nhỏ nhẹ, nhìn quanh, như thể sợ "cô ấy" nghe thấy.
Thầy Hiệu trưởng Trần Công Trường ngồi bên cạnh tiếp lời, úp mở: "Cũng lạ lắm! Trước đây, cứ đến mùa gặt là người dân địa phương sống cạnh trường thường mang lúa vào đem lên sân thượng phơi nhờ. Nhưng về sau nghe họ đồn đại là ở tầng hai, nơi có bàn thờ cô ấy, họ đã gặp điều gì đó... Vì thế mà chẳng còn ai dám tới trường phơi lúa nữa".
Tôi gặng hỏi, những người đến phơi lúa có nói họ nhìn thấy điều gì không thì ông Trường cứ ậm ừ. Lát sau, thấy tôi tò mò hỏi hoài nên anh Tùng mới đánh tiếng: "Nghe nói họ đã nhìn thấy ma..." (?!). Ngừng một lát, rồi anh Tùng nói tiếp: "Đó là họ đồn đại vậy thôi chứ tôi đêm nào cũng ở lại trường một mình có thấy ma quỷ gì đâu. Chỉ có chiêm bao một lần vậy thôi...".
Anh Tùng hiện đang là kế toán Trường tiểu học Junko - ngôi trường mang tên cô gái Nhật, được xây dựng trên đất Nhị Dinh, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. "Làm kế toán sao anh phải ngủ lại trường?". Khi nghe câu hỏi của tôi, anh Tùng cười gượng: "Tôi trực thế cho bà xã. Vợ tôi là bảo vệ trường này".
Thì ra là vậy. Sau khi chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận là bảo vệ của trường nghỉ hưu về sống ở khối 5, thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) thì chị Phan Thị Oanh vào thế chân. Thương vợ, lại lo con cái ở nhà không có mẹ chăm lo miếng ăn, giấc ngủ nên anh Tùng để chị Oanh trực ban ngày. Còn ban đêm anh trực thay...
Anh Tùng kể rằng, đêm đầu tiên trực thay vợ (chị Oanh), ngủ lại trường, anh chọn căn phòng trên tầng hai, nơi có bàn thờ Junko, kê cái giường xếp trước bàn thờ mà nằm. Đêm đó, anh thấy người bức bối, khó chịu vô cùng. Đến khi lơ mơ chợp mắt thì có giấc chiêm bao kỳ dị. "Lúc đó, nhìn ra ngoài hành lang thì bỗng thấy bóng một cô gái mặc kimono màu đỏ có thêu hoa đi qua cửa phòng rồi dừng lại. Vì cô gái đã đi qua nên tôi chỉ nhìn thấy từ phía sau, nhưng với bộ đồ kimono, tóc búi cao thì xác định đây là cô gái Nhật. Bất giác tôi liên tưởng đến Junko và giật mình tỉnh dậy...".
Anh Tùng nói tiếp rằng, lúc thức giấc, anh vội vàng không kịp mang dép, vọt nhanh ra ngoài hành lang. Nhưng, không thấy ai cả. Anh lấy đèn pin đi rọi quanh trường cũng chẳng thấy gì. Đêm khuya thanh vắng, chỉ có tiếng dế nỉ non.
Vốn không tin có ma, song khi đó anh vẫn thầm nghĩ, có phải do mình ngủ ở căn phòng có bàn thờ Junko nên cô ấy không muốn, mới báo mộng (?!). Nghĩ vậy, anh thắp một nén nhang lên bàn thờ Junko, rồi thu dọn mền, mùng, vác cái giường xếp sang phòng bên cạnh để ngủ. Nằm được một lát thì anh ngủ đi lúc nào không hay biết...
Từ đó trở đi, anh không ngủ ở phòng có bàn thờ Junko nữa, mà chọn luôn căn phòng bên cạnh để trực ca đêm. Anh không còn mơ thấy giấc mơ kỳ dị như vậy nữa. Cũng không hề thấy ma như một số người dân đi phơi nhờ lúa trên sân thượng của trường đồn đại...
Theo đề nghị của tôi, thầy Hiệu trưởng Trần Công Trường và anh Tùng đưa tôi đến căn phòng trên tầng hai, nơi có bàn thờ Junko. Nhìn bức di ảnh của Junko xinh đẹp, hiền hậu trong bộ kimono, tôi đã hiểu được phần nào về giấc chiêm bao kỳ dị của anh Tùng...
Theo một số tài liệu về kimono - quốc phục của Nhật Bản, biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật mặc kinomo tối thiểu 4 lần trong đời, vào các ngày lễ 753, trưởng thành, cầu hôn và lễ tang. Khi những chàng trai, cô gái tròn tuổi 20, cũng là tới lễ trưởng thành; họ mặc những bộ kimono đẹp nhất mang theo những lời chúc phúc của người thân và bạn bè. Và với bộ kimono, họ như cảm nhận được sự rạo rực của tuổi thanh xuân đang căng tràn sức sống của chính bản thân mình. Junko đã làm lễ trưởng thành tròn 20 tuổi và đã chụp tấm ảnh với bộ kimono đẹp nhất. Tóc búi cao, gương mặt thánh thiện như một thiên thần...
Người phương Đông có câu: Hồng nhan bạc mệnh. Vào tuổi 20 với nhiều khát vọng cao cả thì Junko bất ngờ bị tai nạn giao thông trên đường phố Tokyo. Junko mất đi đã để lại tiếc thương vô hạn cho cha mẹ và người thân, bè bạn.
Rồi theo ước nguyện của Junko lúc còn sống là sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm điều gì đó đóng góp công sức cho Việt Nam, giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam, nên vợ chồng ông Kotaro (cha mẹ Junko) đã lấy số tiền họ gửi ngân hàng để dành khi Junko mới ra đời; tiền bạn bè, thân hữu đi phúng điếu tang lễ con gái, sang Việt Nam và đến thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam xây dựng một ngôi trường tiểu học.
Trường tiểu học Junko ở thôn Nhị Dinh.
Và khi ngôi trường hoàn thành, trong ngày lễ khánh thành họ còn mang từ xứ sở hoa anh đào sang tặng thầy, trò nhà trường bức di ảnh của Junko chụp khi đã làm lễ trưởng thành để kỷ niệm...
Có thể xuất phát từ sự cảm kích tấm lòng nhân hậu của cô gái vắn số nên anh Tùng đã bị ám ảnh về Junko. Và khi một mình trong đêm khuya ở lại trực trường, nằm ngủ ngay căn phòng có bàn thờ Junko thì anh có giấc mơ như thế...
Bí ẩn từ đâu có tiếng dương cầm?...
Nhớ lại ngày khánh thành Trường tiểu học Junko, thầy Hiệu trưởng Trần Công Trường nói rằng, hôm ấy xảy ra một sự kiện khá bất ngờ làm xúc động các đại biểu dự lễ và thầy, trò nhà trường. Vợ chồng ông Kotaro cùng các thành viên trong Hiệp hội Junko và nhiều giáo viên, sinh viên Trường Meiji Gakuin (Đại học Minh Trị Thiên Hoàng) đã cất công đưa di ảnh Junko từ đảo quốc mặt trời mọc xa xôi sang.
Trong niềm xúc động, thầy và trò Trường tiểu học Junko tổ chức long trọng lễ rước di ảnh người con gái xinh đẹp, nhân hậu, chẳng may mệnh bạc... Rưng rưng nước mắt, ông bà Kotaro nghẹn ngào kể về cuộc đời ngắn ngủi của cô con gái yêu. Từng lời nặng nhọc lẫn vào nước mắt của vợ chồng ông Kotaro đã làm đau buốt trái tim những người có mặt trong buổi lễ. Các thành viên Hiệp hội Junko òa khóc nức nở. Và, nhiều người cũng không cầm được nước mắt...
Bước vào đại học năm thứ 3, Junko Takahashi - sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Meiji Gakuin vừa tròn 20 tuổi. Được Giáo sư Ebashi giao nghiên cứu đề tài "Sự phát triển kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á", Junko cùng một vài người bạn thân tranh thủ kỳ nghỉ hè để đi du lịch Việt Nam.
Trong chuyến đi này, Junko cùng những người bạn của mình đã đến Đà Nẵng, Quảng Nam; tham quan Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An... Để lại ấn tượng sâu đậm trong Junko là những làng quê hiền hòa sau những lũy tre xanh yên bình, với bao nông phu hiền lành, chất phác, lam lũ ruộng đồng một nắng hai sương.
Ở đó, dù trong hoàn cảnh nghèo khó, song mọi người vẫn đón tiếp cô và bạn bè của cô với tấm lòng hiếu khách, sự chân thành, nồng nhiệt. Nhất là những em bé ngây thơ, hồn nhiên, chăm học. Nhiều em, vì nhà nghèo phải mò cua, bắt ốc, hái rau, vừa làm, vừa học, song nhất quyết không chịu rời xa con chữ; với ý chí vươn lên thành người có ích cho gia đình và xã hội. Dù bất đồng ngôn ngữ, dù quốc tịch khác nhau, nhưng với Junko và bạn bè cô, các em vẫn yêu mến như người trong gia đình. Các em tranh thủ ngày nghỉ dùng xe đạp chở họ đi thăm thú cảnh đẹp quê hương mà không chịu nhận đồng bạc thù lao nào...
Trở về Nhật Bản, Junko đem những điều mắt thấy, tai nghe ở Việt Nam, kể lại cho cha mẹ, bạn bè và thầy cô giáo Trường Meiji Gakuin để cùng chia sẻ những ấn tượng khó quên về đất nước và con người Việt Nam với niềm xúc động. Rồi Junko hứa rằng, sau khi tốt nghiệp đại học, cô sẽ làm điều gì đó để đóng góp công sức cho Việt Nam, giúp đỡ cho trẻ em nghèo ở TP Đà Nẵng và Quảng Nam...
Trong bài luận văn gửi cho Giáo sư Ebashi, Junko đã viết những dòng tâm huyết, xuất phát tự đáy lòng: "Hiện tại, tôi không thể giúp đỡ gì được cho các bạn Việt Nam về mặt kinh tế. Nhưng, tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bạn Việt Nam, cũng như tất cả mọi người của các nước đang phát triển được khỏe mạnh và hưởng một nền giáo dục toàn diện; không chỉ bằng hình thức viện trợ tài chính mà còn hỗ trợ trên tất cả các mặt. Và từ đó tôi nghĩ rằng, có thể làm cho con người và cả thế giới có được lòng rộng lượng hơn".
Nhưng, ước nguyện tốt đẹp ấy đã không thành, vì 3 tháng sau đó, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường phố Tokyo đã cướp đi sinh mạng của Junko...
Ngay sau vụ tai nạn ấy, thực hiện ước nguyện của Junko, sinh viên Trường Meiji Gakuin đã thành lập Hiệp hội Junko (JUNKO Association) nhằm quyên góp giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam. Vợ chồng ông Kotaro cũng đã đến gặp Giáo sư Ebashi đề đạt nguyện vọng sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm, bảo hiểm nhân mạng và tiền bạn bè thân hữu phúng điếu đám tang Junko, thông qua Hiệp hội Junko xây dựng ngôi trường tiểu học trên đất Nhị Dinh, Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam)...
Trường tiểu học Junko được xây dựng 2 tầng, gồm 8 phòng học và các phòng chức năng dành cho hội đồng giáo viên, nhà thi đấu thể thao, thư viện... Các thành viên Hiệp hội Junko và Quỹ Taka-Jun do Giáo sư Ebashi làm cố vấn còn vận động quyên góp kinh phí trang bị cho trường như bàn, ghế, bảng đen, đồ dùng dạy học.
Năm học 1995-1996, Trường tiểu học Junko khánh thành và khai giảng niên học đầu tiên. Đến năm 2000 thì cha mẹ Junko và Hiệp hội Junko tiếp tục quyên góp xây dựng thêm 5 phòng học nữa trên tầng lầu phòng dành cho hội đồng giáo viên...
Cây đàn dương cầm tại trường tiểu học Junko.
Thầy hiệu trưởng Trần Công Trường cho biết thêm, từ ấy đến nay, năm học nào các thành viên Hiệp hội Junko cũng sang thăm trường, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Trường tiểu học Junko và một số trường tiểu học ở TP Đà Nẵng. Trung bình mỗi năm học, Trường tiểu học Junko có từ 600-650 học sinh, Hiệp hội Junko trao tặng từ 20 đến 26 suất học bổng có giá trị giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học...
Vậy còn tiếng đàn dương cầm bỗng nhiên ngân lên trong đêm khuya thanh vắng? Các thầy cô giáo Trường Junko cho hay, sau ngày khánh thành trường, trong niên học đầu tiên, vợ chồng ông Kotaro và các thành viên Hiệp hội Junko đã không quản ngại đường sá xa xôi đưa chiếc đàn dương cầm là kỷ vật duy nhất của Junko sang trao tặng cho nhà trường. Và, khi tấm di ảnh của Junko được đưa lên thờ trên chiếc dương cầm mới có chuyện có tiếng đàn trong đêm khuya thanh vắng...
Những người biết chuyện "dị thường" đó nói với tôi rằng, họ chỉ nghe tiếng đàn ngân vài lần rồi không nghe thấy nữa; đặc biệt là khi chuyển bàn thờ Junko đi chỗ khác. Tôi xem kỹ chiếc dương cầm là kỷ vật của Junko, rồi đưa tay nhấn vào những phím đàn. Bàn phím khá nhạy đã làm ngân lên những âm thanh trầm bổng. Điều đó đã cho tôi một lời giải đáp cho câu chuyện bí ẩn này, rằng không phải "hồn ma" Junko hiện về chơi đàn mà thủ phạm chính là lũ chuột. Bàn thờ Junko để trên cây đàn, bàn phím mở nắp, đêm khuya lũ chuột bò lên ăn trái cây. Chúng bò trên những phím đàn "quá nhậy" đó nên đã làm phát ra những âm thanh...
Thầy Trần Công Trường tâm sự rằng, hiện nhà trường chưa có giáo viên chơi đàn dương cầm. Hằng năm, các thành viên Hiệp hội Junko về trao học bổng đã đánh đàn cho thầy và trò nhà trường nghe những khúc nhạc du dương, như tri ân tấm lòng Junko và những con người thiện tâm từ xứ sở hoa anh đào nghìn trùng xa cách, song cũng rất gần gũi, yêu thương...
Nguồn tin: Long Vân/cand
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự