Giáp mặt truyền nhân môn phái làm bùa trị rắn kỳ bí

Thứ hai - 30/04/2018 09:13
Gặp chúng tôi, chị Hường khẳng định, cha chồng mình là đệ tử chân truyền của phái bùa Lỗ Ban, có phương pháp làm bùa trị rắn kỳ bí tại rừng U Minh.
Chị Nguyễn Thị Hường kể chuyện về thầy rắn Bảy An.
Chị Nguyễn Thị Hường kể chuyện về thầy rắn Bảy An.

Nhiều người cũng từng kể rằng những người có loại bùa này có thể “gọi” được rắn từ trong lỗ chui ra, hay làm lễ “triệu” các loài rắn về quy tụ quanh nhà.

“Mục sở thị” “bảo bối” của cao nhân

Trong những ngày lang thang khắp miệt U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), qua tiếp xúc nhiều người trong giới trị rắn độc, chúng tôi được giới thiệu đến một người chuyên trị rắn nổi tiếng ở U Minh, đó là anh Đặng Hoàng Viên (47 tuổi, ở xã Trần Hợi). Khi chúng tôi tìm đến thì anh Viên đang đi trị rắn ở sâu trong rừng. 

Tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Hường (46 tuổi), vợ anh Viên. Chị Hường chuyên phụ chồng làm bùa, làm thuốc trị rắn nên khá am hiểu nghề gia truyền. Chị Hường cho biết, gia đình chồng chị đã nhiều đời làm bùa rắn. Trong đó, cụ Đặng Bình An (thường gọi là thầy bùa Bảy An, cha chồng chị, đã mất) tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng.

Sinh thời, ông Bảy An là thầy bùa hệ phái Lỗ Ban (phái bùa rất thịnh hành ở U Minh đầu thế kỷ 20), nắm giữ nhiều bí quyết làm bùa. Bên cạnh đó, ông An còn có những bài thuốc làm từ thảo dược quý lấy trong đại ngàn U Minh. Đó là bài thuốc “cải tử hoàn sinh” có khả năng cứu người bị rắn độc cắn chết lâm sàng sống lại, bài thuốc hộ mệnh mang trong người đi rừng khiến rắn độc phải tránh xa, hay loại thuốc bôi vào bàn tay đến hang rắn vỗ 3 cái là chúng chui ra quy phục.

Để chứng minh những điều mình nói, chị Hường vào nhà lấy ra cho chúng tôi xem một mảnh giấy hình chữ nhật bằng lòng bàn tay màu vàng ố, bên trong có vẽ những nét ngoằn nghèo bằng bút bi rất khó hiểu. Chị cho biết, đó là lá bùa hộ mệnh đã được cúng “tổ nghiệp” dành cho người đi rừng mà sinh thời thầy Bảy An đã làm. 

“Khi đeo lá bùa này vào người thì đi rừng sẽ không lo gặp rắn độc”, chị Hường khẳnh định. Trước sự nghi hoặc của chúng tôi, chị Hường cho biết bản thân không dám khẳng định loại bùa này linh nghiệm tuyệt đối. Thế nhưng chị khẳng định lúc còn sống, thầy Bảy An thường làm loại bùa này và dân chúng đến xin rất đông.

Qua những gì chúng tôi tìm hiểu thì vùng U Minh ngày xưa từng tồn tại một phái bùa rất thịnh hành là phái Lỗ Ban. Nhiều người theo học môn phái này có công năng rất cao trong việc trị rắn. 

Họ rất kín tiếng, không tiết lộ về phương pháp luyện, ngoại trừ đệ tử chân truyền. Nói về điều này, chị Hường bảo: “Sinh thời, thầy Bảy An đã lĩnh hội được các tuyệt chiêu của môn phái Lỗ Ban trong vùng. Đó là chuyện thực, hiện tại còn rất nhiều nhân chứng biết về thầy Bảy An đang sống ở U Minh này”.

Khi nhắc đến vấn đề này, cụ Hai Tây sinh cùng thời với thầy Bảy An, rất dè dặt tâm sự, ai hiểu thì cụ mới chia sẻ chứ nếu bí quyết rơi vào tay kẻ tà tâm thì hậu quả khôn lường. Chỉ chúng tôi xem hình xăm bằng mực ngoằn nghèo trên cánh tay trái đã mờ vì năm tháng, cụ bảo đó là chữ “chư vị”. 


Lá bùa rắn huyền bí thầy Bảy An dùng để trị rắn.

Theo cụ, những ai theo học môn phái này khi thành tài đều xăm chữ hiệu của môn phái. Trước đây cụ theo học môn phái Lỗ Ban từ một ông thầy cao tay ẩn dật trong đại ngàn U Minh rồi hành nghề trị rắn. Thấy chúng tôi vẫn tỏ vẻ không tin, ông cụ cười khà khà rồi đọc một loạt những câu thần chú nghe có vẻ huyền bí. Chúng tôi đề nghị cụ kể thêm về chuyện trị rắn bằng bùa Lỗ Ban thì cụ một mực lắc đầu từ chối.

Biệt tài điều khiển rắn

U Minh ngày trước có vô số rắn độc như hổ mây, mái gầm, chàm oạp, cạp nong… Không ít người đi rừng hay đi làm ruộng đã từng bỏ mạng vì rắn độc. Tuy nhiên, với thầy Bảy An thì lại là chuyện khác. Ông có loại bùa chú có thể khiển rắn theo ý muốn, dù rắn độc đến cỡ nào cũng không dám cắn ông. 

Chính vì vậy mà người dân coi thầy Bảy An như một cao nhân danh bất hư truyền chuyên thu phục độc xà mà đến nay chưa ai có thể vượt qua. 

“Tôi từng chứng kiến một lần bố chồng tôi ra đồng trị rắn. Biết trong lỗ một bờ đìa có con rắn hổ đất (loài rắn cực độc) đang trú ngụ, ông liền ghé vào đọc nhẩm một câu thần chú. Tiếp theo, ông vỗ tay ba cái vào miệng hang thì con rắn lặc lè chui ra, lơ ngơ như bị trúng thuốc. Tôi có hỏi đó là bùa gì nhưng ông nhất định không nói”, chị Hường kể. 

Nhiều người làm nghề chữa rắn cắn ở U Minh cũng cho rằng, kết hợp bùa với các loại thuốc dân gian rồi bôi vào tay thì rắn vô cùng kỵ, dù có dữ mấy cũng nằm yên để người ta bắt dễ dàng.

Có một câu chuyện về thầy rắn Bảy An mà đến nay khắp vùng U Minh hạ vẫn rỉ tai nhau. Một lần, có người không tin khả năng thu phục rắn của thầy Bảy An nên đến nhà thách thầy sai khiến rắn cắn anh ta. Có thuốc giải độc trong tay, thầy Bảy An quyết định cho anh ta một phen sáng mắt để sau này khỏi ngông cuồng.

Ngay trong buổi chiều đến nhà thầy Bảy An về, khi ngang qua cầu xã Khánh Xuân thì anh này bất ngờ bị rắn độc cắn. Anh ta sợ quá, cuống quýt quay lại lạy thầy Bảy An xin thuốc. Thầy Bảy An cứ lạnh lùng làm thinh cho đến khi chất độc bắt đầu phát tác thì mới ra tay cứu chữa. Sau đận đó, người này không dám phủ nhận khả năng trị rắn của thầy Bảy An nữa. “Chuyện bố chồng tôi có sai rắn cắn người đàn ông kiêu ngạo kia hay không thì ngoài ông ra chẳng ai biết cả. Chỉ biết là người đàn ông bị rắn cắn ngày đó nay vẫn sống khỏe ở U Minh”, chị Hường cười kể.

Là một người chuyên làm bùa rắn, nhưng sinh thời thầy Bảy An sống rất đạm bạc, không mưu cầu tư lợi. Ông đã cứu vô số trường hợp người dân bị rắn cắn “thập tử nhất sinh” bằng phương pháp huyền bí của mình nhưng không bao giờ nhận lấy ơn huệ. 

Thầy rắn Bảy An có nhiều con cái, nhưng trước khi qua đời ông chỉ truyền lại kinh nghiệm trị rắn cho hai người con là anh Đặng Hoàng Viên và anh Đặng Hoàng Phương. Hiện anh Đặng Hoàng Viên cũng là một thầy trị rắn nổi tiếng ở xã Trần Hợi. Tuy anh Viên làm được nhiều loại bùa trị rắn nhưng cũng chỉ lĩnh hội được một phần rất nhỏ tài năng và kinh nghiệm của cha mình mà thôi.    

Hàng năm, thầy Bảy An vẫn thường tổ chức ngày cúng “ra binh” và cúng “tổ nghiệp” vào ngày 3/1 và ngày 5/5 âm lịch. Trong lễ cúng phải có một con gà trống trắng, một con gà thường để dâng tổ xà. 

Chuyện cầu cúng linh ứng đến đâu không rõ nhưng chị Hường khẳng định rằng, trong suốt ngày làm lễ, rắn từ đâu kéo về chầu chực xung quanh nhà rất đông. Đến khi lễ xong, chúng lại kéo nhau đi hết. Trước khi thầy Bảy An qua đời có dặn con trai rằng, sau này làm lễ cúng thì bỏ qua công đoạn gọi rắn về, tránh việc rắn cắn người ta gây họa.

Theo Vân Linh/Gia đình và Xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây