Nằm ngay góc đường số 4 và đường số 1 (phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM), tiệm sửa giày Ngọc gây ấn tượng với bảng hiệu "Ngọc - Đoán tướng…- Chụp ảnh…- Sửa giày dép…". Tiệm nhỏ bé và cũ kỹ, nhưng ông chủ tiệm tên Nguyễn Văn Ngọc vô cùng đặc biệt bởi cách kể chuyện và dẫn dắt khách hàng.
"Có lẽ tôi là người đặc biệt nhất đất nước này", ông Ngọc nói.
Sinh tại Đà Nẵng, sau đó theo gia đình vào Sài Gòn năm 1963, cưới vợ đã 60 năm, "thành quả" lớn nhất của ông bà là 11 người con (4 trai, 7 gái). Hiện tất cả các con của ông bà đều trưởng thành và có gia đình riêng. Căn nhà cũng chính là cửa tiệm hiện vợ chồng ông đang sống cùng gia đình người con trai thứ hai. Hơn 60 năm qua, công việc chính hằng ngày của ông là sửa giày dép.
Ông Ngọc giới thiệu về những nơi đã đi qua, những cuốn album ông chụp.
Ông bảo rằng chính công việc này đã cho ông một khả năng đặc biệt đó là đoán tướng số qua chiếc giày dép đi bên chân trái của mỗi người. Sau khi cầm chiếc giày bên chân trái của tôi, bàn tay trái của ông xỏ vào bên trong giày, đồng thời ông xem xét rất kỹ phía dưới đế giày rồi ông bắt đầu nói về tính cách, tình cảm gia đình, về tiền bạc… Nói chung là hầu hết các vấn đề mà một người hay tò mò quan tâm.
Ông chia sẻ, không phải tự nhiên ông có khả năng này, mà qua lâu ngày quan sát, suy ngẫm mới nghiệm ra. Ví dụ, thường thì mỗi người sẽ từ tư tưởng phát sinh ra hành động (ở đây chính là dáng đi đứng) rồi từ hành động để lại dấu vết, và từ dấu vết sẽ thành ký hiệu. Ký hiệu chính là ngôn ngữ hay ngôn từ.
"Người có dáng đi và góc nhìn của đôi mắt thẳng song song với đường đi thì giày dép luôn có độ ma sát, vết mòn rất đều và thẳng; còn người thường đi với dáng nhìn lên trên thì vết mòn sẽ thường ở phía sau giày dép, trong khi đó người đi với dáng chúi đầu xuống thì vết mòn sẽ nằm ở phía mũi giày dép. Từ những ký hiệu này cộng với việc quan sát hình dáng, nét mặt… tôi có thể đoán được nhiều điều về người đó", ông lý giải về khả năng đoán số của mình.
Chuyện tướng số người tin người coi cho vui, nhưng rõ ràng hấp dẫn. Đó cũng là điểm thu hút khách đến tiệm của ông Ngọc. Tuy nhiên, một phần khác nữa khiến ông trở nên độc đáo chính là những chuyến đi phượt có phần lạ kỳ của mình, khiến không ít phượt thủ trẻ tuổi nhiều lần tôn ông là "phượt tiên sinh".
"Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã rất thích đi xa nhưng vì phải lo toan cuộc sống gia đình cùng nhiều lý do riêng nên tôi chưa có nhiều cơ hội. Phải bắt đầu từ năm 2005 trở lại đây, tôi mới đi xe gắn máy đến nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, từ Cà Mau đến Ải Nam Quan theo đúng nghĩa của từ "phượt", năm nào tôi cũng đi từ hai đến ba lần", ông hào hứng chia sẻ.
Nhắc đến những chuyến đi phượt của mình, ông dường như linh hoạt và sôi nổi hẳn lên. Ông say sưa kể về những chuyến đi của mình và gần như ông nhớ tất cả những địa danh, những con đường ông đã đi qua ông nhớ bằng trí nhớ minh mẫn và cả "kho" hình ảnh đồ sộ mà ông đã chụp, đã quay lại về cảnh vật và con người những nơi ông đến.
"Đi cho đã để rồi về... chết"
Trước mỗi chuyến đi, ông đều tính toán rất kỹ chi phí sao cho tiết kiệm nhất và lên kế hoạch tiết kiệm từ việc sửa giày. Đến khi đủ tiền thì ông lên đường. Mỗi ngày phượt, bình quân ông tiêu khoảng 400.000 đồng cho tiền xăng xe, ăn uống, ngủ nghỉ dọc đường.
Đưa tay chỉ chiếc xe Honda Cup 78 - "chiến mã" theo mình trên các hành trình, ông Ngọc cười tươi: "Nó là chiếc xe có một không hai ở Việt Nam đấy. Mới nhìn ai cũng nghĩ nó cũ rích, chả mấy giá trị, nhưng nó đã được "độ" lại rất tiện và hiện đại nên đi dễ dàng và an toàn".
Một mình một xe, ông Ngọc đã đi dọc chiều dài đất nước.
Đúng là chiếc xe đã được "độ" lại khá nhiều. Nó được lắp ráp thêm thiết bị để có thể đề nổ máy mà không phải đạp, phía sau xe được lắp đến hai chiếc phanh để tăng độ an toàn. Trên tay lái lắp thêm la bàn, đồng hồ xem giờ. Do mắt ông nhiều phần đã kém nên xe được lắp thêm đèn ở phía trước để chiếu sáng cho rõ.
Nhất là bộ máy của xe được chỉnh sửa rất kỹ càng nên máy luôn nhạy và nổ rất "ngon"… Tuy nhiên, để có thành phẩm "hoàn hảo" như hiện nay thì cha con ông phải chỉnh sửa rất nhiều lần sau các chuyến đi.
Kể về chuyến đi ra Hà Tiên khổ cực nhất cách đây gần 10 năm, ông tỏ ra thích thú, lần đó nếu đúng ra thì ông phải đi về Long Xuyên qua Rạch Giá mới đi Hà Tiên. Nhưng ông lại muốn khám phá con kênh Thoại Ngọc Hầu. Vì thế, ông đã đi Châu Đốc, Núi Sam rồi qua Tịnh Biên, sau đó chạy con đường song song với kênh Thoại Ngọc Hầu để về Hà Tiên.
Quãng đường đó cũng phải trên dưới 100 km, nhưng đường quá xấu, mới chưa được nửa đường xe đã hỏng nặng, cuối cùng phải thuê xe ôm đẩy mà vẫn không thể đến được đích cần đến, ông Ngọc phải bắt xe đò hai chặng về Rạch Giá, rồi về Sài Gòn. Tưởng rằng sẽ được xuống bến xe miền Tây ngay nhưng chiếc xe này đã đi trả khách khắp nhiều quận, huyện rồi mới quay về bến xe.
"Khi đó tôi mới dỡ được xe chằng trên nóc xe xuống, rồi tiếp tục phải thuê xe ba gác máy chở chiếc xe máy về nhà. Chuyến đi đó có quá nhiều trắc trở và cực nhọc khiến tôi khá mệt mỏi và mất sức, nhưng nó cũng cho tôi những trải nghiệm mà không phải ai cũng có được", ông nhớ lại.
Nói về mâu thuẫn giữa tuổi tác và cách đi phượt, ông Ngọc thừa nhận, bản thân biết những chuyến đi như vậy sẽ rất khó khăn và nhiều nguy hiểm. Lúc đầu cả gia đình không tán đồng do lo sợ ông bệnh tật tuổi già như cao huyết áp hay nguy hiểm do tai nạn xe cộ. Nhưng tính nết ông trước giờ khi đã muốn làm điều gì thì tôi sẽ làm bằng được, không ai có thể ngăn.
"Tôi đã xác định ngay từ đầu là có thể bị cướp sạch, chỉ còn cái quần xà lỏn, khi đó tôi sẽ đi ăn mày để có tiền về Sài Gòn. Trên hết là tôi không sợ gì cả, ngay cả cái chết tôi cũng không sợ, vì khi đã chọn niềm đam mê này thì chuyện có thể chết bất đắc kỳ tử là bình thường", ông nói.
"Phượt tiên sinh" cho biết thêm, trong mỗi chuyến đi, ông cứ đi theo kiểu thích là đi, mệt là nghỉ, và cứ ưng ở lại chỗ nào là ở chỗ đó thôi. Trước đây ông thường đi một ngày được khoảng 400 km nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 300 km do tuổi ngày một cao và sức khỏe cũng không được như mấy năm trước.
Vì thế, ông đã cố ý "trang trí" vẻ bề ngoài của mình như một "dị nhân" nghèo khổ, với chiếc xe máy cũ kỹ và quần áo, đôi dép không thể nát hơn; máy ảnh, quay phim ông thường đeo vào người và mặc áo khoác bên ngoài…
Khi được hỏi về mục đích các chuyến phượt của mình, ông vui vẻ chia sẻ: "Đơn giản là vì tôi muốn đi hết những con đường chính của Việt Nam và tận mắt chứng kiến, thưởng thức những cảnh đẹp, con người của đất nước. Tôi đi cho đã để rồi về chết chứ cũng chẳng có mong muốn gì cao siêu cả".
Theo lời ông chia sẻ thì do phía Nam ông đã đi gần như hầu hết các tỉnh, thành nên ông muốn sẽ tiếp tục đi các tỉnh phía Bắc. "Tháng 3 sắp tới, tôi sẽ lại đi Tây Bắc", ông cười tươi nhấn mạnh.
Theo Phú Lữ - Nguyễn Trang/Cảnh sát toàn cầu
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự