Tương truyền, người nào chỉ cần hái một chiếc lá, bẻ một cành cây, bắt một con thú nhỏ cũng sẽ bị thần rừng trừng phạt. Nhẹ thì mê sảng, mất trí, nặng thì có khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Cứ thế, những câu chuyện mang đậm màu sắc bí ẩn, liêu trai này ngày một vang xa…
Sự tích về hòn đá thần
Ẩn mình dưới chân đèo Thung Nai, xóm Khan Thượng nằm tận trong cùng của xã Ba Khan. Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới tìm được đến ngôi nhà sàn của ông Bùi Văn Hơn, một trong những người cao tuổi nhất xóm Khan Thượng, để tìm hiểu về cánh rừng thiêng Cỏ Rặng "bất khả xâm phạm".
Khi đến nơi đúng lúc ông Hơn đang đi nương, thêm nỗi ông lại không dùng điện thoại di động nên tôi phải đợi đến gần trưa. Chỉ thoáng nghe khách nói muốn tìm hiểu về khu rừng thiêng Cỏ Rặng, ông Hơn đã có vẻ e dè. Phải thuyết phục mãi, ông mới chịu mở lời. Suốt buổi chiều hôm đó, trong ngôi nhà lụp xụp bên triền núi, tôi đã được nghe ông Hơn kể tường tận về nguồn gốc và những chuyện vô cùng kỳ bí xảy ra tại khu rừng.
Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia có đoàn người mang một tảng đá từ khu Mường Động, lúc đi qua xóm Khan Thượng thì trời tối. Họ đành ở lại đây đợi trời sáng sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Sớm hôm sau, khi tất cả tỉnh giấc phát hiện thấy tảng đá nằm trên một ngọn cây trong rừng Cỏ Rặng. Thấy điềm lạ, họ cử những chàng trai khỏe mạnh nhất trong đoàn trèo lên mang tảng đá "biết bay" thần kỳ đó xuống. Sau đó, mỗi người họ đóng góp một ít để xây lên ngôi miếu thờ hòn đá. Một đồn năm, năm đồn mười, dần dà dân làng Khan Thượng đều truyền tai nhau về hòn đá thần mà trời đã ban tặng cho làng.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ Tết, người trong xóm lại mang lễ vật đến miếu thờ thắp hương cầu khấn mong gặp nhiều điều may mắn, người người bình yên, mùa màng tươi tốt. Những ai có công việc đi xa thường đến rừng khấn rồi mới đi để được thuận buồm xuôi gió. Nhà nào có công việc gì cũng đều mang lễ vật ra miếu mong thần đá phù hộ, độ trì cho “đầu xuôi, đuôi lọt”.
Theo lời kể của ông Hơn thì người dân ở đây có lòng kính ngưỡng rất lớn đối với rừng, tinh thần bảo vệ rừng như một ý thức hệ được truyền đời này qua đời khác. Từ trong tâm thức của mỗi người đều xem rừng là đức mẹ tối cao, đem nguồn sống, cơm ăn, áo mặc, chở che cho họ qua những cơn lũ dữ. Bất cứ ai phá rừng đều bị cộng đồng tẩy chay, gia đình nào muốn vào rừng chặt cây gỗ to dựng nhà cho con trai lớn lấy vợ, hay chỉ vài cây gỗ nhỏ để cắm ngoài bờ rào cho con gà khỏi chạy lên núi quên đường về, đều phải xin ý kiến già làng, trưởng bản. Sau đó, họ còn phải làm một cái lễ rất linh đình, trang trọng mang ra “thỉnh” thần đá.
Hơn nữa, cũng vì người dân ở Khan Thượng sống cả đời giữa rừng núi thâm u, mọi sinh hoạt của họ đều dựa vào rừng. Ăn rừng, ngủ rừng, ốm cúng con ma rừng, cuối cùng, khi chết họ cũng về nằm lại với rừng. Thế nên, hầu như không có chuyện người dân phá rừng, đốt nương làm rẫy một cách tự nhiên. Nhờ vậy, đến bây giờ, rừng Cỏ Rặng vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Dày đặc trong cánh rừng Cỏ Rặng là ngút ngàn những cây cổ thụ cỡ hai, ba người ôm không xuể. Nó trái ngược hoàn toàn với những cánh rừng trơ khấc, bạc phếch đất lẫn đá ở Việt Nam mà dù đi bất cứ vùng núi nào trên dải đất hình chữ S, ta cũng có thể bắt gặp. Ngay cạnh con đường mòn đất đỏ từ đầu bản Khan Thượng vào rừng, người ta đã có thể bắt gặp cơ man những cây cổ thụ soi bóng xuống dòng suối bé như sợi chỉ.
Cũng nhờ cái miếu thờ thần đá mà khu rừng Cỏ Rặng trở thành khu rừng linh thiêng đối với người Mường. Và, hòn đá thần cũng tồn tại từ bấy cho đến tận ngày nay, nhưng tuyệt nhiên không ai dám động chạm hay sờ mó đến. Đồng thời, xung quanh khu rừng này cũng xuất hiện ngày càng nhiều những câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai, kỳ bí mà chưa có lời giải đáp.
Sự nổi giận của thần rừng
Với vẻ mặt đăm chiêu, ông Bùi Văn Hơn từ từ kể lại những việc mà chính ông đã chứng kiến. Năm ông Hơn lên 9 tuổi, bố ông là ông Bùi Văn Chiến có vác dao lên rừng Cỏ Rặng chặt ít củi về nhà đun. Đến khi mang củi về, ông Chiến tự nhiên lăn ra ốm, gia đình mang đi khám các thầy thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm, mời cả thầy cúng đến cũng không khỏi. Được khoảng ba tuần thì bố ông Hơn qua đời. Tất cả người nhà đều bàng hoàng và khó hiểu bởi căn bệnh kỳ lạ và sự ra đi đột ngột của ông Chiến. Về sau, có mấy người trong xóm lên rừng chặt củi rồi về cũng lăn ra ốm, người trong làng mới kháo nhau về chuyện thần linh quở phạt.
Vào khoảng năm 2005, có hai người đàn ông từ Tân Lạc, Hòa Bình vào khu rừng Cỏ Rặng để tìm bắt rắn. Sau một hồi tìm bắt, họ ra về với hơn 6kg rắn ráo vàng. Đến khi về nhà, hai người này bỗng mắc chứng mê man, bất tỉnh, thi thoảng tỉnh lại thì kể rằng cứ có người gọi bắt mang trả rắn. Được một thời gian sau thì hai người này qua đời.
Rồi chuyện có một người đàn ông là chồng một cô giáo ở xóm Khan Thượng, vào mùa chim, cò về làm tổ nhiều nên ông vào rừng Cỏ Rặng chơi. Thấy có tổ chim làm tổ ngay tầm tay với, người này mang về nhà. Đến đêm hôm đó, người ông bắt đầu nao nao, phát sốt mê mệt. Khi người nhà biết chuyện phải nhờ thầy mo, mang theo con chó lên cúng và trả lại tổ chim người này mới khỏi bệnh.
Phải nói mãi, anh Bình mới chịu dẫn khách vào rừng thiêng
Cách đây một năm, có người trong làng mang đồ lên cúng để xin làm ăn được thuận lợi, nhưng khi cúng xong thấy trong rừng có nhiều túm phong lan, người này cùng vợ con mỗi người bèn lấy một túm mang về nhà. Cả ba người về đến nhà đều thấy người mỏi mệt, nằm mơ thấy có người đòi trả lại của cho thần rừng. Biết mình đã động chạm đến đất thiêng, gia đình này phải mang trả cả ba túm phong lan, sau đó mới hết mỏi mệt, mê sảng.
Kỳ lạ hơn thảy đó là câu chuyện mà không chỉ ông Hơn mà còn nhiều người dân trong làng Khan Thượng biết đó là khi xã Ba Khan làm đường nối liền sang Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình. Không hiểu sao khi cho nổ mìn phá đá làm đường thì không sao nổ được, ngòi nổ cứ châm lửa lại bị xịt. Đến khi cho máy xúc vào để cào đường, khi đi gần đến khu vực rừng Cỏ Rặng thì càng gạt của máy xúc bỗng nhiên bị gãy. Phải đến khi đội thi công cùng người dân làng mua con chó, xôi nếp và đồ cúng rồi mời thầy mo về cúng lễ ở rừng Cỏ Rặng công việc mới tiến hành được thuận lợi.
Nghe xong những chuyện ông Hơn kể, tôi ngỏ ý muốn được ra thăm khu rừng Cỏ Rặng. Ông Hơn ngập ngừng rồi cũng đồng ý sai con trai là anh Bùi Văn Bình dẫn tôi đi. Ông bảo, đấy là nể cái tình tôi lặn lội từ dưới Hà Nội lên đây, chứ phải người khác thì nhất định không có sự “ưu ái” đó! Từ nhà ông Hơn phải đi bộ gần hai cây số mới đến khu rừng. Lúc đến bìa rừng, tôi toan bước vào thì anh Bình vội vàng kéo lại. Anh bảo: Nếu không có việc gì thì chớ có bước vào kẻo thần rừng quở phạt. Kể cả chỉ là tham quan vãn cảnh cũng phải làm lễ cúng rồi “xin phép” đàng hoàng mới được.
Quả thật, đúng như lời anh Bình nói. Khi đến rừng Cỏ Rặng, tôi quan sát thấy nhiều người dân ở Khan Thượng đi làm qua đó đều không dám đi vào rừng mà đi vòng ra xung quanh tránh động chạm đến đất thiêng. Mặc dù tất cả các vị trí ven rừng đều có địa hình bằng phẳng, nếu là ở nơi khác thì chắc chắn người dân đã biến nó thành ruộng lúa, nương ngô. Hơn nữa, chỉ cần phóng tầm mắt vào góc nào của rừng cũng bắt gặp rất nhiều cây gỗ quý. Thế nhưng, không một ai dám động đến dù chỉ một chiếc lá cây của rừng. Bởi lẽ, có quá nhiều bài học dành cho những người dám xâm phạm vào khu rừng thiêng khiến người dân nơi đây ngày càng thêm khiếp sợ. Chính vì thế, khu rừng này cũng là một trong ít những khu vực được chim chóc chọn làm nơi trú ngụ. Có những thời điểm, chim phương bắc tụ về đây đông nghịt, làm náo động cả một vùng.
Về phía chính quyền xã Ba Khan cũng thực hiện rất chặt chẽ các quy định về bảo vệ rừng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng thường xuyên được tổ chức. Ngay trong đội ngũ lãnh đạo từ xã đến thôn bản đều tự làm gương trong việc giữ rừng. Nhờ làm tốt những công tác đó nên phần lớn các hộ gia đình trong bản, trong xã đều ý thức được rằng, rừng là lá chắn phòng hộ, ngăn lũ dữ trong mùa mưa. Đồng thời, rừng cũng là lá phổi xanh, là bà mẹ luôn che chở yêu thương cho mỗi con người ở Ba Khan.
Chiều muộn, khi từ biệt gia đình ông Hơn để ra về, tự dưng tôi bật lên một điều ước: Giá như ở bất cứ bản làng nào nơi rừng xanh, núi thắm đều có một lời thề giữ rừng như của người Mường ở Khan Thượng thì sẽ tốt biết bao! Nếu có được điều đó, thì chúng ta sẽ không phải đau xót khi chứng kiến hàng trăm hét ta rừng bị đốn hạ mỗi năm. Và, mỗi mùa mưa đến, những đồng bào thương mến sống ven bờ suối hay dưới các thung sâu thôi phải đối mặt với những cơn cuồng nộ của những dòng nước dữ.
Vũ Sơn (Theo Congly.vn)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự