Hành trình đi tìm loài sâm đá cực quý trên đỉnh Răng Cưa

Thứ ba - 25/08/2015 11:03
Tôi đã lập tức lên Hà Giang, trèo lên dãy Răng Cưa khổng lồ, để tận mắt thứ sâm quý hiếm, chưa được biết đến.
Hành trình đi tìm loài sâm đá cực quý trên đỉnh Răng Cưa
Kỳ 1: Đi tìm sâm trong đại ngàn nghiến khổng lồ

Mới đây, "người rừng ung thư" Trần Ngọc Lâm gọi điện cho tôi, bảo rằng, ông phát hiện sự có mặt của loài sâm quý không kém gì sâm Ngọc Linh, trên một dãy núi đá thuộc tỉnh Hà Giang.

Sự kiện phát hiện sâm Ngọc Linh đã gây chấn động cả thế giới suốt thời gian dài, nên việc phát hiện một loài sâm mới, quý hiếm không kém gì sâm Ngọc Linh, thì quả thực đặc biệt. Tôi đã lập tức lên Hà Giang, trèo lên dãy Răng Cưa khổng lồ, để tận mắt thứ sâm quý hiếm, chưa được biết đến.

Dù được các cán bộ Đồn biên phòng Thanh Thủy “dọa nạt” về những bãi mìn rải rác dọc biên giới, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tìm vào bản Hoàng Lỳ Pả, một bản vùng biên, nằm giữa đại ngàn nghiến Phong Quang, thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang).

Ông Trần Ngọc Lâm và cây sâm đá nhỏ mà ông phát hiện ở rừng nghiến Hà Giang
Ông Trần Ngọc Lâm và cây sâm đá nhỏ mà ông phát hiện ở rừng nghiến Hà Giang

 
Đứng ở TP. Hà Giang, nhìn thấy dãy núi Răng Cưa như những cái răng sắc nhọn của một lưỡi cưa, ẩn hiện trong mây mù. Dù dãy núi Răng Cưa không quá cao và hùng vĩ như núi non Tây Bắc, nhưng đường vào dãy núi này quả thực khủng khiếp, toàn đá hộc lởm chởm.

Đi xe máy được một đoạn, thì phải vứt lại ven đường, rồi nhằm con đường mòn cuốc bộ vào bản Hoàng Lỳ Pả, nơi người Mông sinh sống.

Theo lời ông Lâm, trong lần đi khảo sát cây thuốc ở dưới chân dãy núi Răng Cưa, tìm những cây thuốc ở bình độ thấp, ông đã gặp một nhóm người Mông gùi một bó thảo dược, mà ông nhìn rất quen. Sau khi nhìn kỹ, nhấm thử lá, nhai một miếng củ, thì ông giật mình nhận ra, đó chính là một loài sâm cực kỳ quý hiếm, mà ông đã bỏ công tìm kiếm suốt chục năm qua. Ông Lâm gọi nó là sâm đá.

Ông Lâm đã đi hết đại ngàn tây bắc, trèo lên những quả núi chọc trời, từng tìm được củ sâm tiết trúc (chính là sâm Ngọc Linh mọc ở Hoàng Liên Sơn) có tuổi tới 800 năm, thế nhưng bóng dáng loài sâm quý hiếm đặc biệt đó vẫn biệt tăm tích. Ông không ngờ, thứ sâm tưởng như đã tuyệt chủng ấy, lại hiện diện ở vùng núi đá thấp, thuộc đất Hà Giang.

Ông Lâm nhổ cây sâm đá nhỏ mang về Lào Cai làm giống
Ông Lâm nhổ cây sâm đá nhỏ mang về Lào Cai làm giống.
Hỏi những người Mông ấy, thì họ bảo rằng, họ lấy cho một người ở TP. Hà Giang, và người này thu gom để chuyển sang Trung Quốc. Nghe thông tin ấy, ông Lâm ăn ngủ không yên. Bởi vì, nếu Trung Quốc biết ở Hà Giang có loài sâm này, thì trước sau họ cũng nhổ sạch.

Người Mông như những con dê núi, chẳng vách cao hào sâu nào họ không trèo lên được, nên sẽ nhẩn nha nhổ sạch đem bán lấy tiền uống rượu. Khi đại ngàn không còn bóng cây nào, khi giá của nó đã cao chót vót, thì lúc ấy, chúng ta mới quan tâm, nghiên cứu xem nó là thảo dược gì.

Ông Trần Ngọc Lâm là người Lào Cai, vốn bị ung thư phổi. Quá trình lái xe thuê cho người Trung Quốc sang Tây Tạng, ông đã có cơ duyên gặp các vị thiền sư, và được họ chữa bệnh cho, truyền cho nhiều cây thuốc quý, nên ông biết rất nhiều cây thuốc, trong đó có loài sâm đá.

Sau một đêm ngủ ở Hoàng Lỳ Pả, sớm hôm sau, nhóm chúng tôi lên đường, với lều chõng lặc lè trên lưng. Người dẫn đường là Hầu Diệu Hoàng, người bản địa, ở bản Hoàng Lỳ Pả.

Một cây nghiến khổng lồ, hàng ngàn năm tuổi ở núi Răng Cưa
Một cây nghiến khổng lồ, hàng ngàn năm tuổi ở núi Răng Cưa.
Nhắc đến rừng nghiến, người ta thường nghĩ đến đại ngàn nghiến Ba Bể, rồi rừng nghiến Kim Hỷ ở Bắc Kạn, Trùng Khánh (Cao Bằng), rừng nghiến Na Hang (Tuyên Quang), Tủa Chùa (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La)… với những thân nghiến ngàn tuổi, chu vi gốc vài người ôm.

Ở Hà Giang, tôi cũng đã từng vào rừng nghiến Du Già – Du Tiến và cũng từng được chiêm ngưỡng những cây nghiến khổng lồ. Dù đã được tận mắt đủ loại hình thù “nghiến cụ”, nhưng tôi vẫn phải kinh ngạc khi lạc vào đại ngàn nghiến Phong Quang.

Những con đường mòn trâu đi dốc dác, gập ghềnh cheo leo trên dãy núi đá tai mèo như gần thêm lại, bởi thi thoảng lại được chiêm ngưỡng những “cụ nghiến”, như tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa, sừng sững bên đường.

Trong tiếng Mông, nghiến là túng thá. Nó là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, sự già nua, sự hiểu biết, và trụ cột. Người Mông thường ví ông vua, hay những già bản đáng kính là những cây túng thá, che chở cho mọi người. Cây túng thá là cột chống trời, là chỗ để thần linh từ trên trời ngự xuống và nó cũng đưa linh hồn của người Mông lên trời. Những thân nghiến to sù sụ, gốc đến chục người ôm, sừng sững vươn lên trời, với lớp áo nứt nẻ, bong toác, bám vào những khối đá mà sống, thực sự là kiệt tác của tạo hóa.

Nghiến khổng lồ trên núi Răng Cưa
Nghiến khổng lồ trên núi Răng Cưa
Dãy núi Răng Cưa là một khối đá tai mèo khổng lồ sắc nhọn, mà trên ấy, nghiến sinh sôi nảy nở hàng triệu năm nay. Dưới thung lũng tụ đất, tụ nước là lát, sến, táu, trai sinh sống, nhưng từ sườn núi lên đến tận đỉnh chỉ có nghiến trụ được. Giới chơi cây cảnh trồng cây trên đá, tuổi cả trăm năm thân bằng cái phích, vậy mà những “cụ nghiến” với bộ rễ vằn vện ôm đá, thân to cả chục người ôm thế này, tính tuổi thế nào đây?

Các nhà khoa học tính toán rằng, với loài nghiến, thứ cây lớn chậm, gỗ cứng như đá này, mỗi năm thân nó chỉ lớn thêm được 1-2mm, tùy vào địa hình, hàm lượng dinh dưỡng.

Đi khắp bạt ngàn Phong Quang, trèo ngang dọc dãy núi Răng Cưa, tịnh chẳng thấy mẩu đất nào, chỉ thấy đá tai mèo sắc nhọn như dao cạo, mà nghiến vẫn sừng sững mọc lên, đủ biết nghiến ở đây lớn chậm thế nào.

Cứ như cái công thức mà các nhà khoa học áp vào, thì việc tìm thấy một cây nghiến ngàn tuổi ở đại ngàn Phong Quang, quả dễ như lấy một món đồ trong túi. Tôi trộm nghĩ, nhiều cây nghiến ở đại ngàn Phong Quang đã mọc nghễu nghện trên đá từ khi Vua Hùng bắt đầu công cuộc dựng nước!

Tôi đã vào cả chục rừng nghiến khắp miền Bắc và từng chắp tay vái một “cụ nghiến” có đường kính tới 3m, tuổi phải tính bằng cả ngàn ở VQG Ba Bể. Nhưng già bản người Mông, là cụ Giàng Mí Vâng, người sống ở bản Hoàng Lỳ Pả đã 80 năm và có tới 65 năm dọc ngang trên dãy Phong Quang săn thú, thì những cây nghiến có đường kính 3m, chu vi thân 10 người ôm, nhiều như… cây rừng!

Cụ Vâng kể rằng, có một cây nghiến lớn lắm, to như… quả núi. Cây nghiến đó nằm trên mỏm của dãy Răng Cưa. Khi trời về chiều, bóng cây nghiến tỏa xuống che nắng cho cả mấy thung lũng, mấy bản làng dưới chân núi.

Củ của loài sâm đá
Củ của loài sâm đá
Theo lời cụ, nếu cưa đổ cây nghiến ấy, thì có thể làm một ngôi nhà 5 gian, với đủ cả bếp, mấy phòng ngủ, phòng khách, trên cái mặt gốc bị cưa ấy. Còn lượng gỗ thu từ cây nghiến này, đủ làm nhà ở cho nửa dân cư bản Hoàng Lỳ Pả.

Cụ Vâng bảo, từ 10 đời trước, cây nghiến khổng lồ đó đã nằm trong tâm thức của dân bản. Nó là nơi thần ngự, mà nơi ma trú, nên không ai dám xâm phạm. Người Mông đi săn con thú, đi hái cây thuốc, hễ qua đỉnh núi, ghé bóng cây nghiến mà họ gọi là “nghiến tổ” này, đều phải chắp tay vái các hồn ma và thần linh ngự trên cây.

Dưới gốc cây “nghiến tổ” có nhiều tấm bia gỗ nhỏ bằng bàn tay xòe, được cắm chi chít quanh gốc cây, do người Mông đẽo gọt để làm chỗ thờ tự. Tôi rất muốn được chiêm ngưỡng tổ nghiến này, nhưng Hầu Diệu Hoàng lắc đầu xua tay, bảo đường xa lắm.

Hơn 30 năm nay, ít người dám mò lên tận đỉnh Răng Cưa, bởi vì giờ đây, toàn bộ dãy núi là một bãi mìn khổng lồ, các con đường trong rừng bị gài mìn khắp ngả. Sở dĩ, nhiều chỗ còn nghiến, là vì nghiến nằm trong bãi mìn. Ngoài ra, nhiều cây nghiến khổng lồ vẫn còn đó, vì cưa máy của lâm tặc không thể đốn hạ được những gốc cây to bằng cả ngôi nhà. Để lên được đỉnh núi có cây nghiến đó, phải mất hai ngày đi bộ, leo núi đá tai mèo sắc nhọn như dao.

Anh Nguyễn Thanh Tuyền, chuyên gia sâm Ngọc Linh, Chủ nhiệm câu lạc bộ chơi sâm Việt Nam: "Nhận được mẫu sâm đá, tôi đã đem đi gặp một số chuyên gia dược liệu, nhưng không ai biết đây là loại sâm gì. Loài thực vật này có lẽ cũng chưa được nghiên cứu ở Việt Nam. Điều này là bình thường, vì thực vật ở nước ta, nhất là các loài trong rừng sâu rất đa dạng, phong phú.

Là người có nhiều kinh nghiệm về sâm Ngọc Linh, chỉ cần ngửi mùi, hoặc hơn nữa là sắc nước uống, tôi khẳng định sâm đá rất quý, rất giàu saponin. Tôi đã ngâm rượu sâm đá và thấy dậy mùi hoạt chất saponin. Nếu đem mẫu sâm này đi định lượng, thì hàm lượng saponin tổng hợp có thể sẽ gây ngạc nhiên.

Điều quan trọng bây giờ là làm sao bảo tồn được nguồn gen, bảo vệ được quần thể sâm ít ỏi mà ông Lâm phát hiện. Nếu bảo tồn và nhân rộng được sâm đá, thì nước ta có thêm nguồn sâm rất quý. Cũng có thể, đây sẽ là phát hiện chấn động, không kém gì việc phát hiện ra sâm Ngọc Linh từ hơn 40 năm trước".

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây