Tận mắt quần thể sâm đá khổng lồ ở địa đầu Tổ quốc

Thứ ba - 25/08/2015 11:07
Chỉ có những loại sâm cực giàu saponin, kiểu như sâm Ngọc Linh, mới cho thứ vị đặc biệt như thế, không lẫn vào đâu được.
Củ của loài sâm đá
Củ của loài sâm đá
Kỳ 1: Đi tìm sâm trong đại ngàn nghiến khổng lồ

Kỳ 2:
Phát hiện quần thể sâm khổng lồ

Con đường hướng về phía đỉnh dãy núi Răng Cưa (khu bảo tồn Phong Quang, Vị Xuyên, Hà Giang) như ngắn lại, vì những câu chuyện về nghiến khổng lồ vô cùng thú vị, cứ cuốn hút tâm trí tôi.

Ngồi dưới gốc nghiến khổng lồ, mà tôi ước chừng phải 10 người ôm mới xuể, ông Trần Ngọc Lâm chỉ tay vào những quả màu xanh lăn lóc đầy dưới chân người, và bảo đó chính là một vị thuốc quý, nhưng đáng buồn là người Việt Nam không biết để dùng, mà cứ mua từ Trung Quốc.

Nhìn theo chỉ tay của ông Lâm, tôi ngước lên thân nghiến, thấy những dây leo quấn quện ngang dọc, lá hình trái tim xanh biếc, quả lúc lỉu. Dây to bằng ngón tay người, quả to bằng nắm tay, lớn rất nhanh vào mùa mưa. Đến mùa đông, dây chết, quả rụng lăn lóc dưới đất.

Theo ông Lâm, quả đó là cẩm địa la. Cẩm địa la cứng như đá, không thối. Đến mùa mưa, quả lại nảy mầm, mọc thành dây leo nhanh như bầu bí và kết quả rất nhanh.



Ông Lâm và quả cẩm địa la
Ông Lâm và quả cẩm địa la
Người Trung Quốc thuê người Việt vào rừng nhặt quả cẩm địa la, đóng thành tải lớn tải bé chuyển sang Trung Quốc với giá chỉ vài ngàn đồng cho một kg.

Thế nhưng, điều kỳ quặc, là các ông thầy lang người Việt, lại cứ nhập quả cẩm địa la đã chế biến với giá rất đắt, rồi cho vào bài thuốc bán với giá cắt cổ cho bệnh nhân.

Ông Lâm bảo rằng, tri thức về cây thuốc của hầu hết các thầy lang là từ sách vở, truyền miệng, chứ không có thực tế, nên dù dùng vị thuốc cẩm địa la từ nhiều đời nay, nhưng cầm quả cẩm địa la trên tay chưa chắc họ đã biết đó là quả gì. Chính vì vậy, trong khi rừng Việt Nam rất nhiều cẩm địa la, thì các lang y Việt lại mua nguyên liệu từ Trung Quốc.

Theo ông Lâm, quả cẩm địa la có tác dụng an thần, bổ dưỡng cho gan. Nhìn sự phân bố của cẩm địa la, ông Lâm biết rằng, chúng tôi đang ở độ cao ít nhất là 800m so với mặt nước biển. Nếu lên đến độ cao 1.600m, thì sẽ không tìm thấy loài này nữa. Cũng theo lời ông Lâm, ở bình độ này, sẽ tìm thấy loài sâm quý hiếm, là bậc thầy của các loại sâm ở núi rừng phía bắc, mà ông gọi là sâm đá.

Cây sâm đá mọc trong kẽ đá, bóng tối
Cây sâm đá mọc trong kẽ đá, bóng tối
Tiếp tục cuốc bộ đến khi mặt trời đã dần ngả về bên kia dãy Răng Cưa, thì chúng tôi đến một hõm núi, là khe núi giữa hai mỏm khổng lồ, mà nhìn xa như những mỏm răng cưa.

Trên sống núi, cây cối thưa thớt hơn và đặc biệt là thân cây cũng nhỏ hơn, chỉ cỡ bằng cái phích. Điều lạ lùng, là trên sống núi lại nhiều đất, lớp mùn dày hơn. Đất có ở các khe, vách, chứ không tròng trọc đá tai mèo như ở phía sườn núi, nơi những gốc nghiến khổng lồ bấu vào mọc lên. "Người rừng" Trần Ngọc Lâm kêu chúng tôi dừng chân, dựng lều, nấu ăn và ngủ qua đêm tại hõm núi này.

Anh chàng người Mông dẫn đường Hầu Diệu Chảo nhóm lửa đun bếp, nấu nước sôi. Ông Trần Ngọc Lâm hái nắm lá xanh biếc, thuôn dài, với những đường rãnh sâu rõ nét, thả vào ấm nước. Ông bẻ thêm mấy đoạn cành nhỏ bằng cái đũa, dùng dao băm nhỏ, thả vào ấm nước sôi sùng sục.

Đun sôi chừng 10 phút, ông Lâm rót ra bát, cho mọi người uống. Chờ bát nước màu vàng sánh nguội, tôi đưa lên miệng. Thứ mùi thơm quen thuộc phảng phất nhẹ bay vào mũi, khiến tôi suy nghĩ.

Củ của loài sâm đá
Củ của loài sâm đá
Uống một ngụm, tôi nhận ra vị sâm quen thuộc. Chỉ có những loại sâm cực giàu saponin, kiểu như sâm Ngọc Linh, mới cho thứ vị đặc biệt như thế, không lẫn vào đâu được.

Tôi đã được anh Nguyễn Thanh Tuyền, "đại gia sâm" Ngọc Linh ở Đà Nẵng, người nổi tiếng sở hữu kho rượu sâm trị giá hàng chục tỷ đồng mời uống trà lá và thân sâm Ngọc Linh nhiều lần, nên quá quen với mùi vị của thứ thảo dược cực giàu saponin này.

Tôi khẳng định, vị của lá thảo dược kia chính là sâm, thì ông Trần Ngọc Lâm gật đầu công nhận. Và kinh ngạc thay, thứ lá ông vừa hái, mọc đầy quanh chỗ chúng tôi ngồi, chính là sâm đá, loài sâm mà chúng tôi nhọc công cuốc bộ luồn rừng suốt một ngày để tìm kiếm.

Tôi lách nhẹ chân, đi dọc dải núi, đi mải miết mà vẫn thấy những cây sâm lá xanh thẫm, thân lẻo khoẻo, yếu ớt, như thể muốn dựa vào những cây lớn để bám vào, bò lên.

Theo ông Lâm, để có được quần thể sâm khổng lồ như thế này, phải mất hàng ngàn năm. Phải hội tụ rất nhiều điều kiện về thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu, độ ẩm, chúng mới sinh trưởng được.

Để có được một cây sâm cao đến thắt lưng, phải mất hàng chục năm trời. Mùa xuân, khi mưa phùn rắc hạt, cũng là lúc hạt sâm nảy mầm. Tuy nhiên, hàng ngàn hạt sâm nảy mầm, may ra có một cây sâm đủ duyên để mọc lên.

Khi cây sâm đã cứng cáp, chuột núi không gặm được nữa, thì chúng sống cả trăm năm, đọ tuổi cùng với những đại cổ thụ trong rừng già. Mùa đông là mùa sâm đá rụng lá, quả chín rụng xuống, chỉ tròng trọc những thân cây nhỏ xíu, hoặc dây leo khi già. Thế nhưng, mùa xuân, lộc đâm chồi, và mùa mưa thì lá xanh thẫm.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây