Hoa mọc trên tượng phật, có phải là hoa thần?

Thứ hai - 11/06/2012 14:22
Các nhà khoa học đều cho rằng, hiện chưa thể đưa ra kết luận một cách chính xác về loài hoa được cho là “3.000 năm mới nở”. Tuy nhiên, cũng có nhiều những giả thuyết về hiện tượng “hoa mọc trên cửa kính, sắt thép, chuông chùa”.

Gần đây, dư luận xôn xao chuyện trên chiếc chuông đồng ở một ngôi đền tại Tràng Kênh, Hải Phòng xuất hiện những hoa “Ưu Đàm Bà La”.  Đến ngày 3-6-2012, hoa này lại đã được phát hiện ở nhà ông bà Đinh Gò, Bùi Thị Tự (trú ở thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) trên cửa kính, trên thanh nhôm cửa, song sắt... 35 hoa nhỏ li ti, màu trắng, mọc trên thân cây rất mảnh.

Tin tức lan truyền khiến các vị sư gần đó đến tận nhà xem và khẳng định đó là hoa ưu đàm - loài hoa linh thiêng trong thế giới Phật giáo và được cho là loài hoa thần tiên mang lại nhiều may mắn. Sự xuất hiện của hoa ưu đàm ở Phú Yên khiến những người theo Phật giáo và người dân trong vùng cho rằng sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân. 

Không chỉ ở Hải Phòng, Phú Yên mà nhiều nơi khác như Thái Nguyên, TP HCM, Hà Nội… cũng có hiện tượng tương tự. Hơn hai thập niên qua, nhiều người trên thế giới đã bắt gặp một loại hoa được tin là hoa “ưu đàm” nở ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Australia, Pháp và Mỹ.

Loài hoa này cũng được thấy mọc trên các loại thực vật khác, kim loại, và cả tượng Phật. Vào tháng 7-1997, 24 đóa hoa Ưu Đàm Bà La đã được phát hiện mọc trước ngực bức tượng đồng vàng Như Lai đặt trong phòng phương trượng tại một ngôi chùa ở Hàn Quốc.  

Đây là một loại hoa của Trời ? 

Các bông hoa ưu đàm đang nở khắp nơi trên thế giới được báo chí mạng đưa lên trang có hình dáng tựa một chiếc chuông, thân mỏng manh như sợi tơ, cao quý  thánh khiết. Những người chiêm ngưỡng những bông hoa này đều bày tỏ sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Theo kinh Phật, có một loài hoa gọi là hoa “ưu đàm bà la” (Udumbara), gọi tắt là hoa ưu đàm, 3.000 năm mới nở một lần. Udumbara là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành...”.  Nhưng trong các tài liệu của nhà Phật, ưu đàm là một loại cây có hoa nhưng là loại cây thiêng (linh thọ).

Theo Từ điển Phật học Hán Việt - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội  thì: “Cây ưu đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Đêcan và nước Xâylan… Thân cây cao hơn một trượng, lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”. 

Còn sách Huyền Lâm Ứng Nghĩa, quyển 21 mô tả về ưu đàm: “Lá cây hoa này tựa như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị ngọt, có hoa nhưng ít xuất hiện, khó trồng”. Đặc biệt, hoa ưu đàm có mùi thơm xông khắp vô lượng thế giới (Vô Lượng Thọ kinh). Hoa ưu đàm, theo quan niệm của Phật giáo là một hoa linh thiêng, cực kỳ quý hiếm nên mang ý nghĩa hy hữu, hiếm có, khó gặp. 

TS Nguyễn Thị Minh Ngọc (Viện Nghiên cứu tôn giáo) cho biết, về hoa ưu đàm có hai giả thuyết khác nhau về việc nó nở ra sao. Một cho rằng, loài hoa chỉ nở 3.000 năm một lần. Thuyết khác lại cho rằng nó nở 12 năm một lần. TS Ngọc cũng cho biết ở Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” của nhà Phật viết: “Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loại hoa của Trời, trên thế gian không có”.  

 “Theo khái niệm của Từ điển Phật học thì rõ ràng ưu đàm là loài hoa có cây, có lá và có mùi hương thơm lan tỏa và cũng phải 3.000 năm mới nở một lần”. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Namnói về sự việc trên – “Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều ghi trong sách vở chứ bản thân thầy và hàng nghìn người tu hành khác chưa bao giờ được trực tiếp biết về hoa ưu đàm”. Thượng tọa cũng cho biết chưa được chứng kiến hoa mọc trên chuông ở Hải Phòng nên không rõ đó là hiện tượng gì. Tuy nhiên, thầy cho rằng đó là tin đồn và là sự việc phi logic vì không có cơ sở nào để cho thấy một loài hoa có thể mọc được trên chất liệu bằng đồng.  

Nhiều giả thuyết 

Các nhà khoa học chuyên về di truyền, giống và côn trùng đều cho rằng, hiện chưa thể đưa ra kết luận một cách chính xác về loài hoa được cho là “3.000 năm mới nở một lần”. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bước đầu đưa ra những giả thuyết về hiện tượng “hoa mọc trên cửa kính, sắt thép, chuông chùa”.  

Nhiều nhà khoa học cho rằng bông hoa lạ này là trứng của loài côn trùng có cánh. Ấu trùng của con lacewing được gọi là aphid lions. Khi đẻ trứng, con cái tiết ra một chất keo dính và nâng bụng của nó lên để tạo thành một cuống mỏng. Các trứng màu trắng được đẻ vào những cuống mỏng này để giữ cho các ấu trùng không ăn thịt lẫn nhau sau khi nở. Loại hoa được cho là hoa Ưu Đàm cũng có kích thước tương tự như trứng lacewing và cũng nằm trên một cuống mỏng. 

TSKH Trần Duy Quý, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, quan sát của ảnh chụp những bông hoa này nhận định, đó chính là trứng của một loài côn trùng thuộc nhóm Green Lecewing. Sau khi trứng nở, côn trùng chui ra khỏi vỏ để lại vỏ giống như một bông hoa li ti màu trắng đang nở.  

TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học, sau khi quan sát những bông hoa đặc biệt này qua ảnh cũng nhận xét: “Chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, trông chúng hơi giống trứng của một loài côn trùng cánh lưới - crysôpa (còn gọi là chuồn chuồn cỏ), một loài côn trùng ăn thịt các loài côn trùng khác”. 

Theo một số nhà khoa học khác, những bông hoa mọc trên cửa kính nhiều khả năng là quả thể nở ra của một loại nấm kim. Các bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa kính, chuông chùa… gặp điều kiện độ ẩm không khí cao đã nẩy mầm và phát triển rất nhanh. Những cây nấm này sống được là nhờ hấp thụ chất khoáng trong không khí.  

Khác gì đào của Tây Vương Mẫu trong Tây Du Ký 

Nhà nghiên cứu Champa, TS Trần Kỳ Phương cho rằng: “Con số trong kinh Phật này mang ý nghĩa huyền thoại, tượng trưng hơn là con số chính xác. Chính vì thế, nếu dựa vào đó mà nói đây là loại hoa 3.000 năm mới có một lần nở thì rất khó.

Trên thực tế, chúng ta cũng không thể kiểm chứng được điều này”. TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) nói: “Các con số trong nhà Phật chỉ là huyền thoại hằng ha sa số. Chúng đều là loại số nhiều như cát sông Hằng. Về bản chất, nó chỉ là con số ước lượng chứ không phải con số chính xác. Hoa 3.000 năm mới xuất hiện cũng giống như đào trong vườn của Tây Vương Mẫu trong Tây Du Ký mà thôi. Làm gì có loại đào 3.000 năm mới ra hoa, 3.000 năm mới kết quả, 3.000 năm mới chín”. 

Nguồn tin: Minh Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây