Ngày 19/5, gia đình anh Lê Quang Thái phát hiện loài hoa này sống trên lá cây sống đời (một số nơi còn gọi là cây phát lộc, phát tài). Sau 3 tuần hoa vẫn còn tươi nguyên như ngày ban đầu, không có dấu hiệu héo rũ hay tàn úa, chuyển màu. Ngoài ra, có hai nơi khác cũng mọc cây hoa này chính là bản lề cửa sổ bằng sắt và cửa tôn.
Trên lá cây, anh Thái đếm được 26 bông hoa, còn ở cửa tôn có 13 bông, bản lề cửa có 5 - 6 bông. Sau nhiều ngày mưa gió, hai địa điểm là cửa tôn và bản lề còn lại khoảng 3 - 4 bông. Còn cây sống đời trồng trong nhà vẫn còn nguyên.
Hoa có màu trắng, có cuống dài khoảng 5mm. Để nhìn rõ phải sử dụng kính lúp loại phóng to. Khi phóng cho thấy phía trong bông hoa rỗng, ở chính giữa có phần nhú lên màu vàng làm người xem liên tưởng đến nhụy hoa.
Cũng theo bạn đọc này, khi hoa nở không có côn trùng nào bám vào hoa. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số hình ảnh và nhận xét cho rằng hoa luôn phát triển cùng một loài côn trùng nên được xem là trứng của loài côn trùng đó. Ngoài ra, trên lá và cửa đều sạch sẽ, không có dấu hiệu nấm mốc hay sinh vật, côn trùng làm tổ.
Tương tự, anh Trần Khắc Hiếu ở Hà Nội cũng liên hệ đến tòa soạn cho biết có trường hợp một bạn học sinh có loài hoa này ở trong quyển sách được đặt ngay ngắn trên giá. Đến nay đã 3 tháng hoa vẫn đang nở.
"Đây là vấn đề nhiều người bàn cãi, tôi mong muốn có mẫu để khoa học có thể giải thích cho người dân rõ. Bản thân sẽ giữ lại một số mẫu để tự kiểm tra xem hoa nở được bao nhiêu lâu, khi tàn sẽ có biểu hiện thế nào", bạn đọc Lê Quang Thái nói.
Hiện nay, loài hoa lạ này được nhiều người liên tưởng đến loài hoa Ưu Đàm Bà La có trong Phật giáo. Theo truyền thuyết, Ưu Đàm Bà La hoa là loài hoa chỉ có trên... tiên giới. Tên của loài hoa này theo nghĩa Hán Việt nghĩa là Hương thơm đoá quỳnh, đây cũng là tên một loài hoa cực kỳ hiếm gặp, 3.000 năm mới nở một lần, được phát hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, có những người còn cho rằng đây là trứng của chuồn chuồn cỏ...
Trước vấn đề này, tòa soạn đã liên hệ nhiều nhà khoa học mong tìm lời giải đáp về loài hoa lạ. Trong đó có cả nhà khoa học về sinh thái côn trùng học, chuyên gia về nấm, sinh học... Tuần tới, khi có mẫu hoa, các nhà khoa học sẽ vào cuộc kiểm tra đó là loài hoa, nấm hay côn trùng gì...
Nguồn tin: bee.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự