Năm 2010, họa sĩ Thân Văn Huy được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người đầu tiên phục dựng thành công hoa sen giấy. Sau bước ghi nhận này, họa sĩ Huy tiếp tục cải tiến kỹ thuật, mở nhiều lớp dạy nghề làm sen giấy cho trẻ em với hy vọng thế hệ trẻ gìn giữ được làng nghề mới sống lại sau hơn nửa thế kỷ “chết” vì cơ chế thị trường.
Những ngày Festival Huế, căn nhà rường của kỷ lục gia hoa sen giấy ở cuối thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) nườm nượp khách gần xa tìm về chiêm ngưỡng triển lãm sắp đặt sen “Sắc màu Thanh Tiên”. Đây là lần thứ ba họa sĩ Thân Văn Huy giới thiệu những bông sen giấy xứ kinh kỳ nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống và quan trọng hơn là giới thiệu đề cử quốc hoa sen hồng với bạn bè năm châu.
Kỷ lục gia Thân Văn Huy chăm chút cho những tác phẩm của mình. Ảnh: Nguyễn Đông
Anna (quốc tịch Nga) chăm chú nhìn những bông sen cắm dưới hồ với đầy đủ lá, bông, nhụy rồi thích thú lấy máy ra ghi hình. Đến khi nghe chủ nhân giới thiệu đó là sen giấy, vị khách nước ngoài này không giấu nổi sự bất ngờ và xin được chụp ảnh kỷ niệm cùng tác giả.
Bằng giọng Huế đặc sệt, người nghệ nhân tuổi 65 đã kể về cuộc hành trình tìm về với nghề sen giấy. Trong trí nhớ tuổi thơ của ông, những nghệ nhân ở làng hoa giấy Thanh Tiên lừng danh chỉ làm được đúng một lần hoa sen giấy, cách đây hơn 50 năm. Rồi sau đó, hoa không tiêu thụ được, nghề cũng biến mất.
“Tôi và em trai Thân Đình Hoài (làm nghề giáo viên) đã phải bỏ ra nhiều năm, lặn lội tìm đến những nghệ nhân hoa giấy già nhất trong làng để hỏi về kỹ thuật”, ông Huy kể. Nhưng nghề đã mai một, mỗi nghệ nhân chỉ nhớ được một ít. Nhiều đêm suy nghĩ, xâu chuỗi lại, hai anh em ông Huy bắt tay vào làm, đó là năm 2006.
Từ nguyên bản bông sen làm bằng giấy mỏng, màu trắng, đầu cánh sen dùng chỉ khâu lại, cuối năm đưa đi bán dễ bị gió đánh tan, ông Huy quyết định đổi thành màu hồng, trắng. Hai anh em không nhớ đã bỏ đi bao nhiêu sản phẩm chưa ưng ý để cho ra những bông sen giấy nhuộm nửa trắng, nửa hồng, cắm trên những cuống tre.
Năm đầu tiên đưa sen giấy vào trưng bày tại Festival Huế 2008, ông Huy thực sự chưa ưng ý vì hoa loang lổ vết nhuộm màu, khô cứng. Thử nghiệm nhiều, cuối cùng ông quyết định áp dụng kỹ thuật vẽ trên lụa, trên giấy gió, pha màu từ đậm đến nhạt dần và phải vẽ trau chuốt từng cánh hoa. Cuống hoa không còn dùng tre mà thay vào đó là thân mây dẻo mềm. Làm xong bông đầu tiên bằng kỹ thuật mới, ông Huy đã rơi nước mắt vì vui sướng, như trời đã se duyên cho ông với những cánh sen hồng.
Theo ông Huy, làm hoa sen giấy không quá khó, công đoạn quyết định là nhuộm giấy, tạo màu tài tình để bông sen thực sự có hồn. Nếu mắt người mới nhìn qua không thể ngờ đó là sen bằng chất liệu giấy. Do đòi hỏi tỉ mỉ nên thường thợ lành nghề như ông mỗi ngày chỉ làm không quá 15 bông.
Trăn trở về vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa “gần bùn mà chẳng hơi tanh mùi bùn”, ông Huy quyết định trình làng nghệ thuật sắp đặt hoa sen giấy bằng cách cắm những bông hoa xuống hồ hay ô nước nhỏ, trang trí thêm lá sen, hoa súng để phục vụ cho Festival Huế. Ý tưởng và sự tài tình của ông được du khách hưởng ứng, tấp nập kéo đến xem. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã nhiều lần lấy lại mẫu sen giấy để đưa vào bộ sưu tập áo dài của mình.
Giới thiệu cách làm sen giấy cho những du khách tại Festival Huế 2012. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Huy và người em trai đã nhiều lần quảng diễn cách làm hoa sen giấy trên truyền hình, mới đây nhất là quảng diễn, trưng bày về hoa sen để bình chọn quốc hoa tại Hà Nội. Điều ông thấy phiền lòng chính là sau những lần giới thiệu về nghệ thuật làm hoa sen giấy, không ít lâu sau trên thị trường nhan nhản sen giấy được nhái lại mẫu mã.
“Tôi không ích kỷ nhưng nếu nhiều người tìm cách cạnh tranh với hoa sen giấy Thanh Tiên bằng những sản phẩm kém chất lượng, giá thành thấp thì chắc chắn sen giấy sẽ tiếp tục chết một lần nữa”, kỷ lục gia trầm ngâm.
Kỷ lục gia Thân Văn Huy cho biết, trong tương lai ông sẽ cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã sen giấy để đáp ứng thị hiếu của công chúng, đồng thời mở thêm một số điểm bán để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, đưa Thanh Tiên trở thành làng làm hoa sen giấy.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, ở Huế có rất nhiều nghệ nhân làng nghề truyền thống, riêng họa sĩ Thân Văn Huy, người xác lập kỷ lục phục dựng thành công hoa sen giấy, không đơn thuần là làm sống lại làng nghề đã mất mà còn góp phần đưa Thanh Tiên trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Huế.
Về chính sách dài hơi bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Huế nói chung và hoa sen giấy nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chương trình hỗ trợ về vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… “Trước thông tin có nhiều người ở vùng khác trong tỉnh làm nhái hoa sen giấy của làng hoa Thanh Tiên, chúng tôi sẽ chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm”, ông Cao nói.
Nguồn tin: Nguyễn Đông
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự