Mái ấm của những trẻ bất hạnh

Thứ năm - 21/06/2012 19:29
Ăn cơm chay, ngủ nhà chùa, mặc áo vạt khách đi học, đó là những điểm chung của các chú tiểu sống tại chùa Phật Minh, ấp Hòa An - xã Giao Hòa (Châu Thành), 19 năm qua, nơi này đã cưu mang, nuôi dưỡng hàng chục trẻ em gặp hoàn cảnh không may.

Lúc mới đến đây, đa số các em chỉ mới được bốn, năm tuổi, nay đã trưởng thành và làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Chúng tôi tới chùa Phật Minh vào một trưa tháng 6. Bóng mát và hương hoa thoang thoảng trước sân chùa đã tạo cho khách cảm giác dễ chịu. Ông Phan Bá Tòng - Chủ tịch UBMTTQ xã chia sẻ: “Lúc đầu, nhà chùa nhận nuôi vài ba em, sau đó, số trẻ được gửi vào chùa ngày càng nhiều. Tính ra… đã có hơn 100 em đã lớn lên, trưởng thành từ ngôi chùa này”.

Chùa Phật Minh hiện đang nuôi dưỡng 68 trẻ em cơ nhỡ với nhiều lứa tuổi khác nhau: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, có 2 em học trung học phổ thông (trong đó, một em vừa thi tốt nghiệp), có 5 trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến một tuổi rưỡi. Các em sống tại chùa trong vòng tay đùm bọc, yêu thương của sư cô Ngộ Mai cùng những người mộ đạo đến đây làm công quả. Hàng ngày, các em (ở độ tuổi đi học) được gọi thức dậy lúc 5 giờ 30 phút để tập thể dục, quét sân chùa, sau đó dùng điểm tâm rồi tới lớp. Các em học mẫu giáo thì được người lớn (làm công quả) đưa đến trường, những em lớn hơn thì tự chở nhau bằng xe đạp.

Trò chuyện với một “chú tiểu” tên H` Út BKrông (nữ, sinh năm 1999) quê ở Đắc Lắc, tôi biết, nhà của H` Út BKrông có 12 anh chị em (H` Út thứ 11 trong nhà). Do gia cảnh quá khó khăn nên gia đình đã gửi H` Út cùng người chị tên H` Liêm BKrông (sinh năm 1997) cho nhà chùa nuôi dưỡng. Năm nay, H` Út lên lớp 6 và là học sinh giỏi, còn H` Liêm lên lớp 7 và được xếp loại học sinh khá.

Cùng hoàn cảnh khó khăn như H` Út, em Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1997, quê Thái Bình) đến chùa lúc tuổi mới lên 10; năm học này Ngọc là học sinh giỏi và rất tự tin thi vào lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Châu Thành). Trường hợp của Lương Quang Tuấn (sinh năm 1994, quê ở tỉnh Đắc Lắc) cũng tương tự, Tuấn vừa thi tốt nghiệp THPT… 

Tại gian phòng của trẻ dưới 5 tuổi, các cháu bé đang ngồi chơi với nhau trông rất đáng yêu. Cô Hồng (quản lý) giới thiệu với tôi một bé trai kháu khỉnh: “Cháu này tên Nguyễn Minh Tr (tên do nhà chùa đặt), bị bỏ rơi ở Bệnh viện Hùng Vương lúc mới 6 ngày tuổi, được sư cô Ngộ Mai đem về nuôi đã hơn một năm. Nhà chùa vừa mới làm thôi nôi cho bé cách nay hai tháng”. Tôi hỏi: “Vậy đối với mấy cháu còn nhỏ, mấy cô có bồi dưỡng gì không?”. “Nhà chùa có nhờ mấy chị em làm công quả nấu thức ăn mặn, hầm thịt cho các cháu ăn và cho uống thêm sữa Dielac” - cô Hồng cho biết. Các thứ rau, củ, quả đã có những người buôn bán tốt bụng cho và được người quen chở tới. Gạo, mì tôm, nước tương… của chùa sử dụng thường là do các nhà hảo tâm tới viếng chùa tặng. Cô Hồng chỉ đi chợ (xã) khi cần, bằng tiền mặt hoặc ký sổ nợ.

Theo ông Phan Bá Tòng - Chủ tịch UBMTTQ xã Giao Hòa, trước đây, chùa Phật Minh do thầy Thích Nhuận Đức trụ trì. Năm 1992, thầy Nhuận Đức viên tịch, thầy Minh Phát tiếp nhận chùa và sư cô Thích nữ Ngộ Mai (sinh năm 1955) là người được tín nhiệm kế vị.

Lúc còn nhỏ, cô Ngộ Mai đã sớm bươn chải kiếm sống bằng nghề đạp xe ba gác bán rau cải. Năm 16 tuổi, cô làm công quả ở chùa, có duyên tu và được giao nhiệm vụ trụ trì chùa Phật Minh lúc 37 tuổi. “Năm 1993, trong lần đi làm từ thiện ở huyện Ô Môn (Cần Thơ), tôi gặp một phụ nữ có chồng bị bệnh nan y, phải nuôi ba con trai nhỏ, đứa lớn nhất 7 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi.

Hoàn cảnh chị này rất khó khăn và gợi ý muốn cho 3 đứa con, tôi đã đem chúng về chùa nuôi dưỡng” - sư cô Ngộ Mai kể. Ba anh em ruột này, cô Mai đặt cho các pháp danh: Minh Ch, Minh  và Minh Qu. Giờ đây, anh em họ đã trưởng thành, Minh Ch là sĩ quan quân đội (công tác tại Cần Thơ), Minh  và Minh Qu đang làm nghề mộc trang trí nội thất tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ba em này, có nhiều em đã được nhà chùa nuôi dưỡng trưởng thành và đã lập gia đình hoặc đang học tập như các em: Chung Thị Diễm H (pháp danh Diệu Thiện), hiện đang mua bán tạp hóa; Lương Thị H (Diệu Trang), có chồng và làm vườn; Đặng Thị Như Y (Diệu Trí), Đ.T.B.L đang là sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Lê Thị Kim Th (Diệu Thắng), đang theo học chương trình Phật giáo tại TP. Hồ Chí Minh…

Bà Nguyễn Thị Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hòa cho  biết: “UBND xã đã giao cho Mặt trận Tổ quốc, Công an xã và Chi hội Phụ nữ ấp Hòa An theo sát nhà chùa để hỗ trợ các mặt như làm giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Những năm qua, dù trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn nhưng chùa đã nuôi dưỡng nhiều trẻ em có hoàn cảnh không may nên người”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây