Mới học bài xong, đang đi về chỗ dạy thêm, không ngờ đột nhiên nghe dưới chân có cảm giác khác lạ so với cảm giác đôi dép vẫn đi trên đường nhựa ngày nào. Cùng lúc đó mình nghe cái bộp rất giòn. Quay lại nhìn thì thấy con cuốn chiếu đang quằn quại. Thiệt đau lòng!
Mình chợt nhận ra ngày xưa mình rất tàn nhẫn. Mình bắt con sâu non rồi móc vào lưỡi câu. Không biết khi mình làm như vậy thì con sâu sẽ đau đớn thế nào. Bản thân mình không để người khác tổn thương, mà sao mình vô tư làm tổn thương sinh mạng khác như vậy. Không chỉ dừng lại ở đó, móc con sâu vào lưỡi câu rồi mang đi nhử cá.
Con cá không có tội gì, nó chỉ đói bụng đi ăn thôi mà mình chơi đểu đem mồi nhử nó. Khi nó ăn mồi rồi thì mình giật lên làm nó chảy máu miệng, giãy giụa trong đau đớn mà mình lại thấy vui. Bắt được nó rồi thì hoặc để nó chết khô hoặc đem về nhà chặt đầu kho nấu. Nghĩ lại sao thấy bản thân mình ác quá, tước đi sinh mạng các loài khác một cách hồn nhiên, không chút do dự.
Ngày lũ lụt thì đơm cá. Một hôm đơm được 3 con cá “cững” (người ta thường gọi là cá quả), tới trưa đem nấu ăn. Mình cầm con cá đập mạnh xuống nền nhà, con cá lại giãy đành đạch mà không chết, lại đập cái nữa nó chết mới thôi. Ba con như vậy, mình cầm lên và đập tụi nó xuống nhiều lần (bây giờ nghĩ mà thấy rùng mình).
Giai đoạn tiếp là chặt đầu nó, vừa chặt đầu vừa hát “cắc bùm bum chặt đầu con cá lóc, nấu canh chua bỏ ớt với dầm me…”. Sau khi cạo vảy xong, cho cá vào chảo, vì nóng quá nên nó vẫn còn giãy giụa, đau đớn cuối cùng trước khi chết hẳn. Nếu có ai hành xử như vậy với mình thì mình không thể tưởng tượng nổi. Mình sẽ khổ sở, chết đi rồi sẽ oán hận tới mức nào…
Lại nhớ tới những ngày đi đập kỳ nhông. Cứ trưa trưa, mình cùng mấy thằng bạn đi tìm kỳ nhông trong vườn. Bọn chúng mình chuẩn bị cây dài, chờ nó ra khỏi hang là đập mạnh xuống. Con kỳ nhông nào hên thì chạy thoát, con nào xấu số thì chết ngay tại chỗ. Trưa nắng mấy con kỳ nhông ấy đi tìm thức ăn, mình lại cướp mất sinh mạng của nó một cách vô tư. Nghĩ lại sao mà mình làm chuyện dại quá chừng, tạo nhiều nghiệp giết hại khi còn nhỏ không biết khi nào mới trả xong.
Nhiều lắm. Tuổi thơ của mình toàn là tội lỗi, nhưng đến ngày hôm nay mới nhận ra. Thiệt khổ, ngày còn nhỏ có thể do vô tri, không biết hay là không gần thiện tri thức nên không thể hiểu để tránh những tội nghiệp đó. Bây giờ lớn lên mới thấy, và đi chuộc lại tội nghiệp ấy có quá muộn không? Có tỉnh thức thì còn biết đường mà chuộc, như ăn chay, phóng sanh, bố thí…
Còn người vô tri thì không biết khi nào mới thoát ra. Phật nói “đời là bể khổ”, chúng sanh cứ loay hoay mãi trong vòng luân hồi nghiệp báo, vay trả trả vay quẩn quanh hết đời này sang đời khác. Nghĩ lại mình thật là may mắn, sớm gặp má Hai dạy cho mình học Phật pháp. Má là thiện tri thức của mình. Học rồi thì sám hối những tội đã gây ra, quyết không tái phạm. Dù muộn vẫn hơn không.
Nguồn tin: Nguyễn Xuân Thạch - Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự