“Mê” trồng cây xanh
Trong dịp về công tác ở Nghệ An, tôi khá bất ngờ trước khu vườn nhiều cây xanh trên vùng cát trắng khô cằn miền Trung, nơi chỉ có nắng và gió Lào.
“Ông ngoại lạ lắm, năm 2003, ông ra chùa Bái Đính ở Ninh Bình tự nhiên ông mang ở đâu về mấy cây xanh như cây Bồ đề, cây đa...Sau này được biết đó là những cây do ông cất công tìm mua hoặc xin của người quen. Tự tay ông trồng và chăm sóc đến giờ các cây đó phát triển xanh tốt” - Ngô Xuân Duy (cháu ngoại ông Ái) chia sẻ.
Ông Ái “mê” trồng cây xanh hơn 40 năm nay
Sau mấy phút trò chuyện với Duy thì ông Ái đến. Vừa đến nơi, ông đã nhanh chóng lấy xô mang nước tưới cho mấy cành Bồ Đề mà ông mới ghép được.
Tranh thủ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, tôi trò chuyện với ông và điều khiến tôi bất ngờ hơn khi biết rằng: hơn 40 năm qua ông là kỹ sư Nông nghiệp. Những ngày còn làm ở bộ Nông Nghiệp, ông đã "mê" trồng cây xanh, cây ăn quả...cho nhà chùa.
“Ở vùng cát trắng bạc màu này, trồng cây xanh đã khó và chăm sóc cho cây vươn cao xanh tốt còn khó gấp vạn lần. Không ít lần đi chùa, ông thấy có nhiều chùa không có cây xanh. Từ đó, ông thấy mình cần phải trồng thêm nhiều cây xanh để góp thêm bóng mát cho các Phật tử đến chùa cho mát, tạo cảnh quan nhà chùa thêm đẹp hơn” - ông Ái nhìn vườn cây cho hay.
Ngoài thời gian làm việc, ông Ái lại đi khắp nơi tìm kiếm cây xanh mang về ươm trồng. “Nhiều người bảo ông là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng với tôi được làm công việc mà mình thấy hữu ích cho chùa là tôi vui rồi” - ông Ái tâm sự.
Cùng với sự chăm sóc, bón phân, tưới nước mà hơn 100 cây xanh ông ươm trước đây, giờ đã vươn cao xanh tốt, có thể mang đi cúng dàng cho chùa.
Song “thèm” trồng cây Bồ đề nhất
Đứng giữa vườn cây xanh ngát, ông Phùng Văn Ái cười và chia sẻ rằng: “Từ năm 2003, ông ra chùa Bái Đính nhìn thấy có nhiều cây Bồ đề ở hai bên đường. Vốn dĩ đã rất “mê” được trồng cây xanh thì nay ông lại “thèm” trồng những cây Bồ đề này hơn”.
Từng làm kỹ sư Nông nghiệp, ông đã trồng không biết bao nhiêu cây xanh, cây ăn quả cho khắp các vùng trong cả nước. Giờ đây, ông lại gắn mình với việc trồng cây Bồ Đề - loài cây được những người theo Phật giáo xem là biểu tượng thiêng liêng nhất.
Bởi cây Bồ đề liên quan mật thiết đến sự kiện lịch sử về quá trình chứng đắc của Thái tử Tất - Đạt - Đa, Ngài ngồi thiền định dưới cội Bồ - đề và trở thành một vị Phật.
Từ ngày ở chùa Bái Đính về ngoài việc trồng cây xanh lấy bóng mát cúng dàng nhà chùa thì ông còn tìm mua những giống cây Bồ đề ở nhiều nơi. Sau một thời gian chăm sóc cho cây lớn hơn, ông đã cắt và ghép nhân giống thành nhiều cây con khác.
“Cây Bồ đề chính là tâm Bồ đề, là bóng râm che mát, là ánh sáng trí tuệ luôn soi sáng và tưới tẩm cho những ai đang khát khao tìm về cội nguồn an lạc. Hơn nữa, cây Bồ đề còn tượng trưng cho niềm tin vững chắc về sự sinh tồn của Phật giáo cũng như tín tâm của người Phật tử đối với ngôi Tam bảo” - ông Ái chia sẻ thêm.
Trong tâm ông đã xác định được ý nghĩa của cây Bồ đề, vì thế mà ông đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình vào việc chăm sóc cho những cây Bồ đề. Cứ có cây Bồ đề nào lớn, ông lại đi đến các chùa ở Nghệ An hoặc Hà Tĩnh để xin các sư trụ trì được cúng dàng cây.
Vì vậy mà trong suốt những năm qua, ông đã trồng và chăm sóc hàng trăm cây xanh. Nhiều cây xanh ông trồng giờ đã toả bóng xanh mát cho các chùa ở Nghệ An và một số tỉnh lân cận.
Nguồn tin: bee.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự