Với người đời, truyền thuyết “Bà trấn kỳ nam hương” chỉ là truyền thuyết nhưng với dân ngậm ngải tìm trầm mà người bản xứ quen gọi “dân địu”, truyền thuyết kia có thật. Vì tin như thế nên đến bây giờ, vẫn có dân địu băng rừng lội suối, ngày đêm nghe ngóng, mai phục quyết săn bằng được cây kỳ nam quý báu của Bà Cô.
Một ngày đầu xuân, lần theo truyền thuyết, PV tìm đến suối Đổ, men ngược dòng chảy của con suối thiên thai lên đến thượng nguồn đỉnh Hoàng Ngưu – nơi mà dân “đi địu” tin Bà Cô trấn yểm cây trầm hương đại thụ đâu đây. Ở lưng chừng ngọn núi huyền linh, chúng tôi ghi nhận được nhiều chuyện ly kỳ.
Như đã nhiều lần đề cập, theo thời giá thị trường, 1kg kỳ nam hơn 10 tỉ đồng. Chỉ cần được Bà Chúa xứ Trầm đoái thương ban cho tí “lộc” thì một phu trầm khố rách áo ôm nào đó trong phút chốc lột xác thành tỉ phú. Vì khát vọng ấy nên dù rừng đã cạn kiệt nhưng không ít dân địu ở Khánh Hòa vẫn ngày đêm bán mạng ở chốn thâm sơn.
Ông Lê Đại, 62 tuổi, một phu trầm lão niên ngụ xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) - nơi có số người kiếm sống bằng các nghề gắn với trầm hương-kỳ nam - tiết lộ rằng ông cũng như rất nhiều dân địu đồng niên và dân địu thuộc thế hệ con cháu tin chuyện nữ thần Thiên Y A Na trấn 4 cây kỳ nam ở tứ phương không phải là chuyện hoang đường.
Bàn thờ Bà Chúa xứ Trầm. Ông nói sở dĩ đến nay vẫn chưa có ai được “Bà cho ăn lộc” bởi lòng thành, tâm đức vẫn chưa toại lòng Bà. Ông Đại cũng tiết lộ ông như hàng ngàn dân địu đã từng “mò” đến suối Đổ nuôi hy vọng “ăn” lộc Bà Cô nhưng chưa được Bà dòm ngó.
“Kỳ thực thì Bà cũng có đoái thương nên mới cho tôi cảm được hương kỳ nam thoảng trong gió. Ngặt nỗi từng khe khốc, hang hốc quanh vùng tôi cùng biết bao dân địu sục sạo kiếm tìm nhưng kỳ nam thì chẳng thấy đâu.
Nhiều kẻ thiếu hiểu biết nói điều báng bổ rằng cây kỳ nam Bà trấn yểm chỉ là lời đồn đãi nhưng giải thích sao đây mùi hương kỳ nam thi thoảng quyện trong gió.
Mà đâu chỉ có dân đi địu cảm được đâu, ngay cả sư bà trụ trì chùa Quan Âm Sơn Tự trên núi cũng từng được Bà nhiều lần cho ngửi hương kỳ nam như thế” – ông Đại, bộc bạch.
“Bà đến thì sấm về”
Ông Đại cũng như nhiều dân địu ở xứ Trầm hương mà tôi tiếp xúc, từng có quãng đời trai trẻ bán mạng cho giấc mộng trầm kỳ để rồi nay ở tuổi xế chiều, như ông nói, “mộng vẫn là mộng”.
Theo ông Đại, ngàn người đi địu chỉ có 1 người được Bà Cô cho “ăn lộc”. Và trong trăm người được Bà Cô đoái hoài, chỉ có 1 người phất lên. Những người còn lại, của cải có được nhờ trúng trầm kỳ theo thời gian cũng của thiên trả địa, ứng với câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
Ông Đại không nhớ mình có bao nhiêu chuyến vào rừng thực hiện giấc mộng trầm kỳ. Ông chỉ biết khắp núi rừng ở xứ Trầm hương, không cánh rừng, không ngọn núi nào mà ông không tìm đến.
Đường vào chân núi Hoàng Ngưu. Trong hàng trăm ngọn núi nơi xứ trầm, ông Đại bật mí ông rất nhiều lần tới lui nơi hạ nguồn con suối Đổ - cửa ngõ dẫn lên đỉnh núi Hoàng Ngưu để săn cây kỳ nam trấn yểm của Bà Thánh Mẫu.
“Trước đây suối Đổ thuộc địa phận làng Phước Thạnh, ở phía tây dãy núi Hoàng Ngưu (nay thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh). Hầu như dân ngậm ngải tìm trầm đi săn cây kỳ nam đều phải đi qua con suối này.
Tương truyền hồ nước ở lưng chừng núi là nơi Bà thường ngồi hóng mát lúc vân du. Thường Bà xuất phát từ núi Chúa hoặc núi Hòn Bà, sau ba tiếng nổ vang trời sẽ xuất hiện một luồng ánh sáng màu xanh như một dải lụa dài đáp xuống núi Hoàng Ngưu. Mỗi khi nghe 3 tiếng sấm nổ liên tiếp như thế, dân địa phương biết... Bà về” – ông Đại, trò chuyện.
- Chú đã từng thấy Bà về?
- Tôi chưa, chỉ nghe tiếng sấm nổ thôi, nổ liên tục 3 tiếng. Hồi trước mấy bô lão quanh vùng nói mỗi khi Bà về, muông thú hoan ca, núi Hoàng Ngưu khắp nơi tỏa hương thơm ngát. Người nào lòng thành, đức độ còn được bà cho ngửi hương kỳ nam nữa đó!
Các bậc cao niên từng ngậm ngải tìm trầm như ông Đại ai cũng rõ rành câu chuyện “Bà đến thì sấm về”. Truyền thuyết ly kỳ này được nhà văn Quách Tấn nhắc đến trong tác phẩm biên khảo nổi tiếng xứ Trầm hương: “Năm 1963, trước khi Chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ mấy tháng, tự nhiên trên suối Đổ nổi lên 3 tiếng sấm, người địa phương hãi hồn vì tưởng có giặc. Liền đó có người nằm chiêm bao thấy thần linh mách bảo rằng bà Thiên Y về suối ban phước cứu dân độ thế. Bệnh có hết chăng chẳng ai biết...
Tiếng đồn lan ra, người ta đến múc nước về chữa bệnh. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn. Ban đầu chỉ có người trong quận Diên Khánh đến cầu xin nước thiêng, lần lần đến người ở quận khác trong tỉnh. Chỉ trong một tuần nhật, người Đà Lạt, người Sài Gòn… cũng thùng chai đưa đến.
Chật đường chật sá. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa ra lệnh cấm không được, phải cho lính đến canh. Nhưng canh đường này thì bà con tìm đường khác để vào suối. Chộn rộn ồn ào, vui thật vui....”.
Truyền thuyết có thật?!
Tôi gặp ông Đại dưới chân suối Đổ, lúc ông cùng vợ là bà Võ Thị Hân lần theo các bậc thang rêu phong lên lưng chừng núi Hoàng Ngưu đến tỏ lòng thành với Bà Chúa xứ Trầm: “Trên núi có am thờ Bà. Ngày trước dân đi địu như tôi mỗi khi vào rừng đều lên cầu cúng Bà những mong được Bà đoái thương. Còn bây giờ thì tôi lên am cầu Bà mong cho gia đạo bình an thôi. Mình già rồi, đâu còn sân si gì nữa”- ông Đại, bộc bạch.
Rồi ông bật mí rằng am Bà nằm cạnh chùa... Nếu đến nơi thấy có thiện nam nào đi nhóm vài ba người thành khẩn khấn cầu thì 10 phần có đến 7-8 phần đó là dân địu.
Cổ sử đất Khánh Hòa ghi: “Am Bà nằm ở lưng chừng núi, dưới một thác nước đổ mạnh, nơi có nhiều tảng đá dựng nằm trông như những thành quách dị thường”.
Vượt hàng trăm bậc thang uốn theo triền núi, khi đến nơi rồi, tôi thấy những gì hiện ra trước mắt mình đúng như mô tả của tiền nhân. Chỉ khác một điều chùa núi – am Bà giờ đây nằm trong quần thể xây dựng khá kỳ công chứ không hoang sơ, lạnh lẽo, thâm u như nhiều thập kỷ trước.
Không còn bó gọn trong khuôn khổ của dân địu và dân quanh vùng, cả chùa và am Bà được thiện nam tín nữ từ khắp nơi đến chiêm bái, mong cầu khói hương không ngớt.
Bên am Bà, tôi được cựu phu trầm Lê Đại cùng một số bậc cao niên ở dưới chân núi Hoàng Ngưu khẳng định đây là nơi Bà có trấn yểm 1 trong 4 cây kỳ nam khổng lồ dù rằng chẳng ai trong họ từng thấy cây kỳ nam ấy.
Tương truyền đây là khu vực nữ thần Thiên Y A Na ẩn giấu khối trầm. Trong cuốn “Xứ Trầm hương”, nói về huyền tích suối Đổ, nhà văn Quách Tấn có nhắc đến cây kỳ nam kia của Bà Thiên Y A Na: “Cách hồ nhất chừng trăm thước, có một cây kỳ nam lớn đến bốn ôm và dài cũng đến chín mười thước, nằm ngang qua suối. Đi ngoài xa nghe phảng phất mùi thơm, nhưng lại gần thì không thấy chi cả. Nếu người nào có ý muốn chiếm hữu thì một cặp rắn mun to lớn hiện ra khủng bố”.
Vãn chốn tự - am Bà ở lưng chừng núi, tôi như nhiều du khách cảm giác bồng bềnh, cứ ngỡ mình lạc chân ở chốn bồng lai cõi hồng trần.
Am Bà cùng ngôi cổ tự Quan Âm Sơn Tự nằm dựa lưng vào núi, một bên là vực thẳm, bao quanh là núi non hùng vĩ, đại thụ thâm u, hương rừng cùng mùi nhang trầm thơm dịu lan tỏa giúp sảng khoái thần minh.
Xứ Trầm hương ghi thời Pháp thuộc, từng có người tìm thấy cây kỳ nam của Bà: “Một viên chánh tổng tìm thấy cây kỳ, đem lễ vật đến cúng kính rồi lấy dây cột nơi gốc cây kéo dài ra cho đến chân núi để làm dấu, đoạn về nhà thuê người đem dây thừng đến khiêng. Khi trở lại, theo sợi dây để lên núi nhưng đến nơi thì thấy mối dây cột ở nơi khác, còn cây kỳ biến đâu mất, tìm mãi vẫn không thấy tăm hơi. Tuy vậy mãi đến nay, người đi củi thỉnh thoảng vẫn còn nghe hơi trầm thoảng”.
“Bà chỉ cho ngửi hương chứ không cho tìm thấy”?
Đó là tâm tình của sư bà Thích Nữ Thanh Tường - trụ trì chùa Quan Âm Sơn Tự. Ở tuổi ngoài 80, sư bà Thanh Tường cho biết, sư tu ở vùng núi Hoàng Ngưu này từ hồi còn trẻ, đã trải qua không biết cơ man nào gian khó, hiểm nguy: “Hồi đó núi rừng âm u, nhiều thú dữ, rắn độc. Vào mùa mưa gió nước từ thượng nguồn đổ chảy mạnh cùng với cây đổ gãy hiểm nguy vô cùng. Sư đã qua nhiều lần thập tử nhất sinh may được Bà độ nên tai quan nạn khỏi”.
Phần lớn người dân nơi đây rất tin tưởng về quyền năng cùng sự chở che của nữ thần Thiên Y A Na và sư bà Thanh Tường, cũng không ngoại lệ. “Có thờ có thiêng”, khi biết tôi đến tìm hiểu về Bà Chúa xứ Trầm trong những lần vân du ngự ở núi Hoàng Ngưu, sư bà Thanh Tường kể cho tôi nghe rất nhiều điều về những lần thoát chết trong gang tấc của mình: “Hồi trước sống giữa núi rừng cách trở, nguy hiểm đã đành, còn khó khổ trăm bề. Có những lúc đói quá phải ăn lá cây mà sống qua ngày. Có những lúc chỉ sống bằng niềm tin, may nhờ Bà thương”.
- Truyền thuyết nói Bà Thiên Y A Na có trấn cây kỳ nam, truyền thuyết ấy có cơ sở không thưa sư bà?
- Đến bây giờ hương kỳ nam thi thoảng vẫn tỏa ra từ rừng, con à. Dù nhiều người đổ lên đây ngồi đoán hướng gió xem mùi hương kỳ toát ra từ đâu, rồi họ kiếm tìm nhưng không bao giờ thấy!
Sư bà Thanh Tường cho rằng vì khối kỳ nam khổng lồ là linh vật có thật của Bà Chúa xứ Trầm, “Bà thương” thì cho “cảm” được hương kỳ chứ không có chuyện ban hẳn khối kỳ nam ấy cho bất kỳ ai.
Có điều kỳ lạ khác là không phải ai sống quanh suối Đổ cũng như núi Hoàng Ngưu cũng được Thánh mẫu Thiên Y A Na ban cho diễm phúc thụ lãm hương kỳ nam trong gió.
Một số bậc cao niên quanh vùng mà người viết tiếp xúc, có cụ tuổi ngoài 80, đã hàng trăm lần đến vãn cảnh, van vái, khấn cầu, tìm củi, săn thú, bắt cá... ở núi Hoàng Ngưu cho biết, các cụ chưa bao giờ cảm được hương kỳ giữa rừng già.
Về chuyện Bà Thiên Y A Na trấn kỳ nam ở lưng chừng núi Hoàng Ngưu, sư bà Thanh Tường và một số bậc lão niên quanh vùng khẳng định đó là sự nhầm lẫn, bởi suối Đổ thiên thai chỉ là nơi bà vân du. Và rằng 4 cây kỳ nam kỳ thực được bà trấn tại Đồng Bò (phía nam), Hòn Bà (phía bắc), Hòn Dữ (phía tây) và suối Ngổ (phía đông).
Tuy mỗi người có nhiều chuyện kể khác nhau quanh quyền uy, sự linh ứng cùng hiện tượng siêu nhiên “Bà về sấm nổ”, nhưng cả thảy đều có điểm chung là cùng nhìn nhận sự việc cây kỳ nam của Bà thiên Y A Na đặt để đâu đó quanh suối Đổ là chuyện có thật. Thế nên như đã nói, ngay tại thời điểm này, vẫn có các phu trầm thượng đỉnh non thiêng mong được Bà Cô... ban lộc!