Đảo Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng), với diện tích hơn 1 km2, có một khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trong đó có 35/70 cây đa búp đỏ mới được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Vì sao dân người dân không dám chặt cây, bẻ cành?
Đảo Dấu thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, cách Bến Nghiêng Đồ Sơn khoảng 10 phút đi thuyền máy. Nơi đây có ngọn Hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1892 và hoàn thành năm 1896. Tháng 6 năm 1898 đèn chính thức hoạt động và được ra thông báo Hàng hải.
Ngọn Hải Đăng trên 100 tuổi trên đảo Dấu - Ảnh Minh Khang
Đặc biệt, nơi đây có khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loài cây khác nhau, trong đó có tới 70 cây đa búp đỏ sống xen kẽ với tầng tầng, lớp lớp tán cây cổ thụ khác. Hàng chục cây đa búp đỏ xòe tán lá, thân cây với đường kính hơn 20m, tuổi đời hàng trăm năm mọc trải dài khắp đảo khiến nhìn từ xa cả hòn đảo tràn ngập màu xanh chen lẫn màu đỏ của búp đa.
Một số cụ cao niên ở Đồ Sơn cho biết, rừng đa búp đỏ cổ thụ này mọc trên đảo Dấu từ khi nào thì không ai biết, chỉ biết rằng bất cứ ai ở Đồ Sơn cũng đều xem đây là những "thần đa" nên chẳng ai dám động đến. Đặc biệt, nơi đây có ngôi đền thiêng, thờ một vị tướng quân thời nhà Trần tử trận trôi dạt vào đảo Dấu.
Tương truyền, đền thờ một vị tướng nhà Trần tử trận trong trận chiến chống quân Nguyên Mông. Sau một trận chiến nơi cửa biển, những ngư dân câu đêm gặp một thi thể không đầu dạt vào đảo Dấu. Nhìn y phục, biết là một vị tướng nhà Trần tử trận, người dân liền vớt lên thành kính khói hương rồi đợi trời sáng sẽ mai táng.
Đến khi trời sáng, nơi thi thể vị tướng nằm mối đùn lên lấp kín thành một ngôi mộ. Thấy vậy, dân làng đều kinh sợ và tỏ lòng thành kính bèn lập đền để người dân đời đời thờ phụng. Sự kiện trên đã trở thành một câu chuyện truyền miệng nhau đời này qua đời khác của người dân Đồ Sơn.
Đào Dấu nhìn từ xa là một khu rừng nguyên sinh xanh mướt, trong đó có 70 cây đa búp đỏ hàng trăm năm tuổi - Ảnh Minh Khang Theo truyền thuyết, 3 lần vị "Thần đảo" đã hiển linh trước các bậc quân vương. Trong đó có một lần dịp kinh lý ra Bắc, qua khu vực Đồ Sơn, thuyền rồng của vua Tự Đức gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của ngôi đền trên đảo Dấu, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ, sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời yên biển lặng. Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.
Chia sẻ với PV VTC News, ông Đỗ Văn Viết – Trưởng phòng Du lịch – Văn hóa và thể thao quận Đồ Sơn cho hay: Tưởng nhớ công ơn của vị tướng hy sinh thân mình cho đất nước, hàng năm, người dân Đồ Sơn mở lễ hội đảo Dấu từ ngày 1 đến ngày 15-2 (Âm lịch), trong đó ngày chính hội vào đêm ngày 9, rạng ngày 10/2. Phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy.
Ông Viết cho biết: vào dịp lễ hội đảo Dấu, hầu như năm nào ông Viết cũng ra đảo Dấu dự tế lễ. Một điều mà ngay chính ông cũng phải suy ngẫm vì tính linh thiêng của ngôi đền là cứ vào khoảng 23 giờ đêm, khi buổi tế lễ chuẩn bị bắt đầu, mặc dù quanh đảo đang trời yên biển lặng, đột nhiên sóng biển lại cồn lên dữ dội khoảng 3 phút, sau đó lại trở lại lặng lẽ như thường. Theo lý giải của người dân, đó là khi Thần đảo hiển linh, chứng kiến lòng thành của con người.
Ông Viết cũng cho biết, chính vì người dân nơi đây tôn kính và thấy sự linh thiêng của ngôi Đền nên mặc dù chính quyền không ngăn cấm thì người dân cũng không dám ra đó mà phá rừng. Những câu chuyện về những người “cả gan” lấy của Thần, bị trừng phạt khiến chẳng ai dám ra đảo Dấu bẻ một cành cây, nhặt một hòn sỏi đem về.
Và những câu chuyện mang màu sắc huyền bí
Bà Đinh Thị Thảo, 60 tuổi, ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn - người có mấy chục năm bán hương, hoa trước cửa đền trên đảo Dấu kể lại: Cách đây 3 năm, có 2 bố con từ tỉnh Thái Nguyên phải về đây để làm lễ tạ và trả lại đảo hòn đá nhỏ do người con trong một chuyến du lịch mang về.
Số là, cách đó không lâu, người con trai là sinh viên một trường đại học, trong chuyến du lịch ra đảo Dấu chơi, đã mang về một hòn đá cuội để kỳ lưng. Chẳng hiểu sao, người con về một thời gian thì phát bệnh tâm thần.
Thấy vậy, gia đình đi xem bói thì người ta bảo là cậu con trai này có lấy một viên đá ở cửa biển, phải mang trả lại thì mới khỏi bệnh. Sau đó, chờ lúc người con tỉnh táo ông bố gặng hỏi thì cậu con trai mới kể có đem hòn đá ở đảo Dấu về. Sau ngày bố con họ sắm lễ tạ tội, đem hòn đá đến trả thì người con khỏi bệnh.
Thời kỳ những năm 1978-1988, do điều kiện kinh tế lúc đó khó khăn, một gia đình cả gan lên đảo chặt một thuyền đầy củi đem về bán kiếm sống. Tuy nhiên, sau khi đi đến vùng Mục Công C6 phường Vạn Hương, trong khi biển đang lặng bỗng nổi sóng dữ dội, chiếc thuyền lật úp khiến cả 3 người chết, còn toàn bộ số củi, gỗ mà họ đã chặt lại trôi dạt vào đảo Dấu.
Anh Nguyễn Quang Luận, ở phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn), làm nghề lái tàu chở khách du lịch ra đảo Dấu tâm sự: Theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ cụ Dấu, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo.
Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ, là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang.
Cho rằng cụ Đảo hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin ngài phù hộ thì năm đó, bà con ngư dân đi biển được mùa. Là phúc thần bảo vệ ngư dân nhưng thần đảo Dấu cũng sẵn sàng trừng trị những người bất kính.
Hai cây đa búp đỏ này có tuổi thọ hàng trăm năm, được công nhận là Cây di sản Việt Nam - Ảnh Minh Khang Người dân Đồ Sơn đến nay vẫn còn kể cho nhau nghe một câu chuyện rùng mình: Thời Pháp thuộc, có một người đàn ông ở phường Ngọc Hải đi lính cho Pháp, ra đảo Dấu canh gác. Người này cả gan lấy lưỡi lê ở đầu súng chọc vào tượng Nam Hải Thần Vương. Sau đó về nhà, thấy trên người nổi lên những cục u, mổ ra toàn giun sán, rồi chết. Người nhà đếm ông ta chọc vào bức tượng bao nhiêu chỗ, thì trên người có bấy nhiêu cục u.
Những câu chuyện nhuốm màu thần bí được người dân nơi đây bao đời truyền miệng kể cho nhau nghe và cũng thường xuyên kể cho khách du lịch mỗi lần đến thăm đảo Dấu.
Tuy không ai có thể kiểm chứng tính xác thực, nhưng với người dân Đồ Sơn nơi đây, đền thờ Nam Hải Thần Vương và "đất linh" đảo Dấu đã như một phép màu giữ cho khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là rừng đa búp đỏ hàng trăm năm tuổi vẫn mãi xanh tươi, giữ được nét độc đáo, hoang sơ hiếm có nơi cửa biển Hải Phòng.
Nói như một vị lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn thì nếu không có các yếu tố tâm linh, chắc chắn rừng trên đảo Dấu đã bị tàn phá từ lâu rồi./.