Những chuyện bí ẩn trong hang động lạ giữa đại ngàn

Thứ hai - 24/03/2014 09:14
Có chỗ giống chữ Nôm, có chỗ lại thấy như chữ quốc ngữ, có chỗ lại không rõ là chữ gì, thậm chí không rõ có phải chữ hay không.
Những chuyện bí ẩn trong hang động lạ giữa đại ngàn
Kỳ 1: Hành trình đi tìm hang động bí ẩn
Trong những ngày lang thang ở đại ngàn Trường Sơn cùng “người rừng” Minh Hóa đi tìm bí ẩn xung quanh hang Tố Mộ, tôi được ông Đinh Hồng Nhâm kể cho nghe rất nhiều chuyện kỳ bí về những hang động, những phát hiện mới ở mảnh đất Minh Hóa, Quảng Bình.

Điều khiến tôi chú ý nhất trong những câu chuyện miên man về đại ngàn Trường Sơn chính là việc phát hiện một hang động cheo leo trên vách đá, thuộc xã Trung Sơn, mà theo ông Nhâm, nó sâu và lắm ngóc ngách đến mức ông đi nhiều ngày không hết.


Vẻ đẹp nên thơ mà cũng đầy huyền ảo của núi rừng Minh Hóa

 
Theo ông Nhâm, có thể hang động này ăn thông với cả hệ thống hang Phong Nha, Sơn Đoòng cách đó mấy chục km. Điều đặc biệt là bên trong hang tồn tại những ký hiệu loằng ngoằng bí ẩn, mà theo ông có thể là những chữ viết cổ hoặc sơ đồ chỉ dẫn. Ông bảo, có chỗ ông thấy giống như chữ Nôm, có chỗ lại thấy như chữ quốc ngữ, có chỗ lại không rõ là chữ gì, có phải chữ hay không.

Nhưng "người rừng" Đinh Hồng Nhâm tin rằng, đó không thể là trẻ trâu hay ai đó vô công rồi nghề trèo lên vẽ bậy. Hang đá này nằm trên vách đá thẳng đứng, cách chỗ bằng phẳng cỡ hơn chục mét. Không có điểm tựa nào để trèo lên miệng hang. Ngoài ra, cửa hang bé xíu chỉ một người chui lọt. Ít ai nghĩ khi lần theo cái lối đó, trườn vào sâu khoảng 30 mét, thì bên trong là cả một thế giới khác.

Ông Nhâm khẳng định: “Tôi tin chắc những ký hiệu trong hang đá sẽ dẫn đến một bí ẩn nào đó, tôi sẽ chọn một thời điểm thích hợp nhất để khám phá, rất có thể đó là một trong những hang chôn giấu của cải”.Theo lời các cụ già người Rục trong vùng, vào năm 1945, khi phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp, có hai ông quan cùng 3 người Pháp chạy trốn về Minh Hóa, sống với người Rục.

Họ có một xe ngựa lớn chất nhiều thùng vàng bạc. Một thời gian sau, trước khi trở về nước, họ thuê 6 thanh niên trong bản khiêng mấy thùng của cải vào rừng. Tất cả biến mất không để lại dấu vết. Mọi người cho rằng 6 thanh niên đó đã bị người Pháp thủ tiêu để giữ bí mật về nơi cất giấu.

Đã có rất nhiều người bỏ công sức tìm kho báu, nhưng thất bại. Rất có thể của cải đã được cất giấu trong một hang động nào đó. Và nếu đúng như thế thì chắc chắn sẽ có sơ đồ hay một dấu hiệu chỉ dẫn, dưới hình thức mã hóa. Ông Nhâm bảo, nếu giải mã được những ký tự trong cái hang mà ông đã tìm thấy, có thể tìm được kho báu.


Những người bạn đồng hành trong chuyến thám hiểm hang động

 
Nghe “người rừng” Đinh Hồng Nhâm kể về hang động cũng như câu chuyện lưu truyền ở mảnh đất Trung Hóa, chúng tôi quyết định lên đường. Chuyến đi này, ông Nhâm rủ thêm một người bạn già cùng xã tên là Đàn, và một thanh niên người Rục theo hỗ trợ.

Ông Đàn đã 60 tuổi, cơ thể hom hem, thỉnh thoảng lại ho khù khụ, nhưng cũng mắc “bệnh nghiện rừng”. Đến một ngọn núi cao, phía dưới chân là đám cây cối rậm rạp, “người rừng” dừng lại bảo: “Đến hang rồi”. Tôi nhìn mãi mà chẳng thấy hang động đâu. Chỉ thấy dây leo chằng chịt, đá tai mèo lô nhô. Chúng tôi len lỏi mãi mới đến sát chân núi. Ngước lên, miệng hang đã bé tý, lại có cây mọc che lấp.

Rất khó để nghĩ rằng bên trong cửa hang bé xíu đó là cả một thế giới khác hẳn

 
Trong lúc tôi đang loay hoay nghĩ cách để có thể lên được miệng hang, khi trước mặt là một vách đá thẳng đứng, thì “người rừng” Đinh Hồng Nhâm đã vác con dao đi rừng tiến lại một bụi cây gần đó. Hai cây gỗ có độ dài hơn chục mét được chặt, đẽo hết cành lá, buộc dây thép, trong phút chốc đã biến thành một cái thang dựng vào vách đá.
 
Lên đến miệng hang, chúng tôi cứ thế trườn theo cái lối ngoằn ngoèo tiến thẳng vào bên trong. Càng đi, con đường càng mở rộng. Phút chốc tôi như lạc vào tiên cảnh. Trong hang, ngoài những cụm nhũ đá trắng rủ từ trần xuống, dưới nền là vô số những hòn đá tròn có hình thù giống hệt quả na với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác.


Cận cảnh cửa hang

 
Vào sâu khoảng 50 mét, tôi như lạc vào một ma trận, với rất nhiều ngóc ngách. Có ngách đi thẳng, có ngách đi xuống, có ngách dốc ngược lên trời, lại có ngách ở lưng chừng vách, trên nóc vòm động. Không khí trong hang cũng trở nên nóng bức một cách khó tả.

“Người rừng” Đinh Hồng Nhâm chiếu đèn pin vào khoảng không trước mặt. Mọi người ồ lên khi thấy xuất hiện những ký tự trên vách đá. Bên cạnh đó là một lối đi sâu hun hút.


Ký tự đầu tiên nhìn thấy trong hang đá

 
Ký tự đó khá lớn, được vẽ trên một vách đá màu trắng nên nổi lên rất rõ. Ông Đàn nhìn vào bảo rằng nó giống hệt chữ Trung Quốc, trong khi đó anh thanh niên người Rục thì lại khẳng định nó là hình vẽ một người đang đứng chống tay và dựa vào núi.

Ông Đinh Hồng Nhâm cho biết, hôm đầu tiên ông tiên vào cái hang này, ông đã nghĩ đó là một dấu hiệu. Bản tính tò mò đã khiến ông theo lối đi bên cạnh để tiến vào sâu bên trong. Tuy nhiên, lần đó ông chưa tìm thấy điều gì khác ngoài những ký tự bí ẩn. Và mỗi ký tự lại là một hình thù khác nhau.

Nguồn tin: VTC News

 Từ khóa: thậm chí, quốc ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây