Kỳ lạ bộ tộc ngủ ngồi để cảnh giác thú dữ ở miền tây Nghệ An

Thứ hai - 28/11/2016 03:25
Suốt bao đời nay, người Đan Lai dọc mảnh đất miền Trung trong đó chủ yếu ở huyện Con Cuông (Nghệ An) vẫn giữ một nếp sống bất biến đó là tất cả đều ngủ ngồi.
Lửa như cứu cánh suốt bao đời nay của người Đan Lai.
Lửa như cứu cánh suốt bao đời nay của người Đan Lai.

 

Ngủ ngồi ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con trở thành thói quen thường nhật, họ ngủ ngồi bởi luôn trong tâm thế sợ thú dữ tấn công, nếu bị tấn công thì chạy cho nhanh. Nhiều hủ tục khác cũng còn đậm chất hồng hoang đến ngỡ ngàng.

Từ cuộc trốn chạy trong tủi hờn, lo lắng
Đêm đó, họ cứ nối chân nhau chạy thâu đêm suốt sáng, có những đứa trẻ kiệt sức ngay trên đường đã chết thảm khiến cho tiếng khóc thét thảm thương như vang vọng cả đại ngàn. Đó cũng là cái mốc đánh dấu cho sự hình thành người Đan Lai chốn thâm sơn cùng cốc của huyện Con Cuông, Nghệ An. Nhiều người, kể cả những con cháu của bản làng Đan Lai vẫn không minh chứng được nhiều nỗi hoang mang bột phát cũng như nỗi tủi phận mà tổ tiên họ phải gánh chịu một cách đau đớn.

Ông La Đình Trung năm nay đã bước sang tuổi 90 hướng cái nhìn đầy chua xót ra phía rừng xa thăm thẳm, thổn thức kể: Không nhớ chính xác đâu. Ông bà tôi mới nhớ chính xác nhưng họ đều đã khuất núi cả rồi. Ngày đó, cả vùng đất mênh mông của huyện Con Cuông này đều do bộ tộc La chúng tôi cai quản hết, không có một người nào được phép xâm phạm đến. Các tộc trưởng luôn là người đứng đầu và có khả năng giao tiếp với cả các vị thần thánh trong các lễ hội.

Nhưng rồi, có một chàng trai thông minh nhất trong tộc họ La bỏ thảo nguyên Đan Nhiệm (là huyện Nam Đàn ngày nay) ngược lên miền Hoa Quân (là huyện Thanh Chương ngày nay) và si mê một cô gái xứ thượng trên mảnh đất đó. Chàng trai này có tên La Tung.


Quanh năm ngủ ngồi để cảnh giác thú dữ
Đúng lúc La Tung cùng vợ mình làm ăn phát đạt, có những vụ mùa bội thu, săn được hàng ngàn con thú chất đầy nhà thì bộ tộc họ La bị thiên tai vùi dập. Đói kém tràn đến triền miên, thú dữ lại liên tục tấn công. Thế nên bộ tộc họ La khăn gói kéo nhau lên miền đất Hoa Quân. Lúc này La Tung nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh.

Mảnh đất trù phú này khiến cho họ ăn nên làm ra, của cải châu báu, sừng voi, tê giác… chất đầy nhà. Bên cạnh đó nương rẫy trù phú và liên tục được mùa, cứ như trời ban cho họ vậy. Lúc này, các bộ tộc xung quanh đâm lòng ganh ghét nên tìm cách hãm hại.

Ông vua vùng đất Hoa Quân là Vương Hả nghe theo kẻ xấu nên hạ lệnh cho Bộ tộc họ La muốn tồn tại ở mảnh đất này phải cống nạp cho vua một chiếc thuyền được kết bằng một ngàn chiếc ngà voi quý. Cùng với đó là hàng trăm chiếc sừng tê giác. Nếu không kiếm ra sẽ bị chém đầu cả thủ lĩnh lẫn những người dân trong bộ tộc.

Ròng rã suốt 100 ngày đêm nhưng bộ tộc họ La vẫn không tài nào tìm ra được những thứ mà Vương Hả bắt cống nạp. Lúc này, Vương Hả chuẩn bị 200 tên lính hung tợn để xua đi truy sát bộ tộc họ La. Quá sợ hãi, trong một đêm mưa tầm tã, trời tối đen như mực, tất cả thành viên trong bộ tộc họ La rút chạy trong nỗi sợ hãi tột cùng. Rất nhiều trẻ nhỏ và người già, không theo kịp đã chết dọc đường. Sợ quân lính của Vương Hả đuổi kịp nên bộ tộc họ La chọn những nơi hiểm trở để đến trốn.

Cứ chạy mãi, chạy mãi đến 12 ngày đêm sau họ mới dừng lại. Lúc này số người chết dọc đường vô số kể. Khi đã chắc chắn quân của Vương Hả không đuổi nữa, họ mới dừng lại và định cư trong các hang sâu ở miền đất Hoa Sơn và định cư cho đến nay. Hoa Sơn hiện nay được đổi tên thành Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An).

Đến bài cúng huyền bí theo ngọn lửa thiêng
Sau khi định cư được ở miền đất Hoa Sơn, bộ tộc họ La mới quyết định đổi tên thành bộ tộc Đan Lai bởi trước đây có một ngôi làng quy tụ nhiều chàng trai thông minh đó là làng Đan Nhiệm. Ông La Đình Trung bộc bạch: “Bây giờ người dưới xuôi gọi chúng tôi là người Đan Lai chứ trong cộng đồng chúng tôi vẫn đinh ninh mình là bộ tộc và thích từ bộ tộc hơn. Đặt tên bộ tộc Đan Lai cũng bởi chúng tôi muốn khắc ghi thời điểm đau buồn của cuộc trốn chạy đầy chết chóc năm xưa”.

Vùng đất Hoa Sơn hoang dã, thú dữ bao vây khắp nơi, thiên nhiên thì khắc nghiệt đến tận cùng nên họ chỉ còn biết cách bấu víu vào ngọn lửa, vào ánh sáng từ lửa để có thể soi rọi và phát hiện ra mọi nguy cơ làm hại đến bộ tộc của mình.

Cũng vì không biết bấu víu vào đâu nên trong một đêm thắp lửa để tìm đường hái thuốc, ông thủ lĩnh của làng khi đó là La Hoàn mới nhẩm một bài cúng do mình tự nghĩ ra rằng: “Hỡi con bệnh, con bệnh ơi/Mày hãy lìa khỏi thân xác con tao đi/ Mày hãy vĩnh viễn ra đi/ Mày đừng ác như Vương Hả/ Những cái chết không muốn làm bạn với mày/ Những buồn đau không muốn chơi với mày…”.

Lời hát nhẩm của ông La Hoàn đúng vào thời điểm con trai ông ngớt bệnh thế là bỗng nhiên bộ tộc Đan Lai này xem đây là bài cúng. Mỗi khi ai mệt mỏi hay bệnh tật họ lại mang bài cúng này ra đọc thâu đêm, dưới ánh lửa cứ cháy mãi cho đến tận khi mặt trời ló rạng lên mới thôi.

ThS Trần Văn Vạn (Trường Đại học Vinh) cũng nhận định rằng, mọi gốc tích của người Đan Lai giờ đây rất khó xác định một cách khoa học nên còn có nhiều điều chưa thể thống nhất. Cái tên Đan Lai còn có ý nói là mọi thứ kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị lai tạp, bị pha trộn trong cuộc trốn chạy.

Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của dân tộc mình. Đây là những nguyên nhân hình thành những phong tục, lối sống rất khác lạ với đời sống hiện đại.

Sau khi trải qua đằng đẵng hàng ngàn ngày ngồi dưới ngọn lửa để bào chế ra các loại thuốc trị bệnh bằng lá cây rừng nhưng vẫn không hiệu quả càng khiến bộ tộc Đan Lai tin vào sự nhiệm màu của những bài cúng hơn. Cũng từ những đêm ngồi mải miết bên đống lửa, những người thuộc bộ tộc Đan Lai còn sáng chế ra một bài cúng dành cho tổ tiên của mình với tên “Xin Lộ Ma Nha” - nghĩa là an nghỉ muôn đời.

Bài cúng có đoạn: “Hỡi những âm hồn xấu xa của tên bạo chúa đừng bao giờ đến bên linh hồn ông cha ta/ Góc rừng và những bước chân trên mảnh đất này sẽ bám lại mãi không thôi/ Hỡi dấu chân nai, đi gieo hạt lúa/ Theo dấu chân hổ, đi trồng hạt ngô/ Lang thang đầu suối, bâng khuâng lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều/ Như những giấc mơ/ Người về bến đổ, suối reo hát ca/ Hỡi những cánh chim hãy về làm bạn…”.

Triền miên ngủ ngồi và chôn trần đóng khố
Mặt trời còn đứng bóng trên đỉnh đầu, chúng tôi tiếp tục đến các bản Đan Lai khác ở Con Cuông như bản Co Phạt, bản Phun. Ông La Tín, một trong những người già ở bản Co Phạt trút một tràng tâm sự khi vừa thấy khách lạ: “Xưa kia không phân ra bản đâu, tất cả chỉ là một bộ tộc thôi. Mới mấy năm nay các cán bộ lên đặt tên bản đó chứ. Cũng bởi vì nỗi hoảng hốt trong cuộc trốn chạy tên bạo chúa Vương Hả nên bộ tộc chúng tôi không bao giờ dám nằm ngủ mà chỉ ngủ ngồi thôi. Ngủ như thế khi có những biến cố mà chạy cho nhanh. Để đối phó lại cái lạnh căm căm của rừng núi thì đã có lửa rồi, lửa là cứu cánh cho bộ tộc mình mà”.

Khi thoát khỏi cuộc trốn chạy với Vương Hả thì người Đan Lai lại luôn thường trực nỗi lo lắng phải đối phó với các loại thú dữ xuất hiện bất cứ lúc nào nên họ tiếp tục ngủ ngồi, dần dần thói quen ngủ ngồi ngấm vào máu của họ. Khi ngủ ngồi họ có thể gục mặt xuống đầu gối hoặc có thể dùng một hoặc hai chiếc gậy, nắm tay trên đầu gậy và gục mặt xuống ngủ. Trước mặt luôn là đống lửa vừa để sưởi ấm vừa soi rọi ánh sáng.

Không chỉ triền miên ngủ ngồi mà trong các bản làng Đan Lan còn có một nghi lễ bám dễ vào suy nghĩ của họ là “chôn trần đóng khố”. Họ quan niệm rằng, khi chết mà thân thể được tự do trong lòng đất thì linh hồn sẽ thoải mái phiêu du về bảo vệ cho những người còn sống. Chôn không quan tài còn giúp cho các linh hồn có thể chạy nhanh khi gặp những con ma ác ở thế giới bên kia.

Ông La Tín bảo: “Cách đây vài chục năm gì đó, bộ tộc mình có ông La Văn Khẳm do thông minh nên được đi học và ra làm cán bộ. Khi ông Khẳm chết những cán bộ dưới xuôi làm cùng ông Khẳm nhất quyết muốn chôn ông trong quan tài. Thế nhưng, khi chôn xong, những người dưới xuôi về hết, bộ tộc Đan Lai lại đào ông Khẳm lên, vứt chiếc quan tài đi, chỉ chôn thân trần và đóng khố mà thôi”.

 
Nguồn: Hồng Hà (CAND)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây