Tháng 9-1969, khi hay tin Bác mất, một số bạn bè thân tín đến hỏi hòa thượng Thích Pháp Lan, tên thật là Lê Hồng Phước, trụ trì chùa Khánh Hưng, rằng: “Thượng tọa có dám tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ không?”. Hòa thượng liền trả lời: “Nhà chùa không dám truy điệu Bác thì khác nào thợ mộc không dám đóng thang”. Và thế là lễ truy điệu Bác được tiến hành, mặc dù bọn mật vụ đang theo dõi, giăng mắc, lùng sục bắt bớ khắp nơi. Tham dự buổi lễ, đứng thành hai hàng người dọc theo bàn thờ là sinh viên, học sinh, một số nhà trí thức tiến bộ như Nguyễn Long, Trần Ngọc Liễng, Dương Văn Đại, Đặng Văn Ký, Ngô Bá Thành...
Hòa thượng Thích Pháp Lan, người tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngày 9-9-1969
Lễ truy điệu diễn ra lúc 9 giờ ngày 9-9-1969. Trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được hòa thượng trang trí rất ý nghĩa: bình hoa cắm bông trang đỏ, chính giữa là hoa điệp vàng, mâm trái cây là những trái xoài cát Hòa Lộc vàng tươi được sắp xếp khéo léo, nhìn kỹ thì đó là ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh là mận hồng đào màu đỏ thắm như nền cờ Tổ quốc. Trước bàn thờ là một tấm liễn đề bốn chữ “Quốc gia tối thượng” vừa để tôn vinh Bác vừa qua mặt được bọn lính vẫn tự xưng “quốc gia” và hai bên là hai câu đối:
Nam Bắc toàn dân quy thượng chính
Á Âu thế giới kính tu mi
Nghĩa là nhân dân cả nước đều thương cảm hướng về bậc vĩ nhân chân chính và cả
thế giới đều kính nể bậc thiên tài. Hai chữ chót “Chính”, “Mi” nói ngược lại là
“Chí Minh” nhằm ca ngợi Bác đồng thời qua mắt kẻ thù. Bài điếu văn do hòa
thượng Thích Pháp Lan viết và đọc trước bàn thờ Bác Hồ bày tỏ lòng xúc động,
đau xót trước sự mất mát lớn lao của dân tộc.
Đọc xong hòa thượng châm lửa đốt
trước khi mật vụ ập vào. Lễ truy điệu kết thúc, đoàn người đổ xuống đường tổ
chức thành cuộc biểu tình “biến đau thương thành hành động” đòi đế quốc Mỹ cút
về nước. Bốn ngày sau Tổng nha Cảnh sát gọi hòa thượng Thích Pháp Lan lên chất
vấn.
Trước lý lẽ sắc bén của hòa thượng, bọn chúng đành phải trả tự do cho ông. Từ đó chùa Khánh Hưng trở thành nơi tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị của các giới Sài Gòn. Bàn thờ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay vẫn được lưu giữ và bảo quản tại Bến Nhà Rồng thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.
Nguồn tin: ĐSCT
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự