Bia Chí Linh bát cổ hiện được đặt tại trung tâm văn hóa thôn Linh Khê, xã Thanh Quang (Nam Sách). Khu trung tâm khá rộng với các kiến trúc: chùa, đình làng, nhà văn hóa thôn, nhà bia, vọng cung... Tấm bia được làm bằng đá liền khối có hình vuông cao 2 m, rộng 0,5 x 0,5m, trên có khắc 8 bài thơ vịnh bát cảnh đất Chí Linh. Họa tiết trên mặt bia, mũ bia, đế bia được chạm khắc mộc mạc nhưng tinh xảo. Để bảo vệ, một nhà bia đẹp đã được xây dựng. Tấm bia cổ đã từng có một khoảng thời gian dài lận đận.
Theo nghiên cứu của Hội Sử học Hải Dương, thông qua Sách Chí Linh phong vật chí, Bia Chí Linh bát cổ và các nguồn tài liệu, điền dã khảo cổ học tại các di tích thì Chí Linh bát cổ gồm 8 di tích đại diện cho 8 loại hình của huyện Chí Linh ở thế kỷ thứ XVIII, được sắp xếp theo thứ tự: Trạng nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh cổ viên, Nhạn Loan cổ độ, Thượng tể cổ trạch, Chí Linh cổ thành, Vân Tiên cổ động, Tinh Phi cổ tháp.
Đây là những di tích điển hình của huyện Chí Linh và liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử, sự kiện quan trọng của đất nước thế kỷ XVIII.
Căn cứ vào bia Chí Linh bát cổ, đương thời từng có nhiều nhân sĩ viết về các cảnh đẹp của Chí Linh. Vào dịp Trung thu năm Ất Mão (1795), Thanh Hiên nhân chuyến du ngoạn những cổ tích của Chí Linh, cẩn thận ghi lại tặng cho các nho sĩ địa phương. Các vị trưởng lão và quan chức của huyện bàn định, kính cẩn lập bia để ghi lại những bài thơ vịnh bát cổ đó. Tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1798), lấy đá ở động Dương Nham, Kính Chủ (Kinh Môn) để tạo bia. Tháng 11 năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), dựng bia ở gò Hạc, xã Linh Khê, gần nhà học (Trạng nguyên cổ đường).
Như vậy, vị trí đặt bia ban đầu là tại gò Hạc chứ không phải địa điểm hiện tại. Dẫn chúng tôi đến mảnh vườn của gia đình ông Vũ Quang Hùng, thôn Linh Khê, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ văn hóa xã Thanh Quang (Nam Sách) cho biết: "Gò Hạc nay không còn. Vị trí gò được xác định là khoảng vườn này, bây giờ không còn chút dấu tích gì".
Theo ông Nguyễn
Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang thì, trước năm 1968, thôn Linh Khê có
hai làng ở ngoài đê sông Kinh Thầy và trại ở vị trí ngày nay. Năm 1968, do
chính sách phân lũ của Nhà nước, các hộ dân của Linh Khê ngoài sông được di dời
vào trong đê. Khu vực gò Hạc được chia cho dân làm đất ở và canh tác.
Khi đó, tại gò Hạc đã hiện hữu tấm bia Chí Linh bát cổ. Khi dân làng chuyển từ ngoài đê vào đã đào lấy đất ở gò Hạc đắp đường và làm gạch. Do biến động của thời gian nên gò đã bị sạt lở, bia bị đổ xuống ao. Năm 1991, nhân dân thôn Linh Khê đã trục vớt bia, đưa về dựng ở khu văn chỉ, cách vị trí dựng bia ban đầu trên 100m theo đường chim bay. Do mấy chục năm nằm dưới đáy ao nên nhiều chữ trên mặt bia giờ đã mờ không thể đọc được.
Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Quang thì nơi đặt bia hiện nay, ngày trước là miếu Quất Lâm thờ thiên thần có công phù nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông. Sau Mạc Đĩnh Chi về đây dạy học nên nhân dân địa phương gọi là “Văn chỉ”. Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành: Trạng nguyên cổ đường tức nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273-1346), người xã Long Động, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần năm Hưng Long 12 (1304), làm quan đến chức Tả bộc xạ, Nhập nội hành khiển (tức tể tướng). Sau về trí sĩ, ông dựng trường dạy học ở chùa Quất Lâm gần gò Hạc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang ngày nay.
Đến cuối thế kỷ XVIII, khi tuyển chọn Chí Linh bát cổ, di tích này được xếp thứ nhất. Như vậy khu Văn chỉ Linh Khê chính là danh thắng Trạng nguyên cổ đường.
Giá trị của tấm bia bát cổ đã được nhìn nhận. Tuy nhiên xung quanh tấm bia quý cùng các công trình bát cổ cũng còn những điều lý thú và bí ẩn. Hẳn có người sẽ đặt câu hỏi, tại sao số danh thắng được chọn lại là tám mà không phải là một con số nào khác? Thứ hai, tại Chí Linh có nhiều di tích đẹp và lớn hơn như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai… tại sao không có tên trong bát cổ Chí Linh.
Trong khi đó, Trạng nguyên cổ đường thuộc huyện Nam Sách sao lại liệt vào Chí Linh bát cổ? Cũng theo giải thích của nhà sử học Tăng Bá Hoành: Người xưa quan niệm con số tám là con số thể hiện sự viên mãn. Việc lấy con số tám cho việc tuyển chọn danh lam, cổ tích, tín ngưỡng đã có từ xưa ở Trung Quốc như bát quái, bát tiên, bát tú. Ở thế kỷ XVIII, những di tích như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai… thuộc về huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang (Kinh Bắc), còn Trạng nguyên cổ đường khi đó thuộc Chí Linh.
Đến cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân mới chuyển những xã phía nam sông Kinh Thầy về huyện Thanh Lâm, sau này là Nam Sách. Chính những thay đổi địa giới như trên đã khiến không ít người nhầm lẫn khi nói về Chí Linh bát cổ. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là tác giả của 8 bài thơ vịnh bát cổ Chí Linh.
Căn cứ những gì ghi trên bia thì tác giả của các bài thơ là Thanh Hiên Khải Phủ người ghi lại tặng 8 bài thơ cho các nho sĩ địa phương vào dịp Trung thu năm Ất Mão (1795) nhân chuyến du ngoạn những cổ tích của Chí Linh. Các vị trưởng lão và quan chức của huyện bàn định, lập bia để ghi lại những bài thơ vịnh bát cổ đó và dựng ở gò Hạc.
Như chúng ta biết Nguyễn Du (1766-1820), có tên tự là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên. Ông từng làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Như vậy rất có thể tác giả của tám bài thơ vịnh bát cổ Thanh Hiên Khải Phủ chính là Đại thi hào Nguyễn Du (!?). Nếu thế thì đây là một niềm tự hào cho mảnh đất tỉnh Đông. Điều này rất cần được các nhà nghiên cứu để tâm tìm hiểu.
Khu trung tâm Văn hoá thôn Linh Khê, được cho là Trạng nguyên cổ đường, nơi Mạc Đĩnh Chi dạy học
Bia Chí Linh bát cổ hiện đặt tại nhà văn hoá thôn Linh Khê (xã Thanh Quang, Nam Sách)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự