Gương mặt bơ phờ, đôi mắt thâm quầng thể hiện rõ sự mệt mỏi, lo lắng, chị Hà nói với tôi, giọng chưa hết bàng hoàng "chưa đầy ba năm mà bên chồng tôi có ba cái tang". Chị kể, gia đình chồng chị có 6 anh chị em. Tháng 7/2008, người em út của chồng là anh Phạm Mạnh Hùng bị bệnh, mất ở tuổi 37 khiến cả gia đình phải xót xa.
Đại gia đình chị Hà (người ngồi) không khỏi lo lắng khi bị phán "nhà có trùng tang".
Tháng 12 năm ngoái, vợ anh Hùng là chị Phạm Thị Hằng cũng đổ bệnh mà mất, để lại hai đứa con nhỏ. Nhưng tai họa chưa dừng lại ở đó khi mùng 5 Tết vừa qua, mẹ chồng chị 71 tuổi mất vì tuổi già sức yếu. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mấy chị em không nghe người ngoài mách đi xem bói.
"Chúng tôi tìm đến nhà mấy "thầy" có tiếng trong thành phố, đến đâu cũng nghe phán là trong nhà có trùng tang. Nếu không cúng bái để giải trùng thì nó sẽ tiếp tục bắt những người thân cận khác chết theo. Nghe vậy ai cũng sợ", chị Hà kể.
Chị cũng cho biết thêm: "Thật ra, tôi đã từng nghe nhiều về chuyện trùng tang rồi. Nhưng phần vì không phải là người mê tín, phần vì đó chẳng phải là việc nhà mình nên tôi chẳng để ý. Chỉ đến cơ sự này thì mới cuống cuồng cả lên".
Và những câu chuyện mang màu sắc mê tín
Cũng bị phán "có trùng tang" là tình cảnh của gia đình chị Trần Thị Nhung ở xã Đông Xuyên (Tiền Hải, Thái Bình). Tháng 10/2010, anh Đoàn Văn Mạo - chồng chị đổ bệnh rồi mất chỉ trong vòng một tuần. Cái chết đột ngột của anh Mạo khiến gia đình chị bàng hoàng. Thế nhưng, chuyện không dừng ở đó...
Đến bây giờ, những người trong gia đình chị Nhung và cả làng xóm vẫn còn nơm nớp lo sợ khi truyền tai nhau những câu chuyện mang màu sắc mê tín, khiến người nghe không khỏi bán tín bán nghi. "Lúc anh ấy mới mất, dù ngoài trời vẫn nắng to, chúng tôi còn mặc áo phông sang làm đám, thế mà ai vào trong nhà cũng thấy lạnh toát", chị Đoàn Thị Nhủ - em chồng chị Nhung kể.
Rồi chuyện ngay tối hôm đưa thi hài chồng chị Nhung ra đồng an táng, cậu em chồng vừa dắt xe máy ra đến cổng để về nhà thì nghe rõ tiếng gọi giật lại khiến anh này sợ đến nỗi mặt "cắt không còn giọt máu", phải nhờ người khác đưa về.
"Theo kinh nghiệm của các cụ thì như vậy là nhà có trùng. Đứa con trai thứ của anh chị ấy sợ, không dám về nhà ngủ nữa. Ngay cả chúng tôi là họ hàng thân thiết cũng chỉ dám sang nhà chị dâu vào ban ngày, mà cũng chẳng dám vào nhà vì u ám, lạnh lẽo lắm", chị Nhủ tiếp lời.
Mất đứt hàng chục triệu
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, mỗi khi bị "phán" là có "trùng tang", gia đình thường phải mời thầy về làm lễ "giải trùng". Tất nhiên, việc làm lễ cũng muôn hình vạn trạng và giá cả thì không hề khiêm tốn.
Ông thầy mà gia đình chị Hà mời về là một người khá nổi tiếng ở thành phố. Theo gợi ý của thầy, lễ cúng phải có mâm cỗ mặn, hương hoa. Riêng thầy sẽ lo phần giấy sớ, hình nhân thế mạng. "Tất tần tật các khoản cũng hết ngót hai chục triệu", chị Hà nhẩm tính. "Cũng may, có năm gia đình anh chị em cùng san sẻ nên đỡ gánh nặng phần nào", chị bảo.
Còn nhà chị Nhung thì kém thuận lợi hơn khi phải mời đến hai thầy cúng, làm lễ hai lần. "Thầy cúng đầu tiên đến giải, mất hơn chục triệu rồi. Nhưng sau đó đi xem người khác cho chắc ăn, thầy phán là chưa được. Gia đình lại phải mời một thầy cao tay hơn ở huyện bên. Tính ra, tổng cộng hai lần cũng gần ba chục triệu", chị Nhung cho hay.
Để có được số tiền làm lễ "giải trùng" ấy, ngoài tiền người ta đến viếng, tiền của cậu con trai đi làm phu hồ ngoài Hà Nội tích cóp được thì chị Nhung vẫn phải vay mượn thêm của anh em họ hàng. "Đến giờ vẫn còn nợ chừng năm triệu nữa", chị Nhung bấm đốt ngón tay.
Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?
PGS.TS Hà Vĩnh Tân, giám đốc Trung tâm Vật lý Môi trường, Viện Vật lý tỏ ra khá thận trọng khi đề cập đến vấn đề này và cho biết: "Trùng tang là một quan niệm dân gian, hiện chưa có một công trình khoa học ghi nhận trường hợp nào về trùng tang cũng như lý giải chúng".
Tuy nhiên, ông Hà Vĩnh Tân cũng cho rằng: "Vũ trụ tồn tại thế giới tâm linh. Có vô số những vấn đề thuộc lĩnh vực này mà đến nay khoa học hiện đại vẫn chưa thể giải thích được. Do đó, không ngoại trừ khả năng có hiện tượng này". Chính vì thế, cho đến nay, việc có hay không "trùng tang" vẫn còn là một bức màn bí ẩn.
"Nếu như coi việc trong một gia đình có những người chết liên tiếp là trùng tang thì cũng không hoàn toàn, bởi nhiều khi đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn nếu có trùng tang thì theo tôi, cái đó rất hiếm. Vấn đề ở chỗ, người dân cần phải nâng cao hiểu biết của mình, không thể vì những hiện tượng đó mà đã vội quy kết là nhà mình bị trùng tang. Từ việc hiểu sai bản chất của hiện tượng mà dẫn đến hành động sai, cổ xúy cho mê tín, phải cúng bái tốn kém là điều không nên có".
PGS. TS Hà Vĩnh Tân.
(Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự