Nằm ở lưng chừng núi Dạm, chùa Dạm có tên chữ là “Đại Lãm Tự” hay dân gian còn gọi là chùa Cao, chùa Bà Tấm. Theo sử sách, chùa Dạm được khởi công xây dựng vào năm 1086 và hoàn thành năm 1094 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu chùa và xây thêm 3 tháp đá. Chùa có quy mô 100 gian được ghép bằng đá, chiều dài 120 mét, chiều rộng 70 mét, với khoảng 12 toà sen tráng lệ. Chùa được coi là trung tâm Phật giáo, đại danh lam thắng cảnh điển hình của thời Lý.
Trải qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa gần như bị phá huỷ
hoàn toàn. Chỉ còn lại dấu tích 4 lớp nền móng kè đá còn nguyên gốc (cao chừng
5 - 6 m), những tảng đá chân cột (0,7 x 0,7 m) được chạm khắc cánh hoa sen cầu
kỳ, viên gạch ngói đất nung có chạm khắc tinh xảo của thời Lý với nhiều hoa văn
nghệ thuật, giếng Bống và 2 pho tượng Hoàng thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan và vua Lý
Nhân Tông.
Đặc biệt, nơi đây còn bảo lưu được một cột đá nguyên khối cao hơn 5 m, gồm 2 phần: phần dưới là khối hình hộp, (cạnh 1,4m x 1,6m), phần trên là khối hình trụ có tiết diện tròn (đường kính 1,3m) được chạm nổi đôi rồng lớn quấn quanh cột, đầu rồng ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, chầu vào hình mặt trời tỏa sáng, mào và bờm bốc lên như ngọn lửa.
Năm 1986, trên nền ngôi chùa cũ, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa. Bên cạnh chùa là đền Bà Tấm thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông là những người có công xây dựng chùa. Khu di tích chùa Dạm được đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hoá vào tháng 4/1994.
Lễ hội chùa Dạm hàng năm được tổ chức là đợt sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của
người dân địa phương. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, khách thập phương về chùa lễ
Phật, được du ngoạn cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp.
Từ trên cao nhìn xuống, núi
Dạm tựa như một con rồng đang bay, há miệng đớp viên ngọc. Mà chùa Đại Lãm toạ
lạc ở trán rồng. Đứng giữa rừng cây bạt ngàn của núi non trùng điệp, du khách
như được trở về chốn bồng lai trong khoảng không tĩnh mịch, phóng tầm mắt quan
sát cảnh sắc bốn bề.
Ngày chính hội vào mùng 8-9, ngay từ sáng sớm nhân dân tổ chức lễ rước kiệu từ Đình làng Tự Thôn lên chùa và lễ dâng hương tại đền Bà Tấm với nghi lễ truyền thống. Có đi trong đoàn rước kiệu mới cảm nhận được sự háo hức của người đi chơi hội. Từ những cụ già đến các em nhỏ, dòng người nối tiếp nhau đến cửa Phật với lòng thành tâm sâu sắc.
Đến với khu di tích chùa Dạm, không du khách nào bỏ lỡ cơ hội lên thăm bàn cờ tiên trên đỉnh núi Dạm hay ngồi nhâm nhi chén nước dưới gốc cây thị cô Tấm, chìm đắm trong những câu ca quan họ đối đáp thiết tha, mượt mà của các liền anh, liền chị vang vọng từ bãi Hội. Du khách chơi hội còn được tham gia vào các trò chơi dân gian như đập niêu, chọi gà…
Chia tay hội chùa trong tiếng hát quan họ thắm đượm nghĩa tình, mỗi du khách đều có những ấn tượng tốt đẹp về vùng đất “tứ linh, nhân kiệt”. Để rồi họ lại hẹn nhau cứ đến mùng 7, mùng 8, mùng 9 tháng 9 Âm lịch về chùa Dạm lễ Phật, thưởng hội.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự